Dịch thuật: Những tranh luận về sự kiện "phần thư khanh nho" (kì 1)

 

NHỮNG TRANH LUẬN VỀ SỰ KIỆN “PHẦN THƯ KHANH NHO”

(kì 1)

          Do bởi Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇 đốt sách chôn nho (phần thư khanh nho 焚书坑儒) lưu lại cái tên bị ngàn đời nguyền rủa, khiến người ta xem ông là một bạo quân, kì thực oan cho Tần Thuỷ Hoàng. Sự thực chỉ có mấy chữ vô cùng ít, trong dòng chảy của lịch sử, mà những vụ giết người nhiều vô kể. Nhưng, sự việc này trình độ lớn nhất là đắc tội với tập đoàn văn nhân. Nho gia từ thời Chiến Quốc đến nay luôn là một tập đoàn vô cùng điên cuồng ngang ngược, nó phản ánh việc muốn trị quốc phải lấy nho thuật làm trung tâm, cho nên không hợp với Mặc gia. Hán Vũ Đế 汉武帝 độc tôn nho thuật, bãi truất bách gia, càng khiến cho nho gia có quyền lực trọng yếu. Họ sau khi đắc chí, đem tội nhân chỉ hướng Tần Thuỷ Hoàng, cho nên Tần Thuỷ Hoàng trở thành bạo quân của muôn đời, để lại tiếng xấu ngàn năm. Ví dụ như Đường Thư bất nhục sứ mệnh 唐雎不辱使命  Kinh Kha thích Tần Vương 荆轲剌秦王  do Lưu Hướng 刘向 bịa đặt ra. Sự thực vốn vụ đốt sách chôn nho chẳng có gì to lớn lắm, đốt sách chôn nho đương thời chỉ là để tăng cường quân chủ chuyên chế nên mới làm như thế, hơn nữa, Bác sĩ Thuần Vu Việt 淳于越 đương thời luôn miệng nói “không theo chế độ và phong tục trước đây thì sẽ không được lâu dài”, và phản đối chế độ quận huyện: Lí Tư 李斯 phản đối cách nói này, mới kiến nghị Thuỷ Hoàng đốt sách, vả lại, sách mà bị đốt chỉ là một số Thi , Thư , Bách gia ngữ và sử thư. Sách về y dược, bói toán, nông nghiệp hoàn toàn không bị đốt. Do đó mới lấy việc khanh sát thuật sĩ để trải đường.

          Thực ra trước đó, phương sĩ Hầu Sinh 侯生, Lư Sinh 卢生đi tìm thuốc trường sinh bất lão cho Tần Thuỷ Hoàng, mãi không tìm được. Đến năm thứ hai sau khi đốt sách, phương sĩ Hầu Sinh, Lư Sinh cùng bọn nho sinh ngầm phê bình Tần Thuỷ Hoàng là người phản diện. Thuỷ Hoàng biết được cả giận, cho rằng “thường ngày tín nhiệm bọn họ, thế mà bọn họ lại lừa dối và phản bội ta” , mới hạ lệnh sai Ngự sử đại phu tra xét làm rõ, cuối cùng có người nhận, có người khai, mới có vụ “khanh sát thuật sĩ” (1) sau này. Tần Thuỷ Hoàng không hề giết Thuần Vu Việt, khanh sát thuật sĩ cũng chỉ là theo pháp luật mà xử lí. Lừa gạt lấy tài sản quốc gia từ xưa đã là tội khi quân, tội khi quân là tội đáng chém đầu. Tuy mất đi rất nhiều sách có giá trị khiến người đời cảm thán, nhưng Tần Thuỷ Hoàng “phần thư khanh nho” là hợp tình hợp lí.

1- “Phần thư” và “khanh nho” là hai sự kiện khác nhau

          Nhiều người xem “phần thư” và “khanh nho” là một, kì thực “phần thư” và “khanh nho” là hai sự kiện khác nhau. Một trước, một sau, bối cảnh mỗi sự kiện cũng khác nhau, tính chất cũng khác nhau.

          Theo Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 史记 - 秦始皇本纪 ghi chép, Tần Thuỷ Hoàng thống nhất sáu nước, tiến hành một loạt những cải cách là tiến hành trong cuộc đấu tranh kịch liệt, độc tôn pháp chế: Nhưng, những người nêu chiêu bài tư học câu kết với nhau, phản đối pháp luật, giáo lệnh quốc gia. Những người này nghe nói Tần Thuỷ Hoàng hạ lệnh, bèn lấy tư học của mình làm căn cứ, bình luận bậy bạ. Vào triều thì “khẩu thị tâm phi” 口是心非, sau khi ra khỏi triều liền  nghị luận nơi đầu đường cuối ngõ. Họ vu tội quân chủ để đề cao thanh vọng của mình, dùng cách lập dị để hiển thị cái cao minh của mình, xách động một số người tiến hành công kích và huỷ báng chính lệnh quốc gia. Những tranh nghị về chủ trương bất đồng trong lãnh vực tư tưởng chính trị đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các hạng mục cải cách chính lệnh của Tần Thuỷ Hoàng. Cuộc đấu tranh này đến năm Tần Thuỷ Hoàng thứ 34 (năm 213 trước công nguyên) công khai bộc phát. Lấy phái phục cổ mà nho gia Bác sĩ Thuần Vu Việt là người đứng đầu, một lần rồi một lần nữa ngang ngược công kích chế độ quận huyện mà Tần Thuỷ Hoàng thực hiện. Ông nói rằng, không thực hành phân phong thì khó mà tránh khỏi có một ngày nào đó bị đại thần soán vị, lấy đó để khiêu khích mối quan hệ giữa Tần Thuỷ Hoàng với các đại thần. Ông yêu cầu phế bỏ chế độ quận huyện, khôi phục chế độ phân phong, đồng thời về chính trị đề xuất tất cả đều phải “sư cổ” 师古 (học tập theo xưa), lấy nhà Chu làm tấm gương để phục cổ. Tần Thuỷ Hoàng đem ý kiến của ông giao cho quần thần thảo luận. Thừa tướng Lí Tư đối với những lời lẽ sai trái đã phản bác mạnh mẽ. Lí Tư chỉ ra rằng: Lịch sử là sự phát triển, Tam đại thời thượng cổ có gì đáng để học theo? Thời đại khác nhau, phương pháp trị lí cũng cần phải khác nhau. Lí Tư còn vạch trần một cách đích xác nho sinh “không học theo nay mà học theo xưa”, “theo xưa mà hại nay”, là nhiễu loạn lòng dân, quay ngược bánh xe lịch sử. Nếu không cấm chỉ những hành vi đó, thế tất sẽ gây nên việc quyền thế của quân chủ bị giáng xuống, mà hoạt động kết bè kết đảng của đám thần hạ lại lan rộng, sự thống nhất có thể bị phá hoại. Nhằm đối phó với cục diện hỗn loạn mà nho sinh cùng chư tử gây ra về tư tưởng chính trị, Lí Tư kiến nghị: Sử thư không phải do nhà Tần ghi chép đều thiêu huỷ, không giữ chức vụ Bác sĩ quan mà dám tàng trữ “Thi” “Thư”, sách của bách gia, thì hết thảy phải đưa đến chỗ quận thú, quận uý đốt sạch. Kẻ nào dám tụ tập bàn luận “Thi” “Thư” thì chém đầu ở chợ. Kẻ nào lấy xưa để chê nay thì giết cả tộc, quan lại biết mà không báo cũng là đồng tội. Lệnh ban xuống 30 ngày , nếu không thiêu huỷ thì bị thích chữ lên mặt cho đi phục dịch trường thành. Những sách không bỏ là y dược, bói toán, trồng trọt. Nếu có ai muốn học pháp lệnh thì lấy quan lại làm thầy.

          Kiến nghị của Lí Tư là chủ trương thực hành sự chuyên chế về văn hoá phong kiến. Tần Thuỷ Hoàng tiếp nhận kiến nghị của Lí Tư, giao cho thực thực hành, đó chính là sự kiện “phần thư” trong lịch sử.

Nho sinh phái phục cổ đối với sự kiện “phần thư” cực kì bất mãn. Năm thứ hai sau vụ “phần thư” (năm 212 trước công nguyên), bọn phương sĩ Hầu Sinh, Lư Sinh và một số nho sinh phục cổ, thông đồng với nhau nghị luận triều chính. Hầu Sinh, Lư Sinh nguyên vốn vâng mệnh đi tìm thuốc trường sinh bất lão cho Tần Thuỷ Hoàng. Pháp luật nhà Tần quy định, nói được thì phải làm được, nếu không sẽ trị tội. Họ tìm thuốc trường sinh ở đâu? Họ sợ bị tội bèn lấy công làm thủ, đi khắp nơi tuyên truyền, nói rằng Tần Thuỷ Hoàng “cương lệ tự dụng” 刚戾自用 (rất cố chấp tự tin không nghĩ gì đến ý kiến người khác), “chuyên nhậm ngục lại” 专任狱吏 (chuyên dùng bọn ngục lại), “dĩ hình sát vi uy” 以刑杀为威 (lấy hình pháp chém giết làm uy) “tham vu quyền thế” 贪于权势 (tham quyền thế), không nên tìm tiên dược cho ông ta. Tần Thuỷ Hoàng sau khi nghe được, lửa giận bốc lên, cho bắt bọn họ để tra khảo. Nho sinh cung khai vi phạm cấm lệnh (tức tụ tập bàn luận “Thi” “Thư”, lấy xưa chê nay), đồng thời tố cáo lẫn nhau, liên luỵ đến hơn 460 người. Tần Thuỷ Hoàng đem họ chôn sống ở Hàm Dương 咸阳. Đó chính là sự kiện “khanh nho” trong lịch sử.

“Phần thư” và “khanh nho” là hai sự kiện khác nhau, Vương Sung 王充 thời Đông Hán là học giả đầu tiên đã phân biệt hai sự kiện này. Trong Luận hành – Ngữ tăng thiên 论衡 - 语增篇, ông đã chỉ ra, hai sự kiện đó là hai sự kiện có bối cảnh khác nhau, đốt “Thi” “Thư” khởi đầu từ lời can gián của Thuần Vu Việt, chôn nho khởi đầu từ yêu ngôn của bọn nho sinh. “Phần thư” là ách nạn của sách, không thấy nhân hoạ; còn “khanh nho” là nhân hoạ, nhưng không có chủ danh, đó là sự kiện độc nhất vô nhị trong “văn hoạ sử” 文祸史 Trung Quốc (2)

                                                                               (còn tiếp)

Chú của nguyên tác

1- Sử kí – Tần Thuỷ Hoàng bản kỉ 史记 - 秦始皇本纪

2- Lí Điện Nguyên 李殿元: Quan vu “phần thư khanh nho” nghiên cứu đích kỉ cá vấn đề 关于焚书坑儒研究的几个问题. Văn sử tạp chí, năm 2007, kì 6.

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 24/8/2022

Nguồn

https://baike.baidu.com/item/%E7%84%9A%E4%B9%A6%E5%9D%91%E5%84%92/285421

Previous Post Next Post