Dịch thuật: Nào hồn Tinh Vệ biết theo chốn nào (2972) ("Truyện Kiều")

 

NÀO HỒN TINH VỆ BIẾT THEO CHỐN NÀO (2972)

          Hồn Tinh Vệ: Tinh Vệ 精卫 / 精衛 tức chim Tinh Vệ. Theo truyền thuyết thần thoại Trung Quốc, Tinh Vệ vốn là con gái của Viêm Đế Thần Nông 炎帝神农, tên là Nữ Oa 女娃. Ngày nọ Nữ Oa ra chơi nơi Đông hải, chẳng may chết đuối. Sau khi chết hồn hoá thành loài thần điểu, đầu có hoa văn, mỏ trắng, chân đỏ, ngày ngày đến núi ngậm gỗ đá bay thả xuống Đông hải, sau đó phát ra tiếng kêu bi ai, dường như tự kêu tên mình.

          Trong Sơn hải kinh – Bắc sơn kinh 山海经 - 北山经có đoạn:

         Phát Cưu chi sơn. Kì thượng đa chá mộc. Hữu điểu yên, kì trạng như ô, văn thủ, bạch huế, xích túc, danh viết Tinh Vệ, kì minh tự hao. Thị Viêm Đế chi thiếu nữ, danh viết Nữ Oa. Nữ Oa du vu Đông hải, nịch nhi bất phản, cố vi Tinh vệ. Thường hàm Tây sơn chi mộc thạch, dĩ nhân vu Đông hải.

          发鸠之山. 其上多柘木. 有鸟焉, 其状如乌, 文首, 白喙, 赤足, 名曰精卫, 其鸣自. 是炎帝之少女, 名曰女娃. 女娃游于东海, 溺而不返, 故为精卫. 常衔西山之木石, 以湮于东海.

          (Núi Phát Cưu. Trên núi mọc nhiều cây chá. Có loài chim, hình trạng giống quạ, trên đầu có vằn, mỏ trắng, chân đỏ, tên là Tinh Vệ, tiếng kêu của nó nghe giống như kêu tên của mình. Tinh Vệ vốn là con gái của Viêm Đế, tên là Nữ Oa. Nữ Oa ra chơi Đông hải, chẳng may chết đuối không trở về, thế là nàng biến thành chim Tinh Vệ, thường ngậm gỗ và đá ở Tây sơn để lấp Đông hải.)

          (“Sơn hải kinh” 山海经, Cáp Nhĩ Tân: Bắc phương Văn nghệ xuất bản xã, 2013)

          Từ truyền thuyết thần thoại trên, Trung Quốc có thành ngữ “Tinh Vệ điền hải” 精卫填海ví sự oán hận cực thâm, lập chí báo phục. Cũng dùng để ví ý chí kiên quyết, không sợ gian nan.

Tình thâm bể thảm lạ điều

Nào hồn tinh vệ biết theo chốn nào

(“Truyện Kiều” 2971 – 2972)

Tinh vệ (hồn): Theo chuyện cổ tích, con gái vua Viêm đế chết đuối ở biển Đông, vì căm thù với biển mà hồn hoá thành chim tinh vệ (một thứ chim nhỏ ở biển), ngày ngày tha đá ở núi Tây ném xuống biển để lấp biển; Đây chỉ Kiều chết oan ức như con gái Viêm đế; căm thù vĩnh viễn.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Thành ngữ khảo: Viêm đế nữ tử nịch tử hoá vi Tinh vệ, hàm thạch điền Đông hải.

          成語考: 炎帝女子溺死化為精衛啣石填東海

          (Sách Thành ngữ khảo: Con gái vua Viêm đế chết đuối hoá làm chim tinh vệ ngậm đá lấp bể Đông)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Theo ý riêng, “Tinh Vệ” ở câu 2972 trong Truyện Kiều mượn ví hồn oan của Thuý Kiều, không mang ý nghĩa báo thù hoặc tỏ ý chí kiên quyết.

Bản “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 2971 là:

Tình thâm BIỂN thảm là điều

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 25/4/2021

Previous Post Next Post