Dịch thuật: Khái thuyết về cát lễ (kì 2)

 

CÁT LỄ - KÍNH THIÊN PHÁP TỔ

KHÁI THUYẾT VỀ CÁT LỄ

(kì 2) 

2- Địa kì

          Địa kì 地示 cũng phân ra làm mấy loại, đầu tiên là Thổ địa thần bao gồm có nhạc (núi cao), độc (ngòi nước) trong đó, gọi là Hoàng địa kì 皇地祇. Trong Địa đàn 地坛 ở Bắc Kinh 北京 ngày nay, hãy còn bày thần vị Hoàng địa kì mà năm đó cúng tế. Hoàng địa kì là vị thần linh cả mặt đất tương đối trừu tượng, nhân đó đàn tế Hoàng địa kì chính là một đàn tế hình vuông to lớn, đó là thần linh có cấp bực cao nhất trong Địa kì.

          Thứ đến Xa Tắc 社稷, tức Thổ thần 土神và Cốc thần 谷神. Nhân vì Thổ thần chỉ đất đai trồng ngũ cốc, cho nên đàn Xã Tắc tế tự Xã Tắc là lấy đất ngũ sắc từ bốn phương đắp nên mà thành. Theo quy định trong Lễ kí – Vương chế 礼记 - 王制, thiên tử dùng Thái lao 太牢để tế Xã Tắc, chư hầu dùng Thiếu lao 少牢 để tế Xã Tắc.

          Tiếp đến nữa chính là sơn (núi) lâm (rừng) xuyên (sông) trạch (ao đầm). Sơn thần trọng yếu có Ngũ nhạc 五岳, Ngũ trấn 五镇. Hải thần có Tứ hải 四海, Thuỷ thần có Tứ độc 四渎.

Sơn thần mà quan phương đời Thanh tế tự ngoài Ngũ nhạc ra, còn có Vĩnh Ninh sơn 永宁山, Long Nghiệp sơn 龙业山, Khải Vận sơn 启运山, Xương Thuỵ sơn 昌瑞山, Thiên Trụ sơn 天柱山.

Ngũ trấn sơn là Trung trấn Hoắc sơn 中镇霍山, Đông trấn Nghi sơn 东镇沂山, Nam trấn Cối Kê sơn 南镇会稽山, Tây trấn Ngô sơn 西镇吴山, Bắc trấn Y Vu Lư sơn 北镇医巫闾山.

          Hải thần là Đông hải 东海, Nam hải 南海, Tây hải 西海, Bắc hải 北海.

          Tứ độc là Đông độc Đại Hoài 东渎大淮, Nam độc Đại Giang 南渎大江, Tây độc Đại Hà 西渎大河, Bắc Độc Đại Tế 北渎大济. 

          Thần vị của những Sơn thần, Hải thần, Thuỷ thần trên đây đều có thể thấy được trong Địa đàn ngày nay.

          Khi quan phương tế tự Ngũ nhạc, Tứ độc, không thiết lập đàn, mà là đem thần vị Ngũ nhạc Tứ độc bày ra bên trái bên phải thần vị Hoàng địa kì tế chung.

          Thời cổ, tế tự đại địa sơn xuyên, dựa theo Lễ kí – Tế pháp 礼记 - 祭法:

          Sơn lâm, xuyên cốc, khâu lăng, năng xuất vân, vi phong vũ, hiện quái vật, giai viết thần.

          山林, 川谷, 丘陵, 能出云, 为风雨, 见怪物, 皆曰神.

          (Phàm núi rừng, sông ngòi hang động, gò đống, có thể sản sinh khí mây, nổi gió giáng mưa, xuất hiện quái vật đều gọi là thần)

          Cũng chính là nói, tất cả là những hiện tượng tự nhiên không bị con người ước thúc, con người khó nắm bắt, cho nên sùng bái tôn làm thần.

          Nhưng điều thú vị là, những thứ mà quan phương dùng tế tự đối với tự nhiên thần chỉ là thần vị, điều này mang ý nghĩa tự nhiên thần là không có nhân hình. Còn trong tế tự của địa phương lại đem tự nhiên thần tiến hành cải tạo nhân cách hoá, điển hình nhất là tượng Sơn thần. Thế là, không ít nhà nho đối với sự sùng bái loại ngẫu tượng này đã có sự phê bình nghiêm khắc:

          Thái sơn chỉ thị cá sơn, an hữu nhân hình mạo. Kim lập miếu, nghiễm nhiên thuỳ lưu đoan miện, y thường nhi toạ. Hựu lập hậu điện vu kì hậu, bất tri hựu thị hà sơn khả dĩ đương kì phối, nhi vi phu phụ da?

          泰山只是个山, 安有人形貌. 今立庙, 俨然垂旒端冕, 衣裳而坐. 又立后殿于其后, 不知又有何山可以当其配, 而为夫妇耶?

          (Thái sơn chỉ là một ngọn núi, làm gì có hình người. Nay lập miếu, nghiễm nhiên đội miện rũ lưu, mặc y thường mà ngồi. Lại lập hậu điện phía sau, không biết lại là núi nào có thể thờ cùng, phối thành vợ chồng?)

                                              (Bắc Khê tự nghĩa 北溪字义, quyển hạ)

          Lại nói:

          Tự nhạc đương trúc nhất đại đàn vu sơn hạ, vọng sơn nhi tế. Kim lập điện vũ, dĩ vi bất kinh, tố vi nhân hình, hựu phối chi dĩ phu phụ, kì tiết độc thậm hĩ!

          祀岳当筑一大坛于山下, 望山而祭. 今立殿宇, 已为不经, 塑为人形, 又配之以夫妇, 其亵渎甚矣!

          (Tế nhạc chỉ nên đắp một đàn tế lớn dưới núi, từ xa vọng về núi mà tế. Nay lập điện thờ, đã không hợp với phép thường, không thấy ghi chép trong kinh điển, tạc tượng hình người, lại phối thờ để làm vợ chồng, thật là khinh nhờn quá vậy!)

                                                         (Biện hoặc thiên 辨惑篇, quyển 1)

          Đây là những tiếng kêu lớn của các học giả, tế tự đại sơn vốn chỉ cần hướng về núi mà lễ bái là được, nhưng người thời bấy giờ lại lập điện thờ, tạo tượng hình người, chưa cảm thấy đủ, lại tạo cho thần người phối ngẫu, thực là khinh nhờn thần linh. Rất rõ ràng, về thần linh, thần mà bách tính có thể tiếp nhận vẫn là hình tượng nhân cách thần chất phác, còn triều đình khi tế tự thì tương đối lí tính hơn, không tạc tượng để theo đuôi phụ hoạ thần linh…..

                                                                        (còn tiếp)

                                                                        Huỳnh Chương Hưng

                                                                         Quy Nhơn 02/9/2022

Nguyên tác

LỄ KINH

礼经

Biên soạn: Chu Uân 周贇

Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 2019

Previous Post Next Post