Dịch thuật: Vật chất hưởng thụ yếu tri túc ..... (Vi lô dạ thoại)

 

物质享受要知足   德业追求无止境

常思某人境界不及我, 某人命运不及我, 则可以自足矣.

常思某人德业胜于我, 某人学问胜于我, 则可以自惭矣.

                                                                                   (围炉夜话)

 VẬT CHẤT HƯỞNG THỤ YẾU TRI TÚC

ĐỨC NGHIỆP TRUY CẦU VÔ CHỈ CẢNH

          Thường tư mỗ nhân cảnh giới bất cập ngã, mỗ nhân mệnh vận bất cập ngã, tắc khả dĩ tự túc hĩ.

          Thường tư mỗ nhân đức nghiệp thắng vu ngã, mỗ nhân học vấn thắng vu ngã, tắc khả dĩ tự tàm hĩ.

                                                                               (Vi lô dạ thoại)

HƯỞNG THỤ VẬT CHẤT NÊN BIẾT ĐỦ 

TRUY CẦU ĐỨC NGHIỆP KHÔNG CÓ ĐIỂM DỪNG

          Thường nghĩ đến cảnh giới của một người nào đó không bằng mình, vận mệnh của một người nào đó không bằng mình, thì mình có thể tự biết đủ.

          Thường nghĩ đến phẩm đức của một người nào đó cao thượng hơn mình, học vấn của một người nào đó uyên bác hơn mình, thì mình có thể tự biết hổ thẹn.

Phân tích và thưởng thức

          Đời người có nhiều sự việc cần phải biết đủ, lại cũng có nhiều sự việc không nên biết đủ. Truy cầu hoàn cảnh vật chất là vô cùng mệt nhọc, dục vọng sâu rộng cũng vĩnh viễn không cách nào lấp vào cho đủ, nếu nhất định phải thoả mãn dục vọng mới có thể khoái lạc, thế thì phải lao khổ cả cuộc đời. “Tỉ thượng bất túc, tỉ hạ hữu dư” 比上不足, 比下有余 (So với trên thì không đủ nhưng so với dưới thì có dư), cứ thử nghĩ đến một số người có hoàn cảnh kém hơn mình, như vậy, khi nỗ lực cố gắng sinh hoạt, bản thân ta chăm chỉ, vui vẻ hơn. Những gì ta có so với người ta nhiều hơn, thì nên cần phải biết đủ, sao lại làm khổ bản thân, tự đặt mình vào dòng chảy của vật chất? Vận mệnh càng không phải sức người có thể khống chế, lúc cảm khái vận mệnh của mình nhiều trắc trở, không ngại gì cứ nhìn những người sinh ra đã không nơi nương tựa, lớn lên thất học hoặc chi thể tàn phế, thì sẽ cảm thấy mình quả thực có được sự may mắn. Chúng ta thường khuyên người rằng “tri túc thường lạc” 知足常乐 (biết đủ luôn vui), mà bản thân mình lại không nghĩ đến điều đó sao? Trân quý những gì mình có, mới là suối nguồn của sự khoái lạc. Còn ngược lại như đạo đức học vấn, phải có thái độ “bất tri túc” 不知足 (không biết đủ). Phẩm đức học vấn, hoàn toàn là do ở ta, không giống như vận mệnh, cũng không giống tài phú chỉ có thể thoả mãn dục vọng nhất thời. Nó có thể thoả mãn sự vui thích của tâm linh chúng ta, có thể mở rộng cảnh giới của sinh mệnh chúng ta, đồng thời cũng đại biểu cho tri thức, nhân cách của chúng ta. Đối với học vấn, trước tiên phải “bất tri túc” mới có thể nghiêm khắc đòi hỏi lĩnh vực mà mình truy cầu phải càng cao hơn. Có như thế, cuộc sống của chúng ta mới càng phong phú hơn, càng có ý nghĩa hơn.

Chú của người dịch

Vi lô dạ thoại 围炉夜话: là một tác phẩm nổi tiếng đời Thanh, tác giả là Vương Vĩnh Bân 王永彬. Vi lô dạ thoại có 221 tắc, đề cập nhiều phương diện như đạo đức, tu thân, độc thư, an bần lạc đạo, giáo tử, trung hiếu, cần kiệm … nêu rõ hàm nghĩa sâu xa: lập đức, lập công, lập ngôn đều lấy “lập nghiệp” làm gốc.Vi lô dạ thoại 围炉夜话cùng với Thái căn đàm 菜根谭, Tiểu song u kí 小窗幽记 được gọi chung là “xử thế tam đại kì thư”.

Vương Vĩnh Bân 王永彬:

          Vương Vĩnh Bân tự Nghi Sơn 宜山, người đời gọi ông là Nghi Sơn tiên sinh 宜山先生, con cháu đời sau của họ Vương gọi ông là Nghi Sơn công 宜山公. Cuộc đời ông trải qua 5 vương triều: Càn Long 乾隆, Gia Khánh 嘉庆, Đạo Quang 道光, Hàm Phong 咸丰, Đồng Trị 同治. Ông sinh ngày 23 tháng Giêng năm Nhâm Tí thời Càn Long, mất ngày 25 tháng Giêng năm Kỉ Tị thời Đồng Trị, hưởng thọ 78 tuổi.

          Nguồn http://baike.baidu.com/view/53686.htm

                                                                     Huỳnh Chương Hưng

                                                                     Quy Nhơn 25/3/2022

Nguồn

VI LÔ DẠ THOẠI

围炉夜话

Tác giả: Vương Vĩnh Bân 王永彬

Thiểm Tây lữ du xuất bản xã, 2002.

Previous Post Next Post