Dịch thuật: Nguỵ Trưng phạm nhan trực gián (tiếp theo)

 

NGUỴ TRƯNG PHẠM NHAN TRỰC GIÁN

(tiếp theo)

          Hậu kì niên hiệu Trinh Quán 贞观 triều Đường, quốc gia ngày càng lớn mạnh, Đường Thái Tông về tư tưởng dần lơi lỏng, nhưng bản thân không ý thức được. Ngày nọ, Thái Tông và các đại thần bàn luận về đạo lí sinh tử tồn vong của quốc gia. Đại thần Ôn Ngạn Bác 温彦博 uyển chuyển nói rằng:

          - Hi vọng bệ hạ có thể dụng tâm trị lí quốc gia như đầu thời Trinh Quán, thiên hạ sẽ càng thêm thái bình.

          Đường Thái Tông không hiểu hỏi rằng:

          - Lẽ nào ta dạo này xử lí chính sự lơi lỏng sao?

          Nguỵ Trưng vội tiếp lời:

          - Đầu thời Trinh Quán, bệ hạ vô cùng tiết kiệm, hư tâm nghe ý kiến của đại thần. Nay ngài hạ lệnh xây dựng cung thất nhiều hơn trước, ngài cũng không vui lòng nghe lời đại thần can gián. Đó chính là chỗ không bằng đầu thời Trinh Quán.

          Về sau, Nguỵ Trưng lại dâng lên một tấu chương, trong tấu chương những chỗ không như trước đây, ông từng điều từng điều nêu ra, tổng cộng 10 điều. Thái Tông xem qua tấu chương, cho rằng đều có lí, lập tức viết mấy câu cho Nguỵ Trưng:

          - Ta sẽ đem tấu chương của khanh dán trên bình phong để tiện sớm tối nhìn thấy, giúp ta sửa chữa sai lầm. Ta còn định để sử quan sao ra một bản khác, đưa vào sử sách, để người đời sau hiểu rõ những đạo lí này.

          Có một lần, Thái Tông có được một con chim ưng chuyên bắt chim nhỏ, yêu thích nó không rời tay, để nó đứng trên cánh tay của mình mà đùa. Bỗng thị tùng báo cáo có Nguỵ Trưng đến, Đường Thái Tông vội giấu chim ưng vào trong ngực để tránh Nguỵ Trưng nhìn thấy lại nói mình ham chơi mất cả chí khí, rồi nhắc nhở. Kì thực, Nguỵ Trưng đã thấy hết mọi cử động của Thái Tông, nhưng giả vờ như không thấy, liền ngồi xuống tâu việc. Nguỵ Trưng tâu một việc rồi lại một việc khác, vẫn chưa hết. Thái Tông sốt ruột nhưng không thể không giả vờ kiên nhẫn lắng nghe. Nguỵ Trưng nói nửa tiếng đồng hồ mới đứng dậy cáo từ. Nguỵ Trưng vừa mới đi, Đường Thái Tông vội lấy chim ưng trong người ra, nhìn qua, chim ưng đã chết.

          Năm 643, Nguỵ Trưng lâm trọng bệnh. Đường Thái Tông vô cùng coi trọng ông, không ngừng phái người mang thuốc đến thăm hỏi bệnh tình. Trên đường từ hoàng cung đến nhà Nguỵ Trưng, người người nhìn theo không dứt. Một lần khác, Đường Thái Tông đích thân dẫn hoàng thái tử đến nhà Nguỵ Trưng thăm. Nhìn thấy Nguỵ Trưng không khởi sắc bao nhiêu, trong lòng Đường Thái Tông đau xót, không ngăn được hai hàng nước mắt tuôn rơi. Thái Tông lau nước mắt, hỏi Nguỵ Trưng:

          - Khanh có điều gì muốn nói không?

          Tiếng nói của Nguỵ Trưng lúc này vô cùng yếu ớt.

          - Điều mà thần lo nhất chính là sự nguy vong của quốc gia! Nay quốc gia xương thịnh, thiên hạ an định, hi vọng bệ hạ trong lúc yên ổn luôn nhớ đến lúc hiểm nguy.

Đường Thái Tông vừa nghe vừa gật đầu, biểu thị nhất định ghi nhớ đạo lí vô cùng sâu sắc này. Mấy ngày sau, Nguỵ Trưng từ giã cõi đời. Đường Thái Tông vô cùng đau buồn, đích thân soạn bi văn nơi bia mộ cho ông.

          Đường Thái Tông thường nhớ đến Nguỵ Trưng. Có một lần, Đường Thái Tông tại triều đường nói với bề tôi rằng:

          - Dùng đồng làm kính, có thể soi vào để chỉnh đốn y quan; dùng lịch sử làm kính, có thể biết được đạo lí hưng vong đắc thất; dùng người làm kính, có thể biết được lỗi lầm của mình. Ta thường đem ba chiếc kính đó để phản tỉnh những lỗi lầm của mình. Hiện Nguy Trưng đã mất, ta đã mất đi một chiếc kính rồi. (1)

                                                                                          (hết) 

Chú của người dịch

1- Trong Cựu Đường thư – Nguỵ Trưng truyện 旧唐 - 书魏征传ghi rằng:

          Phù dĩ đồng vi kính, khả dĩ chính y quan; dĩ sử vi kính, khả dĩ tri hưng thế; dĩ nhân vi kính, khả dĩ minh đắc thất. Nguỵ Trưng một, trẫm vong nhất kính hĩ.

          夫以铜为镜, 可以正衣冠; 以史为镜, 可以知兴替; 以人为镜, 可以明得失. 魏征没, 朕亡一镜矣.

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 25/3/2021

TRUNG HOA THƯỢNG HẠ NGŨ THIÊN NIÊN

中华上下五千年

Chủ biên: Lí Tinh 李晶

Nam Kinh đại học xuất bản xã, 2007

Previous Post Next Post