NÀNG RẰNG XIN QUYẾT GIEO CẦU (361)
Gieo cầu: Tức tập
tục ném tú cầu để kén rể. Tục tục này vốn có nguôn gốc từ dân tộc Tráng 壮 (Choang).
Thời cổ thịnh hành tập tục dùng một loại binh khí bằng đồng
gọi là “phi đà” 飞砣 để ném trong lúc săn bắn. Về sau người ta đem “phi
đà” cải chế thành túi hoa ném qua lại lẫn nhau. Đến thời Tống, diễn biến thành
phương thức mà nam nữ dân tộc Tráng dùng tú cầu để biểu thị tình yêu. Liên quan
đến tú cầu, có lưu truyền một truyền thuyết cảm động.
Theo khảo chứng của các chuyên gia, “phao tú cầu tuyển phu tế” 抛绣球选夫婿 (gieo cầu kén rể) bắt nguồn từ truyền thuyết tú cầu của
tộc Tráng 壮 ở Quảng Tây 广西.
Truyền thuyết kể rằng, hơn 800 năm trước, tại một sơn thôn nhỏ ở Tĩnh Tây 靖西 Quảng Tây 广西 có thanh niên nghèo
tên A Đệ 阿弟. A Đệ tính tình trung thực đôn hậu, cần cù chăm chỉ.
Một ngày nọ, A Đệ gặp được cô gái ở thôn bên cạnh tên là A Tú 阿秀, hai người cảm mến nhau.
A Đệ dựa vào đôi tay của mình làm giàu lên, sau đó vui mừng hớn hở đến nhà A Tú
cầu hôn. Không ngờ, A Tú xinh đẹp lúc lên đường ra chợ, bị tên Ác Thiếu 恶少trên huyện nhìn thấy. Để
chiếm được A Tú, Ác Thiếu hai ba lần vừa ép vừa dụ dỗ, nhưng A Tú trước sau vẫn
không thoả hiệp.
Ác Thiếu nghe nói A Tú sớm đã ngầm hứa lấy tên nghèo khổ A Đệ, y bèn mưu cùng
quan phủ cho bắt A Đệ. A Tú biết mình đã làm liên luỵ tới A Đệ, nhưng lại không
có sức kháng cự lại quan phủ, chỉ có thể suốt ngày than khóc, chẳng bao lâu đôi
mắt bị mù. Nghe nói A Đệ bị xử tử hình, A Tú cũng không muốn lưu lại thế
gian nên quyết định theo A Đệ xuống suối vàng cùng hẹn kiếp sau. Thế là, A Tú lấy
kim chỉ bắt đầu làm quả tú cầu, hi vọng kiếp sau có thể dùng nó làm tín vật,
tìm được người mình mong muốn.
A Tú sau khi đôi mắt bị mù đương nhiên không khéo tay như trước, trước lúc A Đệ
lâm hình một ngày, A Tú mới làm xong tú cầu thấm đầy máu tươi của mình. A Tú đến
mua chuộc tên ngục tốt để gặp mặt A Đệ lần cuối cùng. Khi A Tú đưa tú cầu cho A
Đệ - người bị hành hạ đến mức không còn nhân dạng, trong tú cầu bỗng phát ra một
luồng ánh sáng bao trùm lấy A Đệ và A Tú, cuốn hai người vào trong tú cầu. Đợi
đến lúc họ mở mắt, thấy mình đã ở một nơi xa lạ, như chốn đào nguyên khác xa với
thế giới bên ngoài. Từ đó, hai người sống một cuộc sống hạnh phúc.
Trong mắt người tộc Tráng, tú cầu tràn đầy sắc thái thần kì. Lại nhân truyền
thuyết cổ xưa này, tú cầu trở thành vật cát tường của người tộc Tráng. Thanh
niên nam nữ tộc Tráng lấy tú cầu làm tín vật, ước định chung thân đại sự.
Còn như việc “gieo cầu kén rể”, hoàn toàn không có sách vở nào ghi chép rõ
ràng. Tuy trong thơ cổ có câu:
Thiên nhai trực phù hoa chi quá
Trạch tế lâu cao thái cầu truỵ
天街直扶花枝过
择婿楼高彩球坠
(Cành hoa trong kinh thành đi tới
Chọn rể từ lầu cao, quả tú cầu rơi)
Nhưng đó là hiện tượng cá biệt chỉ tồn tại ở dân gian. Thời cổ, đối với việc hôn nhân yêu cầu vô cùng nghiêm túc, nếu không “môn đương hộ đối” 门当户对 “môi chước chi ngôn” 媒妁之言 thì rất khó mà được như nguyện. đương nhiên cũng sẽ không dễ gì dùng tú cầu để quyết định hôn nhân.
(Theo Thanh Thạch 青石: Thú vị văn hoá
tri thức đại toàn趣味文化大全
Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013)
Nàng rằng: Xin quyết gieo cầu
Tấm son thề với trên đầu xanh xanh
(Bích Câu kì ngộ: 361 -
362)
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 28/8/2022