Dịch thuật: Nghi thức của lễ nghi (kì 1)

 

NGHI THỨC CỦA LỄ NGHI

(kì 1)

          Những yếu tố trong lễ nghi, yếu tố quan trọng nhất không gì bằng nghi thức. Nghi thức của truyền thống có 5 loại:

          Tế tự chi thuyết, cát lễ dã. Tang hoang khứ quốc chi thuyết, hung lễ dã. Trí cống triều hội chi thuyết, tân lễ dã. Binh xa tinh hồng chi thuyết, quân lễ dã. Sự trưởng kính lão, chấp chí (*) nạp nữ chi thuyết, gia lễ dã.

                                                               (Trịnh Huyền “Khúc lễ chú” )

          祭祀之说, 吉礼也. 丧荒去国之说, 凶礼也. 致贡朝会之说, 宾礼也. 兵车旌鸿之说, 军礼也. 事长敬老, 执贽 (*) 纳女之说, 嘉礼也.

                        (郑玄曲礼注”)

          (Tế tự thiên địa tổ tiên, truyền thừa tinh thần đạo đức thuộc về cát lễ. Tang sự cùng năm mất mùa, rời bỏ đất nước gia đình thuộc về hung lễ. Tiến cử người tài, khuyến khích khen thưởng kẻ hiền năng, triều kiến cùng triệu kiến thuộc về tân lễ. Tổ chức binh mã quân đội, chọn lựa sĩ tốt, nghi tiết cờ xí thuộc về quân lễ. Lễ kính sư trưởng, giao tiếp qua lại, hôn nhân giá thú thuộc về gia lễ.)

          Lễ nghi là tổng hoà các yếu tố, mà chủ thể vẫn là nghi thức. Nhưng nghi thức hoàn toàn không phải là bản thân nghi thức, mà là các loại ý thức, vật dẫn các giá trị.

1- Nghi thức với đạo đức

          Trong Đại Đới lễ kí – Vũ Vương tiễn tộ 大戴礼记 - 武王践阼 có chép một sự kiện: Vũ Vương 武王 sau ba ngày lên ngôi, triệu Thượng phụ Lữ Công Vọng 尚父吕公望 đến hỏi về đạo của thánh nhân thời cổ như Hoàng Đế 黄帝, Chuyên Húc 颛顼 có được lưu truyền không. Thượng phụ đáp rằng:

          - Vẫn còn được bảo lưu trong đan thư 丹书. Nếu đại vương muốn hiểu đạo của cổ thánh nhân, thì phải trai giới ba ngày.

          Ba ngày sau, Vũ Vương mặc miện phục 冕服 (1) đợi Thượng phụ tại đại điện. Lúc bấy giờ, thấy Thượng phụ cũng mặc miện phục, hai tay bưng đan thư từ từ tiến vào đại điện, sau đó đứng quay lưng với bình phong. Thế là Vũ Vương bước xuống bảo toạ, đứng quay mặt về hướng nam, chuẩn bị tiếp nhận đan thư. Nhưng Thượng phụ lại nói: “Đạo của tiên vương không quay mặt về hướng bắc”. Thế là Vũ Vương từ từ bước tới hướng tây, sau đó đứng quay mặt về hướng đông. Thượng phụ bước đến hướng đông, đứng quay mặt về hướng tây. Rồi trịnh trọng mở đan thư, đọc lên.

          Câu chuyện này phác hoạ cho chúng ta một đoạn trường cảnh nghi thức truyền đạo của cổ thánh nhân. Trước nghi thức phải trai giới ba ngày; trong nghi thức phải mặc lễ phục tế tự thiên thần; lúc tiếp nhận, Vũ Vương không thể đứng quay mặt về hướng nam. Sau đó, Thượng phụ mới bằng lòng mở đan thư, đọc lên. Trọn cả nghi thức như thế mới được xem là hoàn thành. Có thể phát hiện, từ trai giới, miện phục cho đến thiên tử không thể quay mặt về hướng nam, đạo của cổ thánh nhân lại không thể quay mặt về hướng bắc, cả quá trình từ đầu đến cuối thể hiện bốn chữ: trang nghiêm thần thánh.

          Kì thực, nội dung trong đan thư rất đơn giản, tức:

          Kính thắng đãi giả cát, đãi thắng kính giả diệt; nghĩa thắng dục giả tùng, dục thắng nghĩa giả hung ..... Dĩ nhân đắc chi, dĩ nhân thủ chi, kì lượng bách thế; dĩ bất nhân đắc chi, dĩ nhân thủ chi, kì lượng thập thế; dĩ bất nhân đắc chi, dĩ bất nhân thủ chi, bất (**) cập kì thế.

         敬胜怠者吉, 怠胜敬者灭; 义胜欲者从, 欲胜义者凶. ..... 以仁得之, 以仁守之, 其量百世; 以不仁得之, 以仁守之, 其量十世; 以不仁得之, 以不仁守之, (**) 及其世.

          (Cung kính thắng lười nhác là cát, lười nhác thắng cung kính là diệt vong; Chính nghĩa thắng tư dục thì người theo, tư dục thắng chính nghĩa là hung. ..... Dùng nhân nghĩa để được thiên hạ, dùng nhân nghĩa để trị thiên hạ thì có thể truyền được trăm đời; không dùng nhân nghĩa mà được thiên hạ, nhưng dùng nhân nghĩa để trị thiên hạ, thì có thể truyền được mười đời; không dùng nhân nghĩa mà được thiên hạ, lại không dùng nhân nghĩa để trị thiên hạ thì chỉ một đời là đã tiêu vong)

          Nói một cách đơn giản, chính là quân vương cần có lòng nhân, có lòng biết kính sợ. Nhưng đạo đức luật lệnh đơn giản, thông qua những nghi thức trang nghiêm thần thánh như thế mà truyền bá, là để khác với bình thường. Cho nên, trong Đại Đới lễ kí – Vũ Vương tiễn tộ có nói, Vũ Vương sau khi thông qua một loạt những nghi thức tẩy lễ, đã biểu hiện “dịch nhược khủng cụ, thoái nhi vi giới thư” 惕若恐惧, 退而为戒 (trong lòng kính sợ, lui về viết những bài răn). Sau đó ông đem những lời đó khắc lên những vật mà có thể tiếp xúc được, viết bài minh nơi bốn góc chiếu, làm bài minh nơi kỉ (kỉ án), nơi giám (kính), nơi quán bàn 盥盘 (chậu rửa mặt), nơi doanh (cột trụ), nơi trượng (gậy chống), nơi đới (dây lưng), nơi lí lũ 履屦 (giày), nơi thương đậu 觞豆 (mâm); cũng làm bài minh nơi cửa sổ, kiếm, cùng cung mâu.

          Vũ Vương khắc đầy những câu cách ngôn lên những đồ vật mà có thể tiếp xúc, khiến người thường không thể tưởng tượng nổi. Chúng ta thử nghĩ, là bạn, bạn có thể tiếp nhận một gian phòng mà viết đầy những luật lệnh đạo đức của cuộc sống không? E rằng bạn chịu không nổi, nhưng Vũ Vương lại có thể chịu được. Cho nên, ở đây tất nhiên tồn tại một động lực tinh thần mạnh mẽ khiến ông quỳ lễ những luật lệnh đạo đức này. Kì thực, sự sản sinh động lực tinh thần này chính là kết quả của việc hun đúc nghi thức truyền đạo.

          Nghi thức dùng để kiến tạo trường vực, nghi thức truyền đạo mà Vũ Vương đã kinh qua cực kì trang nghiêm thần thánh, cho dù tôn quý như thiên tử, trước mặt đạo của tiên vương, cũng không thể đứng quay mặt về hướng nam, vả lại còn cần phải trai giới, miện phục. Ý ngầm là tính tôn quý của đạo của tiên vương còn hơn cả thiên tử. Có thể nói, bộ nghi thức này trực tiếp kích hoạt, tính thần thánh của đạo đức, khiến Vũ Vương không thể không khởi phát sự mô bái đảnh lễ từ nội tâm….. (còn tiếp)

Chú của nguyên tác

1- Miện phục 冕服: Là lễ phục mà đế vương, chư hầu cùng sĩ đại phu thời cổ đội và mặc khi cử hành nghi thức trọng đại.

Chú của người dịch

*- Theo một số tư liệu, ở đây là chữ “chí” (chấp chí 执贽). Ngày xưa khi đến với nhau đưa lễ vật vào trước gọi là “chí” , tục gọi là “lễ kiến diện”. Trong nguyên tác in nhầm là “tán” (chấp tán 执赞).

**- Có tư liệu ở đây là chữ “tất” (tất cập kì thế 必及其世)

                                                                        Huỳnh Chương Hưng

                                                                         Quy Nhơn 10/5/2021

Nguyên tác

LỄ KINH

礼经

Biên soạn: Chu Uân 周贇

Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 20019

Previous Post Next Post