Dịch thuật: Thuỷ Hoàng Đế Doanh Chính - Vọng cầu trường sinh, thân tử dị hương

 

THUỶ HOÀNG ĐẾ DOANH CHÍNH

VỌNG CẦU TRƯỜNG SINH, THÂN TỬ DỊ HƯƠNG

          Tần Thuỷ Hoàng 秦始皇hưởng thụ cuộc sống xa xỉ chốn nhân gian, hiện tại sợ nhất là cái chết. Nếu như chết đi, tất cả những gì sở hữu đều hết. Cho nên tuy ông ta luôn tu sửa mộ ở Li sơn 骊山, xây dựng một thế giới cực lạc sau khi chết, nhưng cách làm hiện thực của ông ta là tìm núi tiên mong cầu trường sinh. Vì thế, Tần Thuỷ Hoàng bồn lần tuần du đại quy mô, dấu chân của ông dường như in khắp nơi trong cả nước. Tần Thuỷ Hoàng khảo sát dân tình, đồng thời tuần thị biên phòng, cũng đã đến rất nhiều núi tiên trong truyền thuyết. Ông luôn cho rằng thần tiên tại đông hải, nhân đó mà mỗi lần xuất du đều đến khu vực duyên hải. Tần Thuỷ Hoàng còn phái một số lượng lớn phương sĩ đi tìm thần tiên, cầu có được tiên dược trường sinh. Vì thế, ông nhiều lần bị những kẻ xấu lường gạt, trở thành chuyện cười thiên cổ. Trong số phương sĩ có một người tên Từ Phúc 徐福, sau khi gạt được Tần Thuỷ Hoàng lần đầu, lại tiếp tục gạt. Từ Phúc nói rằng:

          - Lần trước không tìm được tiên dược cho hoàng đế, là do bởi trên biển có giao long ngăn cản.

          Tần Thuỷ Hoàng cho là thật, lại cấp cho y nhiều thuyền lớn và tài vật, cùng tuỳ tùng, lệnh cho y tiếp tục ra biển tìm thần tiên. Từ Phúc lại mang tài vật chạy rất xa.

          Năm Thuỷ Hoàng 始皇thứ 37 (năm 210 trước công nguyên), Tần Thuỷ Hoàng xuất du lần thứ 5. Ông từ Hàm Dương 咸阳 xuất phát, trước sau đã đến Vân Mộng 云梦, Tiền Đường 钱塘. Sau khi đến núi Cối Kê 会稽 tế Đại Vũ 大禹, liền tiến lên phía bắc đến Lang Da 琅琊, tìm dấu vết của tiên. Lần này đương nhiên cũng vô công mà quay trở về, trên đường về, Tần Thuỷ Hoàng ngã bệnh, khi đội ngũ tuần du đến Sa Khâu 沙丘 (nay là phía tây bắc Quảng Tông 广宗Hà Bắc 河北), Tần Thuỷ Hoàng sinh mệnh đã nguy. Lúc bấy giờ ông mới rõ trường sinh là không thể được, đành bắt đầu nghĩ đến hậu sự, xác định người kế thừa hoàng vị. Nhân viên đi theo Tần Thuỷ Hoàng có Lí Tư 李斯và Triệu Cao 赵高, còn có cả người con nhỏ của ông là Hồ Hợi 胡亥. Tần Thuỷ Hoàng lưu lại tỉ thư, chiếu lệnh cho trưởng tử là Phù Tô 扶苏 đang là Giám quân phía bắc cấp tốc trở về Hàm Dương chủ trì tang sự, đồng thời xác định rõ sẽ truyền ngôi vị cho Phù Tô. Tần Thuỷ Hoàng bảo Triệu Cao đi làm việc này, nhưng chưa được hồi âm thì Tần Thuỷ Hoàng đã chết. Triệu Cao sớm đã có âm mưu, ông ta không những không đem di chiếu công bố, lại bí mật không phát tang, đem di thể Tần Thuỷ Hoàng đặt vào trong xe tuần du hào hoa như trước, theo đường cũ trở về Hàm Dương. Nhân vì đương thời khí hậu oi bức, trên đường về kinh di thể tần Thuỷ Hoàng đã bốc mùi. Để ngăn mùi hôi, Triệu Cao sai người chất một số lượng lớn cá khô trên xe. Như vậy, di thể Tần Thuỷ Hoàng và cá khô cùng bốc mùi hôi thối. Về đến Hàm Dương hoàn thành cuộc tuần du lần cuối cùng trong đời của Tần Thuỷ Hoàng. Tần Thuỷ Hoàng tại vị 36 năm, trong đó xưng vương 25 năm, xưng đế 11 năm, hưởng niên 50 tuổi.

          Sau khi về đến Hàm Dương, Triệu Cao câu kết với Lí Tư soán cải di chiếu của Tần Thuỷ Hoàng, giúp Hồ Hợi xưng đế, lại bức tử Phù Tô. Hồ Hợi chính là Tần Nhị Thế, tháng 9 năm đó, Hồ Hợi cử hành tang lễ Tần Thuỷ Hoàng một cách long trọng, an táng tại Li sơn 骊山. Đế lăng này đã hao phí vô số nhân lực vật lực cùng tài lực, xa hoa đến mức khiến người ta không thể tưởng tượng. Tư Mã Thiên 司马迁 trong Sử kí 史记đối với công trình này đã miêu tả một cách sinh động:

          Tần Thuỷ Hoàng vừa mới kế vị đã cho xây dựng lăng mộ tại Li sơn, số người tham gia xây dựng lúc đông nhất lên đến hơn 70 vạn người. Địa cung đào rất sâu, đào đến ba lớp suối. Quan quách Tần Thuỷ Hoàng dùng đồng đúc thành, các loại kì trân dị bảo chất đầy cả địa cung. Trong địa cung còn có các loại máy bắn cung nỏ, chỉ cần kẻ trộm đột nhập máy sẽ tự động bắn tên ra giết chết kẻ trộm. Trên trần địa cung dùng bảo thạch khảm làm tinh tú, mô phỏng mặt trời, mặt trăng cùng các vì sao trên bầu trời. Trên mặt đất dùng thuỷ ngân đổ làm thành trăm sông, mô phỏng giang hà hồ hải ở cửu châu, quan tài của Tần Thuỷ Hoàng trong dòng sông đầy thuỷ ngân, ngày đêm không ngừng tuần du cửu châu. Trong địa cung còn dùng dầu cá kình làm thành những ngọn đuốc cháy mãi không tắt, chiếu sáng cả địa cung.

          Từ trong bố cục to lớn xa hoa này, có thể thấy Tần Thuỷ Hoàng sau khi chết vẫn hi vọng khống chế thiên hạ. Địa cung rốt cuộc là như thế nào, đến nay vẫn là bí mật dưới lòng đất cả ngàn năm nay. Hiện nay phát quật được bung mã dũng, hầm ngựa xe, tái hiện lại một đội quân to lớn của Tần Thuỷ Hoàng trong lòng đất, khiến cả thế giới chấn động. Lăng Tần Thuỷ Hoàng là hoàng lăng lớn nhất dưới lòng đất      trên thế giới.

          Tần Thuỷ Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, cũng là người sáng lập tôn hiệu hoàng đế, còn là người khai sáng chế độ hoàng đế Trung Quốc. Tần Thuỷ Hoàng đã khiến Trung Quốc lần đầu tiên thực hiện sự thống nhất về chính trị, đặt cơ sở vững chắc cho các triều đại sau mưu cầu thống nhất. Tần Thuỷ Hoàng mở ra một thời đại, bắt đầu từ ông ta, Trung Quốc tiến vào một xã hội phong kiến kéo dài cả mấy ngàn năm. Dưới sự thống trị của Tần Thuỷ Hoàng đã sáng lập một thể chế chính trị, được áp dụng cả mấy ngàn năm, điều đó đã có ảnh hưởng sâu rộng đối với cả lịch sử Trung Quốc. Còn sự tham lam tàn bạo của ông, lại mang đến tai nạn trầm trọng cho nhân dân, cuối cùng dẫn đến sự diệt vong của vương triều Tần. Công tội đúng sai của Tần Thuỷ Hoàng chỉ có thể do lịch sử phán xét.

                                                                    Huỳnh Chương Hưng

                                                                    Quy Nhơn 09/11/2021

Nguồn

TRUNG QUỐC HOÀNG ĐẾ TOÀN TRUYỆN

中国皇帝全传

Tác giả : Thiện Tùng 善从

Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2011.

Previous Post Next Post