Dịch thuật: Thịt xương gởi áng Diêm phù (585) (Bích Câu kì ngộ)

 

THỊT XƯƠNG GỞI ÁNG DIÊM PHÙ (585) 

          Diêm phù 閻浮: tức Diêm phù đề 閻浮提, dịch từ tiếng Phạn, tức Nam Thiệm bộ châu 南贍部州. “Diêm phù” 閻浮là tên một loại cây, “đề” là nói tắt của “đề bì ba” 提鞞波, dịch nghĩa là châu. Trên châu có nhiều cây diêm phù, cho nên có tên là “Diêm phù đề”, trong thơ vă thường dùng để chỉ thế gian.

          Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn:

          Diêm phù đề  閻浮提Jambudvipa (scr):

          “Một châu trong bốn châu ở Địa cầu. Nó ở về phía Nam núi Tu Di, cũng kêu là Thiệm bộ châu, tức là trái đất chúng ta ở mà cõi Thiên Trước choán một phần rộng lớn. Tên Diêm phù đề có bởi cây Diêm phù (Jambud), vì ở cõi này có cây linh kêu là Diêm phù, dưới bóng cây ấy, thái tử Tất đạt Đa (Sidharta) tham thiền nhằm khi người ta cày ruộng.

          Người ta cũng gọi Diêm phù đề là cõi Thiên Trước (Ấn độ).

          Theo kinh, cõi Diêm phù đề của chúng ta bề vòng là 30.000 do tuần, hình phân nửa mặt trăng, dân sống đến trăm tuổi là cùng. Cõi của ta kém sút hơn ba cõi kia, dân chúng phải làm cực khổ mới có mà ăn. Cõi này lại chứa đầy những kẻ bịnh khổ. Tuy vậy, ta cũng được vui vì sự này: chính là ở cõi Diêm phù đề, đức Phật Thích tôn giáng sanh vậy. Ở cõi Diêm phù đề, có dãy núi Hỷ mã lạp sơn, phía trên Thiên Trước là cao hơn hết.

          Còn ba cõi khia trong Hoàn cầu là: Bắc Cu lư châu (Uttra – Kuru), Tây Ngưu hạ châu (Godana), Đông Thắng thần châu (Purva – videha).”

          (Đoàn Trung Còn: Phật học từ điển, quyển 1. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 1992)

Thịt xương gởi áng Diêm phù

Sinh sinh hoá hoá trong lò hồng quân

(Bích Câu kì ngộ: 585 - 586)

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 08/10/2022

Previous Post Next Post