Dịch thuật: Thích Kế Quang (kì 1) (Hổ chi uy)

 

THÍCH KẾ QUANG

(kì 1)

          Thích Kế Quang 戚继光 (năm 1528 – năm 1587), tự Nguyên Kính 元敬, hiệu Nam Đường 南塘, người Đông Mâu 东牟Sơn Đông 山东đời Minh.

          Thích Kế Quang là anh hùng dân tộc chống quân xâm lược của Trung Quốc, lưu danh thiên cổ. “Thích gia quân” 戚家军  mà Thích Kế Quang tổ chức, và huấn luyện, kỉ luật nghiêm minh, rất được bách tính yêu quý.

          “Thích gia quân” đến các tỉnh duyên hải đông nam, trải qua hơn 80 trận chiến đấu, chỉ qua một thời gian ngắn, mà đã nhanh chóng đánh lui chủ lực của giặc lùn, tiêu diệt hết tai hoạ do giặc lùn gây ra hơn 300 năm ở đông nam.

          Thích Kế Quang không những để lại cho đời sau nhiều bộ trứ tác về lí luận quân sự rất có giá trị, mà còn phát minh ra các loại vũ khí khắc địch chế thắng như “lang tiển” 狼筅, “cương nhu bài” 刚柔牌, “tự phạm đồng luân hoả” 自犯铜轮火

ĐÀI CHÂU LUYỆN BINH

 THÍCH GIA QUÂN LẤY MỘT CHỐNG MƯỜI

          Thích Kế Quang 戚继光 lúc sinh thời, phụ thân Thích Cảnh Thông 戚景通 đã 56 tuổi. Năm Thích Kế Quang 13 tuổi, lúc đính hôn, ngoại tổ phụ tặng ông một đôi giày làm bằng tơ. Thích Kế Quang mang đôi giày này, phụ thân nói rằng:

          - Con hiện tại mang giày tơ, tương lai sẽ muốn mặc áo gấm, ăn được thịt. Cha một đời thanh bạch, khó mà thoả mãn yêu cầu của con, lúc đó con sẽ ăn mất lương hướng của sĩ binh.

          Phụ thân bảo Thích Kế Quang xé bỏ đôi giày đó.

          Có một lần phụ thân hỏi Thích Kế Quang:

          - Chí hướng của con là gì?

          Thích Kế Quang đáp:

          - Đọc sách

          Phụ thân nói rằng:

          - Mục đích của đọc sách chính là để hiểu trung hiếu liêm khiết.

          Phụ thân đem mấy chữ trung hiếu liêm khiết viết lên vách để Thích Kế Quang tuân thủ.

          Thích Kế Quang nhìn thấy phụ thân tuổi đã cao mà vẫn nghiên cứu phương sách phòng bị biên cương. quyết tâm lấy đại sự trong thiên hạ làm nhiệm vụ của mình. Thích Cảnh Thông vùi đầu vào việc viết những luận trứ liên quan đến chiến tranh, gia cảnh ngày càng nghèo khó. Nhiều người nói sau lưng:

          - Ngày ngày nói đến hiếu liêm, lấy gì để lại cho Thích Kế Quang?

          Thích Cảnh Thông gọi Thích Kế Quang lúc đó đã 16 tuổi đến nói rằng:

          - Cha để lại cho con trứ tác, giá trị không thể nào tính được.

          Mùa hạ năm Gia Tĩnh thứ 23 (năm 1544), Thích Cảnh Thông đã 72 tuổi bệnh nặng, ông bảo Thích Kế Quang đến Bắc Kinh làm thủ tục tập chức, đem mấy trăm thiên phương sách phòng bị biên cương dâng lên triều đình. Lúc lên đường, Thích Cảnh Thông dặn dò:

          - Di sản mà cha để lại cho con là báu vật vô giá, chớ có tuỳ tiện vứt bỏ.

          Thích Kế Quang đáp rằng:

          - Con nhất định sẽ làm rạng rỡ di sản của cha.

          Tháng 8 năm Gia Tĩnh thứ 23 (năm 1544), Thích Cảnh Thông qua đời. Tháng 10, Thích Kế Quang về đến quê nhà.

          Năm 17 tuổi, Thích Kế Quang đảm nhậm chức Đăng Châu vệ Chỉ huy thiêm sự 登州卫指挥佥事. Theo quy định, ra học tư thục ở ngoài phải chuẩn bị xe và thị tùng, Thích Kế Quang chi trả không nổi khoản chi tiêu này. Lương Giới 梁蚧 cảm động tinh thần khắc khổ của ông, chủ động đến nhà Thích Kế Quang dạy ông học. Dưới sự giáo dục của Lương Giới, Thích Kế Quang thu hoạch không ít kiến thức.

          Năm Gia Tĩnh thứ 25 (năm 1546), Thích Kế Quang 19 tuổi, phụ trách quản lí đồn vụ ở Đăng Châu vệ 登州卫. Thích Kế Quang ra sức chỉnh lí đồn chính, bổng lộc của ông rất thấp, cuộc sống thanh bần.

          Năm Gia Tĩnh thứ 27 (năm 1548), Thích Kế Quang được thăng lên làm Trung quân Chỉ huy sứ 中军指挥使, thống suất sĩ tốt vệ sở 6 quận ở Sơn Đông 山山东 trấn giữ Kế Môn 蓟门. Thích Kế Quang huấn luyện quân đội trở thành đội ngũ mạnh mẽ có sức chiến đấu, rất được uy tín.

          Tháng 10 năm Gia Tĩnh thứ 28 (năm 1549), Thích Kế Quang trúng võ cử. Mùa thu năm sau, Thích Kế Quang đến Bắc Kinh tham gia Hội thí. Yêm Đáp 俺答đem quân từ Cổ Bắc Khẩu 古北口công hạ Mật Vân 密云, Thuận Nghĩa 顺义, Thông Châu 通州, đến gần kinh thành. Chính phủ triều Minh điều tập quân Minh từ Đại Đồng 大同, Hà Nam 河南, Sơn Đông  山东 hoả tốc cứu viện, hạ lệnh cho võ cử của Hội thí vào giữ thành. Thích Kế Quang đảm nhậm Tổng kì bài 总旗牌, phòng thủ Cửu môn 九门. Thích Kế Quang dâng phương sách chống địch lên triều đình, được triều đình cho san khắc và in ra cung cấp cho quân Minh học tập.

          Tháng 6 năm Gia Tĩnh thứ 32 (năm 1553), Thích Kế Quang thăng nhậm Thự bộ Chỉ huy thiêm sự 署部指挥佥事, phụ trách việc kháng cự với giặc lùn (oa khấu 倭寇 chỉ giặc Nhật - ND) ở Sơn Đông, thống lĩnh 3 doanh, 25 vệ sở ở Đăng Châu 登州, Văn Đăng 文登, Tức Mặc 即墨, huấn luyện quân đội có trật tự, đề cao sức chiến đấu. Do bởi Sơn Đông không được giàu có, nên không phải là khu vực hoạt động của giặc lùn.

          Tháng 7 năm Gia Tĩnh thứ 34 (năm 1555), Thích Kế Quang được điều đến chiến trường Chiết Giang浙江. Thích Kế Quang giúp Tổng đốc Hồ Tông Hiến 胡宗宪 bày mưu lược, định kế đánh lui giặc lùn đang bao vây Đồng Hương 桐乡, rất được coi trọng. Thích Kế Quang phụ trách sự vụ hậu cần liên quan đến đồn điền.

          Năm Gia Tĩnh thứ 35 (năm 1556), được sự tiến cử của Tổng đốc Hồ Tông Hiến, Thích Kế Quang đảm nhậm chức Tham tướng 参将, thống lĩnh quân Minh ở Ninh Ba 宁波, Thiệu Hưng 绍兴, Đài Châu 台州. Do bởi tính hình chiến tranh khẩn cấp, Thích Kế Quang không kịp huấn luyện quân sĩ, chỉ dựa vào tài chỉ huy trác việt, tiêu diệt kẻ địch, bảo đảm được chiến thắng.

          Tháng 2 năm Gia Tĩnh thứ 36 (năm 1557), Thích Kế Quang kiến nghị lên Hồ Tông Hiến lập ra doanh binh, huấn luyện quân sĩ. Hồ Tông Hiến không tin Thích Kế Quang có thể luyện thành một đội tinh binh. Đến cuối năm, do bởi Thích Kế Quang nhiều lần kiến nghị, Hồ Tông Hiến đã giao cho ông một đội quân 3000 người.

          Năm Gia Tĩnh thứ 37, Hồ Tông Hiến phái binh đánh Sầm Cảng 岑港, nhân vì ở vào vị trí hai đầu của đảo Chu Sơn 舟山, địa hình hiểm trở, quân Minh khó mà đánh thắng.

          Tháng 4, giặc lùn đổ bộ tại Đài Châu 台州Chiết Giang 浙江. Ngày 23, Thích Kế Quang dẫn quân đến Đài Châu. Ngày 29, Thích gia quân ồ ạt tiến đến núi Ô Ngưu 乌牛, giặc lùn phút chốc đại loạn, chủ lực quân Minh. thừa cơ tấn công. Quân Minh đánh 5 trận thắng 5 trận, giặc lùn tan vỡ tháo chạy.

          Tháng 5, hơn 4000 tên giặc lùn cướp bóc tại lưu vực Ô Ngưu 乌牛, Quán Đầu 馆头, Thích Kế Quang hai lần đánh bại giặc lùn tại Thập Lí kiều 十里桥, Bạch Tháp 白塔.

          Thích Kế Quang nhìn thấy binh sĩ kháng giặc của chính phủ triều Minh, một bộ phận là sĩ binh từ ngoài tỉnh đến, một bộ phận là sĩ binh Chiết Giang, Cuộc sống ở Chiết Giang rất gian khổ, mặc không đủ ấm, ăn không đủ no. Để huấn luyện thành một đội quân tác chiến dũng mãnh, Thích Kế Quang quyết định chiêu binh từ trong bách tính có mối thâm thù với giặc lùn.

          Tháng 8 năm Gia Tĩnh thứ 38 (năm 1559), Thích Kế Quang đề xuất đến Nghĩa Ô 义乌Chiết Giang 浙江chiêu binh. Hồ Tông Hiến mệnh lệnh cho huyện lệnh huyện Nghĩa ô là Triệu Đại Hà 赵大河hiệp trợ. Nông dân nơi đó hăng hái tham gia quân đội, tổng cộng được hơn 3000 người.

          Trong cuộc đấu tranh không ngừng với giặc lùn, Thích Kế Quang đã lĩnh hội một cách sâu sắc rằng: muốn chiến thăng kẻ địch cần phải có một đội tinh binh của mình; một vị tướng quân đánh trận mà không có tinh binh, giống như người không có tay đánh cùng với người tay cầm vũ khí sắc bén, khoa mà chiến thắng. ….. (còn tiếp)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 16/9/2022

Nguyên tác

THÍCH KẾ QUANG

戚继光

Trong quyển

HỔ CHI UY

虎之威

Tác giả: Hàn Tố Văn 韩素文

Bắc Kinh: Trung Quốc Trường An xuất bản xã, 2006.

Previous Post Next Post