Dịch thuật: Đặc điểm dân tộc của văn hoá Trung Quốc (tiếp theo)

 

ĐẶC ĐIỂM DÂN TỘC CỦA VĂN HOÁ TRUNG QUỐC

(tiếp theo) 

          Cách nói về đặc điểm nội tại của văn hoá Trung Quốc rất nhiều, rất khó để khái quát lại. Nói một cách đại thể, có “Triết học đặc tính thuyết” 哲学特性说 của tiên sinh Phùng Hữu Lan 冯友兰. Ông cho rằng, văn hoá Trung Quốc có đặc tính triết học lấy Nho học làm nhân tố chủ đạo, Nho học cung cấp trí tuệ nhân sinh phong phú, ngưng kết thành tố chất tâm lí riêng có của dân tộc Trung Hoa, tạo ra tính cách đặc thù truyền thống của của nông dân và phần tử tri thức Trung Quốc.

Còn có “Tôn giáo đặc tính thuyết” 宗教特性说của tiên sinh Nhậm Kế Dũ 任继愈. Ông cho rằng, văn hoá Trung Quốc là sự hợp nhất tam giáo Nho, Đạo, Thích, Nho học cùng với Lí học Tống Minh sau này trên thực tế đều là tôn giáo. Tư trào của sự hợp nhất ba tôn giáo Nho, Đạo, Thích đã cấu thành lịch sử tôn giáo và lịch sử tư tưởng từ thời Đường Tống trở về sau cho đến chiến tranh nha phiến trước sau gần ngàn năm.

          Cũng có “Mĩ học đặc tính thuyết” 美学特性说của tiên sinh Lí Trạch Hậu 李泽厚. Ông cho rằng, truyền thống của văn hoá Trung Quốc là triết học chính trị xã hội trước sau chiếm địa vị chủ đạo, đồng thời cùng với tứ đại văn hoá thực dụng binh, nông, y, nghệ có liên hệ mật thiết. Triết học của nó truy cầu mĩ cảm và lạc cảm, không phải là khổ cảm và bi cảm.

          Còn có “Luân lí đặc tính thuyết” 伦理特性说 của tiên sinh Lương Khải Siêu 梁启超. Ông cho rằng, văn hoá Trung Quốc lấy quan hệ nhân luân làm cơ bản, chú trọng phụ từ tử hiếu, huynh hữu đệ cung, quân hiền thần trung... truy cầu hỗ trợ quần thể, khác với “cá nhân bản vị” 个人本位 và “tự ngã trung tâm” 自我中心  của thế giới phương tây.

          Bốn quan điểm này đều có tính đại biểu, có quan hệ rất lớn với cá nhân chú trọng nghiên cứu về một mặt. Chúng ta cũng không ngại lí giải về đặc điểm nội tại của văn hoá Trung Quốc:

          1- Văn hoá Trung Quốc nổi bật lên tinh thần chủ nghĩa nhân văn, nó không giống với văn hoá phương tây dựa vào độc đoán thần học. Trung Quốc tuy cũng có tôn giáo, nhưng nó hoàn toàn không thẩm thấu vào các phương diện của cuộc sống thường ngày. Ngược lại, trong cuộc sống của người Trung Quốc, quan niệm đạo đức tông pháp mới là sợi dây buộc căn bản để duy trì cả xã hội. Trường kì đến nay, chuẩn tắc hành vi của người Trung Quốc hoàn toàn không phải là tuân theo ý chí của một vị thần nào đó, mà là cần phải hợp với quy phạm đạo đức mà Nho gia đề xướng. Trong quan niệm của người Trung Quốc, có khái niệm gọi là “Thiên” , đế vương các đời cũng có nghi thức tế Thiên, nhưng thực chất mà nói, “Thiên” ở đây chẳng qua là tự nhiên mà thôi. “Thiên đạo” 天道mà người ta thường nói, thực tế cũng chỉ trật tự đạo đức của xã hội nhân loại.

          2- Văn hoá Trung Quốc chú trọng hài hoà và trung dung. Nó không giống như văn hoá phương tây chú trọng phân biệt và đối kháng, mà là chủ trương “Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự” 天下同归而殊途, 一致而百虑 (Trong thiên hạ, đường lối có khác nhau nhưng đều về cùng một chỗ, lo tính trăm đường nhưng kết quả cùng nhất trí) (Chu Dịch – Hệ từ hạ 周易 - 系辞下). “Đề xướng sự giao hỗ thẩm thấu trong quy phạm tư tưởng chủ đạo, giữa văn hoá tư tưởng bất đồng phái biệt, bất đồng loại hình, bất đồng dân tộc, kiêm dung tịnh bao, đa dạng thống nhất” (Trương Đại Niên 张岱年, Phương Khắc Lập 方克立: “Trung Quốc văn hoá khái luận”). “Hoà nhi bất đồng” 和而不同 mà trong triết học truyền thống Trung Quốc nói đến, chính là nói các sự vật không đồng chất dung hợp với nhau một cách hài hoà, mới có thể sản sinh sự vật mới. “Trung dung chi đạo” 中庸之道 của cổ đại Trung Quốc được cho là “thiên hạ chi đại bản” 天下之大本, “thiên hạ chi đại đạo” 天下之大道, nếu vạn vật trong vũ trụ và xã hội nhân loại không thiên vị bên nào, mỗi sự vật đều ở yên với vị trí của mình, thì có thể đạt đến trạng thái tốt nhất là “hoà” , cũng chính là cảnh giới tốt nhất của nhân sinh và xã hội.

          3- Văn hoá Trung Quốc giàu tính an thổ lạc thiên. Nó không giống như văn hoá phương tây truy cầu mạo hiểm và kích thích. Trung Quốc cổ đại luôn là một xã hội kinh tế tự nhiên lấy nông nghiệp làm chính, người ta yêu đất, kính đất, yên với đất, xem đất đai là sinh mệnh và chỗ dựa của mình, nhân đó, “Nhật xuất nhi tác, nhật nhập nhi tức, tạc tỉnh nhi ẩm, canh điền nhi thực” 日出而作, 日入而息, 凿井而饮, 耕田而食 (Mặt trời mọc thì ra đi làm, mặt trời lặn thì về nghỉ, đào giếng để lấy nước uống, cày ruộng để lấy thóc ăn) (Tiên Tần – Kích nhưỡng ca 击壤歌), điều duy nhất cầu mong là thiên hạ thái bình, phong y túc thực, một khi gặp phải chiến loạn thì mơ đến một “thế ngoại đào nguyên” 世外桃源. Do bởi tâm lí an thổ lạc thiên mà sản sinh một loại tình cảm quê hương nồng đậm, phàm là người rời xa quê hương, ai ai cũng tưởng nhớ đến quê nhà, hoài cựu, tìm gốc rễ, hỏi tổ tông, điều này quả thực khác xa với văn hoá phương tây.  (hết)

                                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                                           Quy Nhơn 12/9/2021

Nguyên tác Trung văn

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ ĐÍCH DÂN TỘC ĐẶC ĐIỂM

中国文化的民族特点

Trong quyển

TRUNG QUỐC VĂN HOÁ YẾU LƯỢC

中国文化要略

Tác giả: Trình Dụ Trinh 程裕祯

Bắc Kinh: Ngoại ngữ giáo học dữ nghiên cứu xuất bản xã, 2017

Previous Post Next Post