Dịch thuật: Quý Hàm xem tướng (Đạo kinh cố sự)

 

QUÝ HÀM XEM TƯỚNG 

          Theo Nam Hoa chân kinh 南华真经

          Nước Trịnh có người tên Quý Hàm 季咸xem tướng rất linh nghiệm. Ông ta chỉ nhìn qua một cái là thấy rõ sự sinh tử, tồn vong, hoạ phúc, thọ yểu của người ta, thời gian ngày, tháng, năm mà ông ta dự ngôn chuẩn xác như thần. Nhân vì ông ta xem rất chuẩn, nên người nước Trịnh thấy ông là kinh hoảng bỏ chạy. Liệt Tử 列子thấy ông cũng bị đạo pháp của ông thuyết phục, sau khi trở về nói lại với Hồ Khâu Tử 壶丘子:

          - Nguyên trước đây, học trò cho rằng đạo pháp của thầy là cao thâm nhất, nay mới biết còn có người cao thâm hơn.

          Hồ Khâu Tử bảo rằng:

          - Những gì ta dạy cho anh chỉ là những thứ bên ngoài, còn đạo pháp chân chính chưa truyền thụ cho anh, anh đã cho rằng là đã đắc ‘đạo’ rồi sao?  Chim mái nếu như không có chim trống thì làm sao có thể sinh được chim non? Anh dùng đạo pháp nông cạn đi vòng quanh với người đời để cầu có được sự tín nhiệm của họ, cho nên bị người ta trong phút chốc nhìn thấu tâm tư của anh. Anh mời ông ta đến xem tướng của ta thử.

          Ngày hôm sau, Liệt Tử mời Quý Hàm đến xem tướng cho Hồ Khâu Tử. Quý Hàm sau khi xem xong đi ra nói với Liệt Tử rằng:

          - Ôi! Thầy của anh sắp chết rồi, chỉ sống qua mười ngày nữa! Bởi vì ta nhìn thấy hình sắc của ông ta quái dị, sắc mặt xám ngắt, đó là triệu chứng sắp chết.

          Liệt Tử nghe mấy lời đó vô cùng đau buồn, nước mắt đẫm ướt áo. Liệt Tử vào phòng đem những lời của Quý Hàm nói lại cho Hồ Khâu Tử. Hồ Khâu Tử bảo rằng:

          - Lúc nãy ta cho ông ta xem chỉ là trạng thái thân tâm tịch tĩnh, ông ta thấy tâm ta như nước ngừng chảy, sinh cơ bế tắc, bất động lại dừng, cho nên cho rằng ta sắp chết. Anh mời ông ta đến xem một lần nữa thử.

          Ngày hôm sau, Liệt Tử lại mời Quý Hàm đến xem cho Hồ Khâu Tử. Lúc Quý Hàm trở ra nói với Liệt Tử rằng:

          - Thầy của anh may mà gặp được ta! Được cứu rồi đó. Toàn thân có sinh khí. Ta thấy sinh cơ bế tắc của ông ta bắt đầu hoạt động trở lại.

          Liệt Tử đem những lời của Quý Hàm nói lại cho Hồ Khâu Tử. Hồ Khâu Tử bảo rằng:

          - Lúc nãy ta cho ông ta xem chỉ là sinh khí trong khoảng trời đất, danh và thực không nhập vào tâm, nguyên khí từ gót chân thăng lên. Ông ta nhìn thấy nguyên khí của ta hoạt động, cho nên cho rằng đã có sinh cơ. Anh mời ông ta thử một lần nữa xem sao.

          Ngày thứ ba, Liệt Tử lại mời Quý Hàm đến xem cho Hồ Khâu Tử. Lúc Quý Hàm trở ra nói với Liệt Tử rằng:

          - Thầy của anh tinh thần hoảng hốt, khí cơ bấn loạn, ta không có xem tướng cho ông ta. Đợi đến lúc ông ta tâm thần an định, khí cơ hoà thuận, ta sẽ xem tướng mặt của ông ta.

          Liệt Tử đem những lời đó nói cho Hồ Khâu Tử. Hồ Khâu Tử bảo rằng:

          - Ta vừa cho ông ta xem là cảnh giới thái hư không có điềm báo trước. Thứ mà ông ta nhìn thấy là thần khí hư tĩnh của ta và là điềm báo biến hóa khó lường. Nơi cá kình cựa quẫy biến thành vực sâu, chỗ nước tĩnh lặng cũng biến thành vực sâu, chỗ nước chảy cũng biến thành vực sâu. Vực sâu có chín loại, ta cho ông ta xem chỉ là ba loại trong số đó, cho dù ba loại này, ông ta cũng không phân biệt được là thứ gì, huống hồ là thần khí thiên biến vạn hoá của ta, ông ta càng không biết vì sao. Anh thử ông ta một lần nữa xem thử.

          Ngày thứ tư, Liệt Tử mời Quý Hàm đến xem cho Hồ Khâu Tử. Quý Hàm bước vào phòng của Hồ Khâu Tử, còn chưa kịp đứng yên, đã kinh hoàng thất sắc bỏ chạy ra ngoài. Hồ Khâu Tử nói với Liệt Tử rằng:

          - Gọi ông ta trở lại.

          Liệt Tử đuổi theo Quý Hàm, nhưng không kịp, trở về nói với Hồ Khâu Tử rằng:

          - Học trò chưa đuổi kịp ông ta thì đã không thấy tung tích ông ta đâu nữa, không biết ông ta đi hướng nào.

          Hồ Khâu Tử bảo rằng:

          - Lúc nãy ta vẫn chưa xuất đại đạo căn bản của ta, chỉ là hiển thị thần khí tuỳ cơ ứng biến, ông ta đoán không được, không biết phán đoán từ đâu, như cỏ gặp gió thổi rạp, như nước theo sóng tuôn chảy, cho nên ông ta sợ mà bỏ chạy.

          Từ đó về sau, Liệt Tử mới biết học thức của mình hãy còn nông cạn, thế là về nhà, ba năm không ra khỏi cửa, ở nhà thay vợ nấu cơm, đối với bất kì sự việc gì cũng đều không thân cận, tuy có trải qua đẽo gọt nhưng vẫn phản phác quy chân, giống như một cục đất, chỉ có hình thể tồn tại. Trong đại thiên thế giới phức tạp rối rắm này, sự vật nội tâm và ngoại giới cách tuyệt, giữ sự mộc mạc chất phác, mãi cho đến lúc cuối đời.

                                                           Huỳnh Chương Hưng

                                                            Quy Nhơn 11/5/2021

Nguyên tác Trung văn

QUÝ HÀM KHÁN TƯỚNG

季咸看相

Trong quyển

ĐẠO KINH CỐ SỰ

道经故事

Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉

Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002

Previous Post Next Post