Dịch thuật: Danh thần Y Doãn

 

DANH THẦN Y DOÃN

          Y Doãn 伊尹 nhân vì mẫu thân cư trú bên bờ Y thuỷ 伊水, nên lấy Y làm họ, lại nhân vì nguyên danh của ông là Chí , còn gọi là Y Chí 伊挚. Y Doãn trưởng thành, rất có hoài bão. Sau khi biết quốc quân Hữu Sằn 有莘hiền minh, để thi triển tài năng của mình, ông đã tự nguyện làm nô lệ, đến bên cạnh quốc quân Hữu Sằn làm đầu bếp. Thương Thang 商汤 muốn cưới con gái của quốc quân Hữu Sằn làm vợ, Y Doãn bèn lấy thân phận nô lệ bồi giá theo con gái họ Hữu Sằn đến Thương . Trình độ làm món ăn của Y Doãn rất cao, Thương Thang sau khi dùng qua rất vui mừng, liền triệu kiến. Y Doãn nhân cơ hội đó hối du thuyết Thang Vương. Thang Vương phát hiện ông rất có kiến thức, bèn miễn cho ông thân phận nô lệ, đồng thời nhậm mệnh ông giữ chức “Doãn” , tức Hữu tướng 右相, nhân đó xưng là Y Doãn 伊尹, cũng gọi là A Hành 阿衡.

          Y Doãn tại Thương Thang trong quá trình lập công diệt Hạ đã phát huy tác dụng trọng yếu. Sau khi Thương Thang diệt Hạ kiến lập triều Thương và xưng vương, vẫn do Y Doãn phụ chính. Trong thời gian này, Y Doãn đã chế định chuẩn tắc quan hệ giữa quân thần. Sau khi Thương Thang qua đời, thái tử Thái Đinh 太丁chưa chính thức kế vị đã mất, Y Doãn bèn lập em Thái Đinh là Ngoại Bính 外丙 kế vị. Hai năm sau, Ngoại Bính mất, em Ngoại Bính là Trọng Nhâm  中壬 tức vị. Trọng Nhâm tại vị chỉ bốn năm cũng qua đời. Lúc bấy giờ, quốc chính do Y Doãn phụ trách, thế là ông lập con của Thái Đinh là Thái Giáp 太甲kế vị.

          Thái Giáp nguyên niên, Y Doãn soạn “Y huấn” 伊训, nói rõ đức của liệt tổ đời Thương; soạn “Tứ mệnh” 肆命 trần thuật những chính giáo đã làm; soạn “Tồ hậu” 徂后 nói rõ pháp độ của Thành Thang 成汤, nhằm mong hướng dẫn Thái Giáp chấp chính chính vụ một cách chính xác. Nhưng Thái Giáp kế vị ba năm, chấp chính bất minh, lại thêm bạo ngược, tuy Y Doãn nhiền lần khuyên can, nhưng Thái Giáp không nghe. Y Doãn đành hạ lệnh đày Thái Giáp đến Đồng cung 桐宫, giam cầm nơi đó, lệnh cho ông ta ăn năn hối cải, đồng thời Y Doãn tự mình nhiếp chính. Thái Giáp bị giam ở Đồng cung ba năm, cuối cùng hối cải phục thiện, Y Doãn cả mừng, sai người đưa Thái Giáp trở về, giao lại chính quyền. Từ đó, Thái Giáp tu đức siêng năng chính vụ, chư hầu quy phục, bách tính an lạc.

          Khoảng năm 1533 trước công nguyên, Thái Giáp qua đời, Y Doãn viết ba thiên “Thái Giáp huấn” 太甲训để khen ngợi Thái Giáp, đồng thời tôn Thái Giáp làm “Trung Tông” 中宗.

          Y Doãn tổng cộng phò tá bốn vị đế vương đời Thương, vị cao quyền trọng mà không có tâm soán đoạt, được người đời sau khen ngợi.

                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                            Quy Nhơn 30/01/2023

Nguồn

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ

中国通史

(quyển 1)

Biên soạn: Thiệu Sĩ Mai 邵士梅

                  Tưởng Tiểu Ba 蒋筱波

Tam Xuân xuất bản xã, 2008

Previous Post Next Post