Câu đối: Kim tỉnh ngô đồng đương diệp lạc .....

 

金井梧桐當葉落

梓枌鱸膾正香濃

Kim tỉnh ngô đồng đương diệp lạc

Tử phần lư quái chính hương nùng

(Đương lúc cây ngô đồng bên giếng vàng rụng lá

Thì cũng là lúc ở quê nhà món cá lư dậy mùi thơm)

                                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                                     Quy Nhơn 30/10/2022

Lấy ý từ hai câu 1593 - 1594 trong “Truyện Kiều”:

Thú quê thuần hức bén mùi

Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô

Kim tỉnh 金井: Giếng vàng.

Thời cổ, người ta dùng gỗ gác từ dưới giếng lên để giữ cho vách giếng khỏi bị sụp, phần nhô lên mặt đất gọi là “tỉnh lan” 井栏. Giếng mà “tỉnh lan” có chạm trỗ gọi là “kim tỉnh”.

Ở thơ cổ và từ cổ Trung Quốc, thường bắt gặp hình ảnh cây ngô đồng bên giếng, như:

Trong Tặng biệt Xá nhân đệ Thai Khanh chi Giang Nam 赠别舍人弟台卿之江南 của Lí Bạch 李白 có câu:

 Ngô đồng lạc kim tỉnh 

 Nhất diệp phi ngân sàng 

梧桐落金井 

一叶飞银床 

(Lá ngô đồng rụng xuống giếng vàng

Có lá còn bay đến bên giường bạc)

Trong Trường Tín oán (Kim tỉnh ngô đồng thu diệp hoàng) 长信怨 (金井梧桐秋叶黄) của Vương Xương Linh 王昌龄 có câu:  

Kim tỉnh ngô đồng thu diệp hoàng

 Châu liêm bất quyển dạ lai sương 

金井梧桐秋叶黄

 珠帘不卷夜来霜 

(Cây ngô đồng bên giếng vàng, lá vào thu đã trở vàng 

Rèm châu không cuốn lên, đêm mang sương đến) 

Tử phần 梓枌: Chỉ quê hương.

          Tử : cây tử tức cây thị. Trong Kinh Thi – Tiểu nhã – Tiểu biền  - 小雅 - 小弁có câu:

Duy tang dữ tử

Tất cung kính chỉ

維桑與梓

必恭敬止

(Nhìn thấy cây dâu và cây thị của cha mẹ trồng

Tất phải cung kính khi đứng trước cây)

          Theo chú giải của Chu Hi, ngày xưa ở khu đất năm mẫu để làm nhà, cây dâu cây thị được trồng ở dưới tường dành truyền cho con cháu để có lá dâu mà nuôi tằm, có gỗ thị mà làm vật dùng.

          (Kinh Thi – quyển 2: bản dịch của Tạ Quang Phát.)

Phần : cây phần. Phần Du 枌榆 là quê hương của Hán Cao Tổ Lưu Bang, “phần du” cũng phiếm chỉ quê hương.

Ở bài Tác Tân Phong di cựu xã 作新豐移舊社 trong Tây Kinh tạp kí 西京雜記  quyển 2 của Cát Hồng 葛洪 đời Tấn, mục chú thích Phần du 枌榆 có ghi:

          Lưu Bang vi Phong ấp Phần Du hương nhân. Sơ khởi binh thời, tằng kì đảo ư Phần Du chi Xã.

劉邦為豐邑枌榆鄉人, 初起兵時, 曾祈禱於枌榆之社

(Lưu Bang là người ở làng Phần Du, ấp phong. Lúc mới khởi binh, từng cầu đảo nơi đền thờ Xã ở Phần Du.)

(“Tây Kinh tạp kí” 西京雜記Cát Hồng 葛洪biên soạn; Thành Lâm 成林, Trình Chương Xán 程章燦 dịch chú. Đài Bắc – Địa Cầu xuất bản xã, năm Dân Quốc thứ 83)

Lư quái 鱸膾: Thịt cá lư thái nhỏ. Điển xuất từ thành ngữ “Thuần lư chi tư” 莼鲈之思, hình dung tình cảm nhớ quê hương.

          Thuần  là tên một loại rau; lư  là tên một loại cá. Thành ngữ “Thuần lư chi tư” liên quan đến câu nói của Trương Hàn 张翰 thời Tây Tấn:

          Trương Hàn 张翰 tự Quý Ưng 季鹰, người Ngô Giang 吴江, là một tài tử, thi thư đều giỏi. Nói đến Trương Hàn, người ta thường nhắc đến món rau thuần và cá lư. Trong Tấn thư – Trương Hàn truyện 晋书 - 张翰传 có viết:

          Trương Hàn tại Lạc, nhân kiến thu phong khởi, nãi tư Ngô Trung uyển thái thuần canh, lư ngư quái, viết: ‘Nhân sinh quý thích chí, hà năng ki hoạn sổ thiên lí dĩ yếu danh tước hồ!’ Toại mệnh giá nhi quy.

          张翰在洛, 因见秋风起, 乃思吴中苑菜莼羹, 鲈鱼脍, : ‘人生贵适志, 何能羁宦数千里以要名爵乎!’ 遂命驾而归.

          (Trương Hàn lúc ở tại ấp Lạc, thấy gió thu nổi lên, liền nhớ tới món canh rau thuần, thịt cá lư thái nhỏ ở quê nhà Ngô Trung, bèn nói rằng: ‘Đời người quý ở chỗ được theo chí của mình, sao lại vì việc mưu cầu công danh tước vị mà trói buộc thân mình nơi xa ngàn dặm.’ Bèn sai thị tùng đóng ngựa trở về quê nhà)

http://www.huaxia.com/wh/zsc/2006/00518530.html

Previous Post Next Post