Dịch thuật: Sinh tử tự nhiên (Đạo kinh cố sự)

 

SINH TỬ TỰ NHIÊN

 

          Theo Nam Hoa chân kinh 南华真经

          Lão Đam 老聃 qua đời, Tần Dật 秦佚 đến điếu viếng, tại linh đường khóc lên ba tiếng rồi lui ra.

          Đệ tử hỏi ông:

          - Lão Đam chẳng phải là bạn của thầy sao?

          Tần Dật đáp rằng:

          - Là bạn.

          Đệ tử lại hỏi:

          - Đối với bạn của mình mà điếu viếng qua loa như thế có được không?

          Tần Dật đáp rằng:

          Được chứ. Nguyên là, ta cho rằng ông ấy là người rất giỏi, hiện tại mới biết không phải là như thế. Lúc nãy khi ta vào điều viếng, thấy có người già khóc ông ấy như khóc con của mình; có người trẻ khóc ông ấy như khóc mẹ của mình. Người già người trẻ khóc ông ấy bi thương như thế, nhất định là đã bị ảnh hưởng của tình cảm chấp trước, không cần phải điếu viếng mà điếu viếng, không cần phải than khóc mà than khóc. Đó là tránh tự nhiên mà làm trái với tình thực, quên đi phép tắc tự nhiên của sinh mệnh dài ngắn mà trời bẩm phú cho. Thời cổ gọi đó là làm trái với sơ suất của tự nhiên. Đáng lúc phải đến, Lão Đam ứng thời mà sinh ra, đáng lúc phải đi, Lão Đam thuận lí mà chết, đó chính là phép tắc của tự nhiên. An tâm thích thời mà thuận ứng với sự biến hoá, tình cảm buồn vui không thể xâm nhập trong lòng, thời cổ gọi đó là giải trừ sự đảo huyền đối với tự nhiên, cũng chính là một loại giải thoát của thiên nhiên đối với cái khổ sinh tử. Giống như từng đống củi, đốt lên thì có sự cùng tận, không thể vĩnh viễn cháy mãi, nhưng lửa thì lại không thể không cháy tiếp, truyền lại mãi mãi, không có chỗ tận cùng.

 

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                    Quy Nhơn 15/11/2022

Nguyên tác Trung văn

SINH TỬ TỰ NHIÊN

生死自然

Trong quyển

ĐẠO KINH CỐ SỰ

道经故事

Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉

Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002

Previous Post Next Post