Dịch thuật: Hoàng Chân Nhân liệu sự như thần (Đạo kinh cố sự)

 

HOÀNG CHÂN NHÂN LIỆU SỰ NHƯ THẦN

 

          Theo Lư sơn Thái Bình Hưng Quốc cung thái phỏng Chân Quân sự thực 庐山太平兴国宫采访真君事实:

          Đời Tống, có vị Hoàng Chân Nhân 黄真人, tên Tri Vi 知微, tự Minh Đạo 明道, là vị đạo sĩ của Lư sơn Thái Bình Hưng Quốc cung 庐山太平兴国宫. Ông tuy thân thể khôi vĩ, nhưng tính cách lại rất điềm tĩnh văn nhã. Ngày nọ, Sơn Thể Đạo tiên sinh 山体道先生đến thăm, cùng với Hoàng Chân Nhân bàn về “nê hoàn” 泥丸 (1) vạn thần, tác dụng thần diệu của một viên thần đan thành tiên, đồng thời hướng đến người trước mặt trao bí quyết tu tiên. Từ đó về sau, Hoàng Chân Nhân dường như đã biến đổi, cả ngày khùng khùng điên điên, mọi người gọi ông là Hoàng Phong Tử 黄疯子. Hằng ngày ông đều say rượu, uống say liền cất cao tiếng hát, hát xong lại phát khùng điên, thường hướng đến Chân kiều 真桥phía trước cung hô vang, đồng thời còn cởi hết quần áo trên người, để thân thể loã lồ, bất kể tháng Chạp mùa đông lạnh hay mùa hè nóng bức đều như thế. Thỉnh thoảng có người cho ông một ít đồ ăn, ông bèn chia cho người khác. Ông có lúc ở trong núi, có lúc dạo nơi thành thị, thường xách hai cái bị, có thức ăn, cây thuốc cùng những tạp vật khác đều bỏ vào trong bị. Lâu ngày, mùi các thứ trong bị hỗn tạp, rất khó ngửi, nhưng ông lại đặt cho nó một cái tên đẹp: “cẩm hương” 锦香.  

          Một năm nọ tuyết rơi nhiều, khắp nơi từ trên núi đến đồng bằng đều là tuyết, duy chỉ gian phòng của Hoàng Chân Nhân lại không có tuyết. Ông thường chỉ vào khe hở trên bức vách của gian phòng nói với mọi người, đó chính là con đường mà ông ta dạo đến đất Thục. Hoàng Chân Nhân chưa từng đọc qua sách gì, nhưng nói chuyện lại dẫn dụng kinh điển rõ ràng mạch lạc. Bình thường cũng chẳng có ai thấy ông học văn chương, nhưng ông một khi ra tay lại là những ngôn luận hết sức cao diệu, người đời không ai không cho là kì lạ. Cho nên một số đạt quan quý nhân, văn nhân mặc sĩ đều thích qua lại với ông. Chân Nhân bình thường thích hít thở không khí để rèn luyện, khi hít thở không ngừng tiếng. Cuối năm Sùng Ninh 崇宁, Chân Nhân đã 90 tuổi, nhưng tướng mạo lại như một thanh niên, da trắng như ngọc, trạng thái điên khùng thì vẫn như ngày đầu, lượng rượu  uống hằng ngày vẫn không giảm.

          Chân Nhân nói hoạ phúc của con người không có điều nào là không linh nghiệm. Cuối năm Tuyên Hoà 宣和, hoàng đế tuyên triệu đến, Chân Nhân thác từ không đến, quan viên địa phương cưỡng bức Chân Nhân vào kinh. Khi đến Cửu giang 九江, Chân Nhân nói rằng:

          - Hiện tại triều đình sắp thay hoàng đế, không phải là hoàng đế lúc trước, ta còn đi đến làm gì?

          Quả nhiên, chẳng bao lâu hoàng đế mới lên ngôi, xá miễn cho Chân Nhân. Chân Nhân về lại Hưng Quốc cung 兴国宫. Một ngày nọ Chân Nhân đến cung thăm điện dọn dẹp những cành khô lá úa, các loại cây cỏ,  làm cho khung cảnh trở lại tươi đẹp. Chân Nhân buột miệng hát rằng:

          - Sang năm coi như xong rồi, sang năm coi như xong rồi.

          Ngày này năm sau quả có cường đạo Mã Thế Thanh 马世清 xông vào cung, cướp sạch tài sản, thiêu huỷ cung điện. Chẳng bao lâu, Chân Nhân vũ hoá 羽化 (2) bên cạnh cung, đạo nhân trong cung đem thi thể của ông mai táng gần đó.

          Mấy năm sau có người từ Tứ Xuyên 四川 đến, nói đã gặp Hoàng Phong Tử trên đường tại Thành Đô 成都, đồng thời có mang theo gia thư của Hoàng Phong Tử. Mọi người không tin, thế là mở thư ra xem, thấy trong thư viết có danh sách các đạo sĩ tại Hưng Quốc cung gặp kiếp nạn. Mọi người thất kinh, vội đào lấy quan tài Hoàng Chân Nhân mở ra xem, duy chỉ có y vật mặc trên người khi chôn, ngoài ra không thấy thứ gì khác. 

 

Chú của nguyên tác

1- Nê hoàn 泥丸: Chỉ đại não.

2- Vũ hoá 羽化: Cũng gọi là “thi giải” 尸解. Nói chung chỉ người khi thành tiên từ trong thân thể thoát ra bay lên không trung thành tiên, thân thể nhân vì không cách gì bay lên được nên lưu lại thế gian.

 

                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                            Quy Nhơn 24/10/2021

Nguyên tác Trung văn

HOÀNG CHÂN NHÂN LIỆU SỰ NHƯ THẦN

黄真人料事如神

Trong quyển

ĐẠO KINH CỐ SỰ

道经故事

Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉

Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002

Previous Post Next Post