Dịch thuật: Hữu tâm thành hoá thạch (347) (Đặng Trần Côn: Chinh phụ ngâm)

 

HỮU TÂM THÀNH HOÁ THẠCH (347)

有心成化石

Tấm lòng thành đã như hoá đá

          Câu này Đặng Trần Côn mượn điển “vọng phu”.

          “Vọng phu”: Tên hòn đá trên núi Nhồi ở gần tỉnh Thanh Hoá, hình giống như người đàn bà đứng bế con. Tương truyền, ngày xưa có người đàn bà bế con tiễn chồng đi ra trận tại núi này. Chồng không trở lại. Nàng chinh phụ ấy bế con đứng trông chồng mãi rồi hoá thành đá, gọi là “Hòn vọng phu”.

          Lại có sách chép, tương truyền ở nước ta nhà kia có hai anh em ruột, lúc còn nhỏ, người anh lỡ chém vào đầu em gái một nhát, sợ quá bỏ trốn biệt tích. Về sau lớn lên lại kết thành phu phụ. Tình cờ khi nhìn thấy vết sẹo của vợ, hỏi rõ biết căn nguyên, người anh hối hận và xấu hổ vì tội loạn luân mình lấy em, nên bỏ đi biệt tích. Người em không hề hay biết gì cả, cứ bồng con lên đỉnh núi đứng trông chồng, lâu ngày hai mẹ con hoá thành đá. Cho nên bên nước ta và nước Tầu đều có tích hòn vọng phu giống nhau. Có sách chép, người đàn bà ấy là nàng Tô Thị lên núi Kỳ Lừa (Lạng Sơn) ngóng chồng mà thành đá.

          (Trịnh Vân Thanh: “Thành ngữ . Điển tích . Danh nhân TỪ ĐIỂN” nhà xuất bản Văn học, 2008)

          Lưu Vũ Tích刘禹锡thời Đường ở bài Vọng phu thạch 望夫石viết rằng:

终日望夫夫不归

化为孤石苦相思

望来已是几千载

只似当时初望时

Chung nhật vọng phu phu bất quy

Hoá vi cô thạch khổ tương ti (tư)

Vọng lai dĩ thị kỉ thiên tải

Chỉ tự đương thì sơ vọng thì

Ngày đêm trông ngóng chồng mà chồng không thấy trở về

Cuối cùng hóa thành khối đá lẻ loi mang nỗi khổ tương tư

Nàng ấy đợi chồng đã mấy ngàn năm rồi

Vẫn cứ đứng nơi đây trông ngóng như lúc ban đầu 

Lời nói đầu

          “Vọng phu thạch” là tác phẩm của văn học gia Lưu Vũ Tích thời Đường. Bài thơ bám chắc đề mục, cả bài lấy chữ “vọng” để viết thành, mượn câu chuyện truyền thuyết một người phụ nữ ngày đêm trông ngóng chồng mà hoá đá, biểu đạt tâm tình bức thiết của tác giả ngày đêm mong được trở về kinh thành. Ngôn ngữ bài thơ chất phác, hàm ý sâu xa, dùng thủ pháp phản phục vịnh thán, đột ngột hiện ra chủ đề, đã tái hiện một cách hình tượng “tư quy chi tình” 思归之情  (lòng mong muốn được trở về) của tác giả, hàm ý biểu đạt ý chí kiên trinh của ông.

Chú thích

1- Vọng phu thạch 望夫石: Tên một cổ tích. Thuộc truyền thuyết dân gian, nói về một người phụ nữ ngày đêm đứng trông ngóng chồng mà hoá đá. Ở đây chỉ “Vọng phu thạch” ở Đương Đồ 当涂 An Huy 安徽.

2- Tải : Có bản là (tuế)

3- Thì : Có bản là (niên)

Chú của người dịch

1- Tiêu đề bài thơ có tư liệu ghi là “Vọng phu sơn” 望夫山.

2- Nhật hoàn doanh 日环营: Tức nay là Mộng Nhật đình 梦日亭. Theo Tấn thư – Minh Đế kỉ 晋书 - 明帝纪 Vương Đôn truyện 王敦传 có chép:

          Thời Minh Đế 明帝 (Tư Mã Chiêu 司馬昭), Vương Đôn 王敦 định cử binh quy phụ trung nguyên, Đế biết được, bèn cưỡi tuấn mã, vi phục xuất hành đến Hồ Âm 湖阴, bí mật quan sát doanh luỹ của Vương Đôn. Đương lúc Vương Đôn ngủ ngày, nằm mộng thấy mặt trời vây quanh thành, kinh hải tỉnh dậy, bảo rằng: “Đó nhất định là Hoàng tu Tiên ti nô 黄鬚鮮卑奴 (xước hiệu của Tư Mã Chiêu) đến”. Vương Đôn bèn phái 5 kị binh truy tra tông tích của Đế. Đế đã nhanh chóng đi mất.

          Hai câu này biểu đạt tình cảm thi nhân nhớ đến kinh thành.

http://www.guoxue.com/?p=1896

Nguồn http://www.yuwenmi.com/shici/gushi/1273622.html

Chữ “thành” trong bản Chinh phụ ngâm Hán Nôm hợp tuyển viết chữ này, bản Chinh phụ ngâm khúc của Vân Bình Tôn Thất Lương, nxb Tân Việt là chữ này.

Câu 347 bản diễn Nôm “Chinh phụ ngâm diễn ca” tương truyền của Đoàn Thị Điểm là:

Lòng này hoá đá cũng nên (295) 

                                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                                            Quy Nhơn 25/12/2021

Previous Post Next Post