Dịch thuật: Lễ kinh (kì 1- Chu lễ)

 

 LỄ KINH

(kì 1)

          Ở thiên mở đầu Khúc lễ 曲礼 trong Lễ kí 礼记có câu:

          Anh vũ năng ngôn, bất li phi điểu; tinh tinh năng ngôn, bất li cầm thú. Kim nhân nhi vô lễ, tuy năng ngôn, bất diệc cầm thú chi tâm hồ?

          鹦鹉能言, 不离飞鸟; 猩猩能言, 不离禽兽. 今人而无礼, 不亦禽兽之心乎?

          (Vẹt có thể nói, nhưng rốt cuộc không thoát khỏi loài chim; tinh tinh có thể nói, những rốt cuộc không thoát khỏi loài thú. Nay con người nếu như không có lễ, cho dù có thể nói, nhưng tâm tính có khác gì loài cầm thú?)

          Trong văn hoá Trung Quốc, lễ được xem là một tiêu chuẩn, phân biệt hữu hiệu giữa con người với cầm thú, thể hiện triệt để tính đặc biệt độc đáo giữa người với người, trở thành nền tảng của văn hoá Trung Quốc. Lễ nghi truyền thống là một loại phạm trù, bao gồm lễ kinh ghi chép về lễ nghi; nghi thức được xem là bộ phận chủ thể; lễ khí, lễ phục, lễ nhạc được xem là những công cụ phụ trợ trọng yếu. Sự cộng thông qua lại của đa chủng nguyên tố này, đã cấu thành văn hoá lễ nghi Trung Hoa phong phú rực rỡ.

          Sau khi nhân loại tiến vào xã hội văn minh, việc đầu tiên kiến lập đó là chế độ đẳng cấp. Ở Trung Quốc, chế độ đẳng cấp lấy hình thức của lễ biểu hiện ra. Nhà Chu sau khi thay thế nhà Thương thống trị thiên hạ, lễ không ngừng được tinh tế hoá, đạt đến mức độ bị gọi là rườm rà phiền phức. Lễ nghi truyền thống phiền tạp, đại thể bao gồm lễ tế tự, lễ tang táng, lễ triều cận, lễ hội minh, lễ sính vấn, lễ xạ ngự, lễ tân khách, lễ hôn giá, lễ quan trâm ..., chức nghiệp nắm giữ và chủ trì các loại lễ này xưng là “nho” . Điều này không khó để lí giải, vì sao Nho gia thường lấy lễ giáo làm gốc, còn Trung Quốc được xưng là “lễ nghĩa chi bang” 礼义之邦.

          Lễ nghi Trung Hoa sớm nhất đều được ghi chép trong lễ kinh, chính là “lễ” trong Thi , Thư , Lễ , Nhạc , Dịch , Xuân Thu 春秋. Lễ này bao gồm 3 quyển Chu lễ 周礼, Nghi lễ 仪礼Lễ kí 礼记.

Chu lễ 周礼

          Chu lễ 周礼 còn được gọi là Chu quan 周官 hoặc Chu quan kinh 周官经, là văn hiến về hệ thống quan chế cổ xưa. Bộ sách này ghi chép hơn 360 chức quan, đảm nhậm mỗi chức quan có từ 1 người đến mấy chục người, cả vương triều quan viên tổng cộng có đến mấy vạn người. Chu lễ muộn nhất là đến tiền kì thời Tây Hán mới được xuất hiện, năm 155 trước công nguyên, có người họ Lí dâng sách này lên Hà Gian Hiến Vương 河间献王. Sách ghi chép quan chế triều Chu cùng chế độ các quốc thời Chiến Quốc, có giá trị sử liệu rất cao. Nguyên sách có 6 thiên, nhưng họ Lí dâng lên chỉ có 5 thiên, lần lượt là Thiên quan Trủng tể 天官冢宰, Địa quan Tư đồ 地官司徒, Xuân quan Tông bá 春官宗伯, Hạ quan Tư mã 夏官司马, Thu quan Tư khấu 秋官司寇, thiếu thiên thứ 6. Để bổ sung được đầy đủ, Hiến Vương treo thưởng ngàn vàng, nhưng không có kết quả, cuối cùng lấy Khảo công kí 考工记 có nội dung tương tự bổ sung thành thiên Đông quan 冬官 thứ 6, dâng lên Hán Vũ Đế 汉武帝. Từ đó, sách luôn được tàng trữ nơi thâm cung bí phủ, người ta không thể biết, mãi đến những năm cuối triều Tây Hán, khi Lưu Hâm 刘歆 hiệu lí bí thư, thu nhập Thất lược 七略, sách mới được người ta biết một cách rộng rãi. Bản chú thích nổi tiếng nhất hiện tồn là do Hán nho Trịnh Huyền 郑玄chú, Giả Công Ngạn 贾公彦đời Đường viết lời sớ, đồng thời thu nhập vào Thập tam kinh chú sớ 十三经注疏.

          Chu lễ là sách mà Chu Công 周公 có mục đích nhắm đến thái bình. Chu Công cho rằng, chỉ cần lễ nhạc chế tác hoàn bị thì thiên hạ có thể đại trị. Nhưng kì thực, Chu lễ chỉ bảo lưu nội dung bộ phận Chu Công chế lễ, vả lại chủ yếu thành vào hậu kì Chiến Quốc. Nội dung chủ thể của nó là những tưởng tượng suy nghĩ về việc kiến quốc thiết lập quan lại, không phải là những ghi chép chân thực. Chu lễ ghi chép, vị quan đệ nhất đẳng dưới thiên tử là Thiên quan 天官, chức vị tối cao xưng là Trủng tể 冢宰 hoặc Thái tể 大宰, chức này “Chưởng kiến bang chi lục điển, dĩ tá vương trị bang quốc” 掌建邦之六典, 以佐王治邦国 (chưởng quản việc kiến lập và ban hành sáu loại pháp điển của vương quốc, để phò tá Vương thống trị các quốc trong thiên hạ), tức hiệp trợ thiên tử, thống lĩnh lục quan (1), tổng lí chính vụ.

Thứ đến là Địa quan 地官, chức vị tối cao xưng là Tư đồ 司徒, chức này “Suất kì thuộc nhi chưởng bang giáo, dĩ tá vương an phủ bang quốc” 帅其属而掌邦教, 以佐王安抚邦国 (suất lãnh thuộc hạ, chưởng quản việc giáo dục trong thiên hạ, để phò tá Vương an định các quốc trong thiên hạ), tức chưởng quản việc giáo dục trong thiên hạ, giáo hoá muôn dân, để an bang định quốc.

Tiếp nữa là Xuân quan 春官, chức vị tối cao xưng là Đại tông bá 大宗伯, chức này “Suất kì thuộc nhi chưởng bang lễ, dĩ tá Vương hoà bang quốc” 帅其属而掌邦礼, 以佐王邦国 (suất lãnh thuộc hạ, chưởng quản việc lễ trong thiên hạ, để phò tá Vương làm cho các quốc trong thiên hạ hài hoà), tức chưởng quản lễ chế bang quốc, nghiêm minh đẳng cấp, điều hoà mối quan hệ các quốc.

Tiếp sau Xuân quan春官 là Hạ quan 夏官, chức vị tối cao xưng là Tư mã 司马, chức này “Suất kì thuộc nhi chưởng bang chính, dĩ tá Vương bình bang quốc” 帅其属而掌邦政, 以佐王平邦国 (suất lãnh thuộc hạ, chưởng quản chính điển trong thiên hạ, để phò tá Vương làm cho các quốc trong thiên hạ chính trị công bình), tức phò tá thiên tử bình định bang quốc, quản lí quân vụ, quyết định chinh phạt.

          Tiếp sau Hạ quan夏官 là Thu quan 秋官, chức vị tối cao xưng là Tư khấu 司寇, chức này “Suất kì thuộc nhi chưởng bang cấm, dĩ tá Vương hình bang quốc” 帅其属而掌邦禁, 以佐王平邦国 (suất lãnh thuộc hạ, chưởng quản cấm lệnh trong thiên hạ, để phò tá Vương trừng phạt chư hầu quốc làm trái pháp luật), tức chủ quản sự vụ tư pháp về hình phạt ngục tụng của bang quốc, duy trì bảo vệ công bình chính nghĩa của xã hội.

          Cuối cùng là Đông quan 冬官, chức vụ tối cao xưng là Tư không 司空, căn cứ vào Khảo công kí 考工记  bổ sung có thể biết, chức này chưởng quản bách công trong thiên hạ, quản lí sự phát triển kinh tế của quốc gia.

          Thiên đầu tiên của các quan trong Chu lễ 周礼 đều nói rằng:

          Duy vương kiến quốc, biện chính phương vị, thể quốc kinh dã, thiết quan phân chức, dĩ vi dân cực.

          惟王建国, 辨正方位, 体国经野, 设官分职, 以为民极.

          (Vương kiến lập quốc đô, phân biệt phương hướng, đồng thời xác định vị trí của tông miếu và triều đình, vạch giới hạn đô thành và ngoại ô, thiết lập quan viên phân định chức vị, để làm chuẩn tắc cho dân chúng)

          Ý là thiên tử kiến lập đô thành, tất cần phải xác định phương vị, vạch rõ cương giới, thiết trí quan giai, khiến nhân dân lấy đó làm chuẩn mực. Ở đây ngụ ý một loại thể chế chính trị lấy Vương làm trung tâm, tức dân lấy quan làm trung tâm, các quan đều phân thuộc lục quan, lấy thiên tử làm trung tâm, từ trên xuống dưới kiến tạo cấu thành một hệ thống chính quyền lí tưởng, chuyên chế ổn định. Sự thực, trừ hệ thống quan chức ra, sách này còn đề cập đến thiên văn địa lí, thảo mộc ngư trùng, điển chương danh vật, sinh hoạt khởi cư, nông thương y bốc, phàm có quan hệ với việc bang quốc kiến chế, cơ hồ như không gì là không có, có thể nói là bác đại tinh thâm.... (còn tiếp)

Chú của người dịch

1- Lục quan 六官: Tức Thiên quan Trủng tể, Địa quan Tư đồ, Xuân quan Tông bá, Hạ quan Tư mã, Thu quan Tư khấu, Đông quan Tư không, cũng xưng là “lục khanh” 六卿.

                                                              Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 18/3/2021

Nguyên tác

LỄ KINH

礼经

Trong quyển

TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI LỄ NGHI VĂN HOÁ

中国古代礼仪文化 

Biên soạn: Chu Uân 周贇

Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 20019

Previous Post Next Post