“TRÀNH” LÀ CON VẬT NHƯ THẾ NÀO
VÌ SAO LẠI BỊ NGƯỜI TA CĂM GIẬN
Văn hoá
thành ngữ Trung Quốc bác đại tinh thâm, bao hàm điển cố và truyền thuyết nhiều
không kể xiết.
Một số
thành ngữ mọi người dùng rất là rành rẽ, nhưng chưa hẳn mọi người đều hiểu nó
hoàn toàn. Ví dụ như, “trợ Trụ vi ngược” 助纣为虐 (1) và “vị hổ tác trành” 为虎作伥 (2) thường được dùng liền nhau, chỉ việc giúp người xấu làm những điều hung ác. Câu trước thì đơn giản,
câu sau chữ “trành” 伥 trong
“vị hổ tác trành” 为虎作伥rốt cuộc là gì, đại khái có một số người không hiểu.
Trong Thuyết văn giải tự 说文解字 đã giải thích
伥 (trành) là 狂 (cuồng), tục tự viết là 猖
(xương). Nhưng nghĩa gốc hiện nay đã không còn người dùng, hàm nghĩa của
“trành” từ rất sớm đã biến thành hồn phách của người mất mạng vì bị hổ ăn thịt.
Khang Hi tự điển 康熙字典căn cứ vào ghi
chép trong sách cổ đã giải thích chữ “trành” 伥là:
Tác quỷ. Hổ khiết nhân, nhân tử, hồn bất cảm
tha thích, triếp lệ sự hổ, danh viết trành.
作鬼. 虎啮人, 人死, 魂不敢他适, 辄隶事虎, 名曰伥.
(Là quỷ.
Hổ cắn người, người chết, hồn không dám rời đi nơi khác, bị lệ thuộc làm việc
cho hổ, gọi là “trành”)
Ý là,
người bị hổ cắn chết, sau khi chết hồn phách không dám rời đi, biến thành nô lệ
phục dịch cho hổ, gọi đó là “trành”.
Thời cổ,
nhưng ghi chép liên quan tời trành rất nhiều, như trong Dạ hàng thuyền 夜航船 do đại học giả triều Minh Trương Đại Tông 张岱宗 biên
soạn có nói:
Nhân li hổ ách, kì thần hồn thường vi hổ dịch,
vi chi tiền đạo. Cố phàm tử vu hổ giả, y phục cân lí giai tá vu địa, phi hổ chi
uy năng sử tự tá, thực quỷ vi chi dã.
人罹虎厄, 其神魂尝为虎役, 为之前导. 故凡死于虎者, 衣服巾履皆卸于地, 非虎之威能使自卸, 实鬼为之也.
(Người
gặp phải nạn hổ, thần hồn từng phục dịch cho hổ, đi trước dẫn đường. Cho nên
người bị chết vì hổ, quần áo khăn dép đều cởi ra vất trên đất, không phải uy
năng của hổ khiến tự cởi ra, mà chính là quỷ làm vậy)
Đoạn
văn này tương đối mang tính đại biểu, ý là trành quỷ sẽ dẫn hổ đi ăn thịt những
người bị hại khác. Nếu quần áo của người bị hại bị vất trên đất, đó đương nhiên
không phải là do hổ làm, mà là trành quỷ làm giúp hổ. Đa số người xưa đều tin
như thế không nghi ngờ gì.
Tô Đông
Pha 苏东坡 trong
Ngư tiều nhàn thoại 渔樵闲话 viết rằng:
Liệp giả viết: Thử trành quỷ dã; tích vi hổ
thực chi nhân. Kí dĩ quỷ hĩ, toại vi hổ chi dịch.
猎者曰: 此伥鬼也; 昔为虎食之人. 既已鬼矣, 遂为虎之役.
(Người
đi săn nói rằng: Đó là trành quỷ; xưa là người bị hổ ăn thịt. Khi đã thành quỷ,
liền phục dịch cho hổ)
Theo
cách nói của người xưa, trành quả thực là đáng căm giận, chấp mê bất ngộ, còn
giúp cho ác hổ ăn thịt người khác. Đương nhiên, đó cũng là đáng thương. Tại sao
lại như thế? Người xưa cho rằng, người mất mạng vì hổ không biết phải làm cách
nào, bèn kéo người vô tội thế vào, cho nên giúp hổ ăn thịt người khác. Đồng thời,
khi hổ chết, họ còn khóc lóc. Nhân đó, trong Khang Hi tự điển dẫn dụng lời của người xưa là “trành khả vị quỷ
chi ngu giả dã” 伥可谓鬼之愚者也 (trành
có thể nói là loài quỷ ngu.)
Danh thần
Kỉ Hiểu Lam 纪晓岚 triều
Thanh trong Duyệt Vi Thảo Đường bút kí 阅微草堂笔记 nói là có người thấy qua trành, suýt chút nữa bị
chôn sống. Bài văn kể rằng, có một tiều phu lúc nghỉ ngơi ở trong núi, nhìn thấy
từ xa xa có một người cầm quần áo, vừa chạy vừa vất bên đường, chạy rất nhanh,
sắc mặt trằng bệch không giống người. Tiều phu mạnh dạn đi theo quần áo bị vất
trên đường, tại một khe núi phát hiện một con mãnh hổ đang nằm.
Hoá ra,
thứ mà anh ta nhìn thấy lúc nãy là trành, quần áo kia là của người bị hổ ăn thịt
để lại. Trành cố ý hiện hình để cho tiều phu thấy, vất quần áo là để dẫn anh ta
đến chỗ con hổ để hổ ăn thịt. Nhưng tiều phu chạy quá nhanh thoát được. Sau đó
anh ta tìm mấy người nữa dùng súng bắn lửa bắn chết ba con hổ gần đó.
Nếu hổ
có trành giúp thì tương đối khó đối phó, người đi săn không thể không đấu trí đấu
sức với nó. Trong tiểu thuyết bút kí đời Minh Thất loại tu cảo 七类修稿 viết rằng, trành sẽ giúp hổ tránh xa bẫy mà người đi
săn đặt ra. Người đi săn không biết làm sao, đành phải đặt một ít cơm rau, quần
áo, giày dép, mũ nón để phân tán sự chú ý của trành. Nếu trành không phát hiện
được hố thì thường có thể giết được hổ. Một khi hổ bị giết, “trành lại gào
khóc, đêm đêm kêu gào, cho rằng không còn hi vọng hổ ăn thịt người nữa, muốn
báo thù.” Xem ra, trành còn muốn báo thù cho hổ đã chết.
Trong Thái Bình quảng kí 太平广记nổi tiếng đời
Tống có chép câu chuyện trành được người cảnh tỉnh. Khoảng niên hiệu Trường
Khánh 长庆 đời
Đường Mục Tông 唐穆宗, có một xử sĩ (người có học mà không ra làm quan) tên
Mã Chửng 马拯, thích du sơn ngoạn thuỷ, trong núi gặp được một lão
hoà thượng tóc râu đều bạc trắng, thân thể khôi ngô. Nhưng lão hoà thượng này
có thể hoá thân thành hổ ăn thịt người, đây cũng là việc mà trành làm, ông lấy
da hổ khoác trên người để người biến thành hổ để cho mọi người đuổi theo.
Tiểu đồng
của Mã Chửng bị hoà thượng biến thành hổ ăn thịt trước. Còn ông may mà gặp được
một người, cả hai hợp sức đấu trí với hổ, giết hổ bên cạnh giếng. Sau đó khi Mã
Chửng và mấy người bạn rời đi, nửa đường gặp người thợ săn, đặt một chiếc bẫy rất
khéo, lắp máy bắn tên tự động. Họ nấp ở một nơi cao, bẫy lại giết một con mãnh
hổ vằn vện khác. Sau khi con hổ này chết, mấy chục người kéo đến, nam nữ già trẻ,
hoà thượng đạo sĩ đều có, vây lấy hổ mà gào khóc, nói là có người giết chết
“Thiền hoà” 禅和 của
họ (con hổ đầu tiên), còn chưa đủ lại giết “Trương tướng quân” 张将军 của
họ (con hổ thứ hai).
Mã Chửng
và mấy người bạn thấy thế liền giận dữ, đứng lên trách họ rằng:
- Mấy người là mấy con quỷ ngu xuẩn, đều bị hổ ăn thịt, chúng tôi đến
giúp mấy người báo thù, mấy người không những không cảm ơn mà còn lại khóc lại
mắng, lẽ nào không tính quỷ không mất đi sao?
Bọn
trành quỷ á khẩu không nói tiếng nào. Một con trong đó đầu tiên phản ứng, nói rằng:
- Nghe mấy lời ông nói, tôi mới chợt tỉnh ngộ, trước đây luôn cho là con
hổ chết là Trương tướng quân.
Thế là
bọn trành quỷ đều tỉnh ngộ, mắng hổ đã chết một trận, lại bày tỏ lòng biết ơn vô
hạn đối với Mã Chửng rồi mới rời đi.
Trong
truyền thuyết cổ đại, có rất ít người bị hổ ăn thịt biến thành trành chấp mê bất
ngộ. Trong Quảng dị kí 广异记 đời Đường có thuật một câu chuyện rất có ý nghĩa. Khoảng
niên hiệu Thiên Bảo 天宝 đời Đường Huyền Tông 唐玄宗,
tại Tuyên Châu 宣州 có một
đứa bé, nhà trú bên núi. Hễ đêm đến, nó thường thấy một con trành dẫn hổ đuổi
theo mình.
Chuyện
này sau nhiều lần phát sinh, đứa bé biết mình sẽ chết nơi miệng hổ, nó liền nói
với cha mẹ:
- Bị hổ ăn thịt, quỷ sẽ là trành. Sau khi con biến thành trành, cha mẹ bảo
dân làng đặt hố bẫy bên đường, nếu hổ đuổi con, con sẽ dẫn nó đến hố.
Chẳng bao lâu, quả nhiên đứa
bé bị hổ ăn thịt. Cha đứa bé nằm mộng, thấy con mình nói rằng:
- Mau mau đào một chiếc hố đặt bẫy ở phía tây của thôn, ngày mai con sẽ dụ
hổ đến đó.
Dân làng theo lời đào một chiếc hố đặt bẫy, ngày hôm sau quả nhiên đã giết được một con hổ.
Chú của người
dịch
1- Trợ Trụ vi
ngược 助纣为虐: giúp ông Trụ làm điều bạo ngược, ví giúp kẻ ác làm điều ác.
2- Vị hổ tác trành 为虎作伥: làm trành cho quỷ, dẫn dụ người đến cho hổ ăn thịt, ví giúp kẻ ác làm điều ác.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 16/10/2022
Nguồn