Dịch thuật: Thiếp cố lang hề Tiêu Tương (63) (Đặng Trần Côn: Chinh phụ ngâm)

 

THIẾP CỐ LANG HỀ TIÊU TƯƠNG (63)

妾顧郎兮瀟湘

Thiếp từ bến Tiêu Tương ngóng nhìn chàng 

          Tiêu Tương 瀟湘 / 潇湘: Hợp xưng của Tiêu giang 潇江và Tương giang 湘江. Tương giang là thuỷ hệ chủ yếu của tỉnh Hồ Nam 湖南, còn Tiêu giang là chi lưu lớn nhất của Tương giang. Từ “Tiêu Tương” được thấy sớm nhất trong Sơn hải kinh – Trung sơn thứ thập nhị kinh 山海经 - 中山次二经 :

          Động Đình chi sơn “Đế chi nhị nữ cư chi, thị thường du vu giang uyên. Lễ, Nguyên chi phong, giao Tiêu Tương chi uyên.

          洞庭之山帝之二女居之, 是常游于江渊. , 沅之风, 交潇湘之渊.

          (Núi Động Đình “Hai người con gái của Thiên Đế ở núi này, thường dạo chơi nơi vực sâu của Trường giang. Gió mát từ sông Lễ sông Nguyên thổi tới, hợp nhau trên vực sông Tiêu sông Tương.)

          Sau này, từ “Tiêu Tương” 潇湘 lưu truyền rất rộng. Đến trung kì đời Đường, “Tiêu Tương” không đơn thuần chỉ sông Tương, mà các thi nhân đã diễn hoá nó thành danh xưng địa vực, đồng thời không ngừng phú cho một nội dung mới, được xem là tượng trưng cho cái đẹp, như từ bài thì có Tiêu Tương thần潇湘神, hí khúc có Tiêu Tương dạ vũ潇湘夜雨, cầm khúc có Tiêu Tương thuỷ vân潇湘水云, trong Đại Quan viên 大观园 Hồng lâu mộng 红楼梦 của Tào Tuyết Cần 曹雪芹có Tiêu Tương quán潇湘馆.

https://baike.baidu.com/item/%E6%BD%87%E6%B9%98/6807701

(Sơn hải kinh 山海经, Cáp Nhĩ Tân: Bắc Kinh Văn nghệ xuất bản xã, 2013)

         “Tiêu Tương” ở đây cũng như “Hàm Dương” ở câu 61, tác giả Đặng Trần Côn chỉ mượn từ, không phải thực chỉ.

Câu 63 này, bản diễn Nôm “Chinh phụ ngâm diễn ca” tương truyền của Đoàn Thị Điểm là:

Cọi Tiêu tương thiếp hãy trông chàng(58)

(“Cọi” nghĩa là cuối bãi)

Trong Chinh phụ ngâm khúc của Vân Bình Tôn Thất Lương, nxb Tân Việt, in năm 1953 là:

BẾN Tiêu tương thiếp hãy trông SANG 

                                                                             Huỳnh Chương Hưng

                                                                             Quy Nhơn 29/6/2021

Previous Post Next Post