Dịch thuật: Chữ "tháo / tạo" 造 trong Hán ngữ cổ (Vương Lực)

 

CHỮ “THÁO / TẠO” TRONG HÁN NGỮ CỔ 

A- THÁO

1- Đi đến một nơi nào đó.

          Ban đầu chỉ đi đến chỗ tôn quý. Trong Mạnh Tử - Công Tôn Sửu hạ 孟子 - 公孫丑下có câu:

Bất hạnh nhi hữu tật, bất năng tháo triều

不幸而有疾, 不能造朝

(Chẳng may có bệnh, không thể lên triều)

          Trong Chiến quốc sách – Tề sách tứ 戰國策 - 齊策四:

Tiên sinh Vương Đấu, tháo môn nhi dục kiến Tề Tuyên Vương.

先生王鬥, 造門而欲見齊宣王

(Vương Đấu tiên sinh đến nhà muốn yết kiến Tề Tuyên Vương)

          Trong Điếu Khuất Nguyên phú 弔屈原賦 của Giả Nghị 賈誼:

Tháo thác Tương lưu hề, kính điếu tiên sinh

造託湘流兮, 敬弔先生

(Đến kí thác với sông Tương, cung kính điếu viếng tiên sinh)

          Về sau cũng chỉ đến một nơi ngang hàng hoặc thấp hơn mình. Trong Thế thuyết tân ngữ - Ngôn ngữ 世說新語 - 言語 có câu:

Dữu Công tháo Chu Bá Nhân

庾公造周伯仁

(Dữu Công đến nhà thăm Chu Bá Nhân)

          Hiện đại, có từ song âm “tháo phỏng” 造訪 (đến thăm).

          Dẫn đến nghĩa đạt đến một cảnh giới nào đó. Trong Mạnh Tử - Li lâu hạ 孟子 - 離婁下 có câu:

Quân tử thâm tháo chi dĩ đạo

君子深造之以道

(Quân tử dựa vào đạo mà đạt đến cảnh giới)

          Hiện đại có thành ngữ:

Đăng phong tháo cực

登峰造極

(Đạt đến đỉnh cao)

          “Tháo nghệ” 造詣, “tháo tựu” 造就 là yết kiến bậc tôn quý. Trong Tấn thư – Đào Tiềm truyện 晉書 - 陶潛傳có câu:

Vị thường hữu sở tháo nghệ

未嘗有所造詣

(Chưa từng đến bái kiến người khác)

          Trong Dữ Trần tướng quân thư 與陳將軍書 của Lạc Tân Vương 駱賓王:

Cấm môn thanh thiết, tháo tựu vô duyên

禁門清切, 造就無緣

(Nơi cấm môn tôn quý, không có duyên đến đó)

          Dẫn đến nghĩa là đạt đến một cảnh giới, một thành tựu nào đó (nghĩa hậu khởi).

B- THÁO

          Tháo thứ 造次: từ song thanh đi liền nhau, mang nghĩa gấp gáp, vội vàng.

          Trong Luận ngữ - Lí nhân 論語 - 里仁có câu:

          Quân tử vô chung thực chi gian vi nhân, tháo thứ tất ư thị, điên bái tất ư thị.

          君子無終食之間違仁, 造次必於是, 顛沛必於是.

          (Quân tử không vì một bữa ăn mà làm trái điều nhân, cho dù trong tình huống gấp gáp cũng nhất định tuân theo chuẩn tắc nhân nghĩa, gặp lúc động loạn cũng giữ lấy nhân nghĩa.)

          Dẫn đến nghĩa tuỳ tiện, qua loa, lỗ mãng.

Trong bài Tống Cố bát phân văn học thích Hống Cát châu 送顧八分文學適洪吉州 của Đỗ Phủ 杜甫có câu:

Du dương phi tháo thứ

揄揚非造次

(Ngợi khen không phải qua loa)

          Trong bài Tinh vệ điền hải 精衛填海 của Hàn Dũ 韓愈:

Nhân giai ki tháo thứ

Ngã độc thưởng chuyên tinh

人皆譏造次

我獨賞專精

(Mọi người chê việc đó quá khinh suất

Chỉ riêng ta thưởng thức tinh thành chuyên nhất )

C- TẠO

          Làm thành, chế tạo. Trong Thi – Trịnh phong – Tri y - 鄭風 - 緇衣có câu:

Tri y chi hảo hề

Tệ dư hựu cải tạo hề

緇衣之好兮

敝予又改造兮

(Áo đen mà ngài mặc rất tốt

Nếu rách chúng tôi sẽ làm lại cái khác cho ngài)

          Tạo hoá 造化: đại tự nhiên. Trong Trang Tử - Đại tông sư 莊子 - 大宗師:

Kim nhất dĩ thiên địa vi đại lô, dĩ tạo hoá vi đại dã.

今一以天地為爐, 以造化為大冶

          (Nay lấy cả trời đất làm một cái lò lớn, lấy tạo hoá làm người thợ luyện rèn)

          Trong Lãm minh 覽冥 của Hoài Nam Tử 淮南子:

Hoài vạn vật nhi hữu tạo hoá

懷萬物而友造化

(Trong lòng dung nạp muôn vật, mà làm bạn với tạo hoá)

          Tạo hoá giả 造化者, tạo vật giả 造物者 là người sáng tạo và hoá dục muôn vật, sáng tạo muôn vật, tức chủ tể tự nhiên. Trong Trang Tử - Đại tông sư  莊子 - 大宗師  có câu:

Phù tạo hoá giả tất dĩ vi bất tường chi nhân.

夫造化者必以為不祥之人

(Tạo hoá là người mà mọi người tất cho là người bất tường)

          Và:

Vĩ tai! Phù tạo vật giả tương dĩ dư vi thử câu câu dã.

偉哉夫造物者將以予為此拘拘也

(Vĩ đại thay! Tạo vật đã biến ta cong cong không duỗi ra như thế này)

(“câu câu” 拘拘 dáng cong cong không duỗi ra).

          Trong Tiền Xích Bích phú 前赤壁賦 của Tô Thức 蘇軾:

Thị tạo vật giả chi vô tận tàng dã.

是造物者之無盡藏也

(Đó là cái kho vô tận của tạo hoá)

          Lại tỉnh xưng là “tạo vật” 造物. Trong Hỉ Vũ Đình kí 喜雨亭記của Tô Thức 蘇軾:

Tạo vật bất tự dĩ vi công

造物不自以為功

(Tạo hoá không tự cho là công lao của mình) 

Với mục A và B,  trong thơ cũ đọc là cào (THÁO), còn ở mục C đọc là  zào (TẠO). Nay hết thảy đều đọc là zào.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                   Quy Nhơn 03/12/2022

Nguyên tác Trung văn trong

CỔ ĐẠI HÁN NGỮ

古代漢語

(tập 4)

Chủ biên: Vương Lực 王力

Trung Hoa thư cục, 1998.

Previous Post Next Post