Dịch thuật: Một lời gắn bó tất giao (359) ("Truyện Kiều")

 

MỘT LỜI GẮN BÓ TẤT GIAO (359)

          Tất giao 漆胶 / 漆膠: “Tất” là sơn, “giao” là keo, hai loại có chất kết dính, dính nhau rất chặt.

Lôi Nghĩa 雷义tự Trọng Công 仲公, người Bà Dương 鄱阳Dự Chương 豫章, đức tài kiêm bị, được tiến cử Mậu tài 茂才, nhưng nhường cho Trần Trọng 陈重. Thứ sử không phê chuẩn, Lôi Nghĩa bèn giả cuồng xoả tóc đi trên đường, không chịu nhậm chức. Người trong làng nói rằng: Giao và tất tự cho là dính chặt, thế mà vẫn chưa bằng tình bạn giữa Trần Trọng và Lôi Nghĩa.

          Trong Hậu Hán thư – Lôi Nghĩa truyện 后汉书 - 雷义传 viết rằng:

          Nghĩa quy, cử Mậu tài, nhượng vu Trần Trọng, Thứ sử bất thính, Nghĩa toại dương cuồng bị phát tẩu, bất ứng mệnh. Hương lí vi chi ngữ viết: “Giao tất tự vị kiên, bất như Lôi dữ Trọng.”

          义归, 举茂才, 让于陈重, 刺史不听, 义隧阳狂被发, 不应命. 乡里为之语曰: 胶漆自谓坚, 不如雷与重.”

http://www.hydcd.com/cy/htm2/lc9858.htm

          Trong Cổ thi thập cửu thủ - Khách tùng viễn phương lai 古诗十九首 - 客从远方来 cũng có câu:

Dĩ giao đầu tất trung

Thuỳ năng biệt li thử

以胶投漆中

谁能别离此

(Lấy giao kết hợp cùng tất

Ai có thể làm cho chúng tách rời nhau được )

          Thành ngữ Trung Quốc có các câu:

          “Lôi Trần giao tất” 雷陈胶漆

          “Như giao tự tất” 如胶似漆

          “Giao tất tương đầu” 胶漆相投

Thường được dùng để ví tình bạn gắn kết sâu đậm, cũng dùng để ví tình vợ chống gắn bó.

Một lời gắn bó tất giao

Mé sau dường có xôn xao tiếng người

(“Truyện Kiều” 359 – 360)

Tất giao: Sơn và keo, chỉ sự gắn bó.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Hoa tiên: Diệc Thương dữ Dao Tiên tương thệ, lưỡng gia đàm luận như giao tất.

          花箋: 亦愴與瑤仙相誓兩家談論如膠膝*

          (Truyện Hoa tiên: Chàng Diệc Thương cùng nàng Dao Tiên thề với nhau, gắn bó với nhau như keo như sơn)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Bản “Kim Vân Kiều”do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 360 là:

MÁI sau dường có xôn xao tiếng người

          * Chữ “tất” ở đây là có nghĩa là đầu gối.

Bản “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 359 là:

Một lời VỪA GẮN  tất giao

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                       Quy Nhơn 29/4/2021

Previous Post Next Post