Dịch thuật: Hồ giả hổ uy

 

HỒ GIẢ HỔ UY

狐假虎威 

          Trong Chiến quốc sách – Sở sách nhất 战国策 - 楚策一 có đoạn:

          荆宣王问群臣曰:

          吾闻北方之畏昭奚恤也, 果诚何如?”

          群臣莫对. 江乙对曰:

          虎求百兽而食之, 得狐. 狐曰: ‘子无敢食我也! 天帝使我长百兽. 今子食我, 是逆天帝之命也! 子以我为不信, 我为子先行, 子随我后, 观百兽之见我而敢不走乎?’ 虎以为然, 故遂与之行. 兽见之, 皆走. 虎不知兽畏己而走也, 以为畏狐也.

          今王之地方五千里, 带甲百万, 而专属之于昭奚恤, 故北方之畏奚恤也, 其实畏王之甲兵也! 犹百兽之畏虎也!”

          Kinh Tuyên Vương vấn quần thần viết:

          “Ngô văn bắc phương chi uý Chiêu Hề Tuất dã, quả thành hà như?”

          Quần thần mạc đối. Giang Ất đối viết:

          “Hổ cầu bách thú nhi thực chi, đắc hồ. Hồ viết: ‘Tử vô cảm thực ngã dã! Thiên Đế sử ngã trưởng bách thú. Kim tử thực ngã, thị nghịch Thiên Đế chi mệnh dã! Tử dĩ ngã vi bất tín, ngã vị tử tiên hành, tử tuỳ ngã hậu, quan bách thú chi kiến ngã nhi cảm bất tẩu hồ?’ Hổ dĩ vi nhiên, cố toại dữ chi hành. Thú kiến chi, giai tẩu. Hổ bất tri thú uý kỉ nhi tẩu dã, dĩ vi uý hồ dã.

          Kim vương chi địa phương ngũ thiên lí, đới giáp bách vạn, nhi chuyên thuộc chi vu Chiêu Hề Tuất, cố bắc phương chi uý Hề Tuất dã, kì thực uý vương chi giáp binh dã! Do bách thú chi uý hổ dã!”

          (Kinh Tuyên Vương hỏi quần thần rằng:

          “Ta nghe nói, chư hầu phương bắc đều sợ Chiêu Hề Tuất, việc đó quả là như thế nào?”

          Quần thần không ai đáp lại. Giang Ất đáp rằng:

          “Hổ tìm muôn thú để ăn thịt, bắt được con cáo. Cáo nói với hổ rằng: ‘Ông không dám ăn tôi đâu! Thiên Đế phái tôi làm trưởng muôn loài. Nay ông ông ăn tôi, đó là trái mệnh lệnh của Thiên Đế. Ông nếu không tin lời của tôi, tôi sẽ đi phía trước, ông theo phía sau, xem thử muôn thú thấy tôi có con nào mà không dám bỏ chạy?’ Hổ tưởng là thật, liền đi cùng cáo. Muôn thú nhìn thấy hổ đều tháo chạy. Hổ không biết muôn thú sợ mình nên mới bỏ chạy, mà cứ tưởng là sợ cáo.

          Nay quốc thổ của đại vương vuông năm ngàn dặm, đại quân có đến bách vạn, nhưng lại đều do Chiêu Hề Tuất độc nắm đại quyền, cho nên chư hầu phương bắc sợ Chiêu Hề Tuất, kì thực họ đều sợ đại quân của đại vương! Cũng giống như muôn thú sợ hổ vậy!”)

          (Quốc ngữ . Chiến quốc sách 国语 - 战国策: Lí Duy Kì 李维琦 điểm hiệu. Trường Sa – Nhạc Lộc thư xã, 2006)

          Từ câu chuyện trên, Trung Quốc có thành ngữ “Hồ giả hổ uy” 狐假虎威  (cáo mượn oai hùm) được dùng để ví  kẻ dựa vào quyền thế của người khác để ức hiếp người.

                                                                         Huỳnh Chương Hưng

                                                                         Quy Nhơn 29/01/2022

Previous Post Next Post