Dịch thuật: Cách nói "Chinh nguyệt" từ đâu mà ra

 

CÁCH NÓI “CHINH NGUYỆT” TỪ ĐÂU MÀ RA

          Mọi người thường gọi tháng đầu tiên của năm là “Chinh nguyệt” 正月, thế tại sao không gọi là “Sơ nguyệt” 初月, “Xuân nguyệt” 春月mà lại là “chinh nguyệt”?

          Muốn nói về lai lịch của “Chinh nguyệt” 正月 phải bắt đầu từ “Sơ nguyệt”初月. Mỗi khi giang sơn đổi chủ, thiên tử của triều đại mới luôn muốn bỏ đi cựu chế, lập nên tân chế, như vậy mới có thể đại biểu cho giang sơn “duy ngã nhất thống” 唯我一统. Trong việc phá cựu lập tân, việc vô cùng quan trọng chính là “cải chính sóc, dịch phục sắc” 改正朔,易服色(thay chính sóc, đổi phục sắc).

Gọi là “cải chính sóc” 改正朔chính là bỏ lịch pháp cũ của triều đại trước, dùng lịch pháp mới, việc xác định lại tháng đầu tiên của năm là tiêu chí quan trọng nhất của việc thay đổi lịch pháp, cho nên hiện tượng thay đổi tháng đầu tiên của năm là thường có. Các tháng của triều Hạ và các tháng hiện hành cơ bản là nhất trí, quy định tháng 1 của lịch nhà Hạ là tháng đầu tiên của năm, còn triều Thương đã đổi lấy tháng 12 của Hạ lịch làm tháng đầu tiên, đến triều Chu lại quy định lấy tháng 11 của Hạ lịch làm tháng đầu tiên. Quân thần của triều đại mới cho rằng, sau khi thay đổi tháng này của năm, không chỉ là khởi đầu một năm mới mà còn là thời gian bắt đầu của vương triều mới.

Nhưng trong lịch pháp cổ đại, do bởi quy định về tháng không hoàn toàn khoa học, nhân đó mà thường xuất hiện hiện tượng “sóc hối nguyệt kiến, huyền mãn vọng cao” 朔晦月见, 弦满望高 (1). Thế là người ta bắt đầu nghiên cứu lịch pháp mới, cuối cùng phát hiện, Hạ lịch lấy tháng 1 làm tháng đầu tiên là khoa học nhất, đến đời Hán, tháng 1 âm lịch cuối cùng mới chính thức được xác định là tháng đầu tiên của năm.

Do bởi việc thay đổi tháng đầu tiên của năm đại biểu cho sự bắt đầu của vương triều mới, ý nghĩa là “bát loạn phản chính” 拨乱反正 (2), cho nên tháng đầu tiên của năm sau khi thay đổi được gọi là “Chính nguyệt” 正月.

Còn như tại sao âm “chính” bắt đầu từ khi nào đổi đọc thành âm “chinh”, tương truyền có liên quan đến việc tự phong làm hoàng đế của Doanh Chính 嬴政. Chế độ tị huý thời cổ rất nghiêm ngặt. Trong tên của Doanh Chính có âm “chính”, mà âm đọc chữ của tháng đầu tiên lại tương đồng với chữ , đó là phạm vào kị huý. Cho nên, Tần Thuỷ Hoàng hạ lệnh đem âm “chính” đổi đọc thành “chinh”, cũng gọi là “Đoan nguyệt” 端月.

Từ đó về sau, người ta theo tập quán tính gọi tháng đầu tiên của năm “Đoan nguyệt” 端月, hoặc “Chinh nguyệt” 正月, đến nay vẫn dùng theo.

Chú của người dịch

1- Theo tư liệu https://www.yamab2b.com/why/7779691.html, câu này là:

Sóc hối nguyệt kiến, huyền vọng mãn khuy nhất.

朔晦月見, 弦望滿虧一

(Sóc nguyệt hối nguyệt thấy trăng, ngày huyền ngày vọng trăng đầy trăng khuyết một lần)

Ngày mùng 1 mỗi tháng gọi là “sóc nhật” 朔日, trăng sóc nhật gọi là “sóc nguyệt” 朔月, cũng gọi là “tân nguyệt” 新月.

Ngày cuối cùng của tháng gọi là “hối nhật” 晦日, trăng hối nhật gọi là “hối nguyệt” 晦月.

Trong một tháng có thượng huyền 上弦và hạ huyền 下弦.

Thượng huyền 上弦 là vào ngày mùng 7 mùng 8 mỗi tháng. Hạ huyền 下弦 là vào ngày 22 ngày 23 mỗi tháng.

Ngày 15 mỗi tháng gọi là “vọng nhật” 望日, trăng vọng nhật gọi là “vọng nguyệt” 望月, cũng gọi là “mãn nguyệt” 滿月.

2- Bát loạn phản chính 拨乱反正: Tức trị lí loạn thế, khôi phục sự ổn định, chính thường.

                                                              Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 05/02/2022 

 Nguyên tác Trung văn

Trong quyển

THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN

趣味文化知识大全

Thanh Thạch 青石 biên soạn

Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post