Dịch thuật: Vài nét về Táo Thần

 

VÀI NÉT VỀ TÁO THẦN 

          Táo Thần 灶神, gọi đầy đủ là “Cửu Thiên Đông Trù Tư Mạng Thái Ất Nguyên Hoàng Định Phúc Tấu Thiện Thiên Tôn” 九天东厨司命太乙元皇定福奏善天尊, tục xưng là “Táo Quân” 灶君, hoặc xưng “Táo Quân Công” 灶君公, “Tư Mạng Chân Quân” 司命真君, “Cửu Thiên Đông Trù Tư Mạng Chủ” 九天东厨司命主, “Hương Trù Diệu Cung Thiên Tôn” 香厨妙供天尊, hoặc Táo Vương” 灶王. Phương bắc gọi Táo Thần là “Táo Vương Gia” 灶王爷, Loan môn 鸾门 (1) tôn phụng là một trong “Tam ân chủ” 三恩主 (2), cũng chính là Thần nhà bếp.

          Khởi nguyên của Táo Thần có từ rất sớm. Triều Thương, trong dân gian Trung Quốc đã thờ cúng, Chu lễ lấy con của Hu Toả 吁琐 là Lê làm Táo Thần. Trước thời Tần Hán được liệt vào một trong Ngũ Tự 五祀 chủ yếu, cùng Môn Thần 门神, Tỉnh Thần 井神, Xí Thần 厕神 và Lựu Thần 溜神 – ngũ vị Linh thần cùng phụ trách sự bình an của một nhà. Táo Thần sở dĩ được người đời kính trọng, ngoài việc nắm giữ việc ẩm thực của con người, ban cho sự tiện lợi trong cuộc sống ra, chức trách của Táo Thần là vị quan mà Ngọc Hoàng Đại Đế 玉皇大帝 phái xuống nhân gian khảo sát sự thiện ác của con người. Hai vị thần theo hai bên tả hữu của Táo Thần, một vị bưng “thiện quán” 善罐 (lọ thiện), một vị bưng “ác quán” 恶罐 (lọ ác), thường xuyên đem hành vi của gia chủ ghi chép lại bỏ vào trong lọ, đến cuối năm sau khi tổng kết sẽ báo cáo lên Ngọc Hoàng Đại Đế. Ngày 24 tháng Chạp chính là ngày Táo Thần rời nhân gian lên trời bẩm báo với Ngọc Hoàng Đại Đế những việc làm của nhà đó trong năm vừa qua, cũng gọi là “từ Táo” 辞灶, cho nên mọi nhà đều “tống Táo Thần”. Thời gian tạ Táo cũng phân giai tầng, lúc nào tạ Táo, trong dân gian Trung Quốc có cách nói “quan từ tam” 官辞三, “dân từ tứ” 民辞四 “Đặng gia từ ngũ” 邓家辞五; lại có cách nói “vong liễu từ ngũ, biệt từ lục” 忘了辞五, 别辞六, chính là nói ngày 23, 24 không từ Táo, mà từ vào ngày 25, nhưng tuyệt đối không được từ vào ngày 26. “Quan” chỉ quan thân quyền quý, có tập quán tạ Táo vào ngày 23; “dân” chỉ bình dân bách tính, tạ Táo vào ngày 24; “Đặng gia” 邓家 chỉ người sống trên sông nước (3), cử hành tạ Táo vào ngày 25. Nhưng đại bộ phận bách tính dân gian Trung Quốc chọn ngày 23 tạ Táo, hi vọng có được khí tốt lành. Vật phẩm dâng cúng Táo Thần nhìn chung đều dùng những món vừa ngọt vừa dính như mứt, chè ỷ, kẹo mạch nha, tóm lại dùng những món vừa ngọt vừa dính mục đích là để dán miệng Táo Thần, để lúc lên trời Táo Thần sẽ tâu những lời tốt đẹp, điều mà gọi là “Ngật điềm điềm, thuyết hảo thoại” 吃甜甜, 说好话(Ăn món ngọt, nói lời hay) “Hảo thoại truyền thướng thiên, hoại thoại đâu nhất biên” 好话传上天, 坏话丢一边 (Lời tốt truyền lên trời, lời xấu gác qua một bên). Nhìn chung nhà nhà đều dán tranh tết Táo quân, hai bên dán cặp đối:

Thướng thiên ngôn hảo sự

Há giới giáng cát tường

上天言好事

下界降吉祥

(Lên trời tâu những việc tốt

Xuống trần ban việc cát tường)

Thướng thiên khứ đa ngôn hảo sự

Há giới hồi cung giáng cát tường

上天去多言好事

下界回宫降吉祥

(Lên trời tâu nhiều việc tốt

Xuống trần về lại cung ban việc cát tường)

          Ngoài ra, dán miệng Táo Thần để Táo Thần không tâu những lời xấu. Cũng có nhà dùng hèm rượu bôi lên Táo quân gọi là “Tuý tư mệnh” 醉司命, ý nghĩa là làm cho Táo Thần say, để Táo Thần đầu óc không tỉnh táo, bớt đi báo cáo. Nhân đó, tế Táo Thần tượng trưng cầu phúc tránh hoạ. Khi tế Táo Thần, bày tế phẩm, thắp hương tế bái, tiếp đó lần thứ nhất dâng rượu, lúc này hướng đến Táo Thần thành tâm khấn vái, sau khi xong, tiến hành dâng rượu lần thứ hai. Sau khi dâng rượu lần thứ ba, gỡ tranh Táo Quân cũ xuống, cùng giáp mã, và tài bạch thiêu đi, đại biểu việc tiễn Táo quân lên trời, nghi thức thuận lợi hoàn thành. Còn khi thiêu, dùng một con ngựa cốt tre phất giấy để Táo Thần cưỡi lên trời, lại còn chuẩn bị một ít đậu nành và cỏ khô làm lương khô cần thiết cho Táo Thần và ngựa trên đường dài bạt thiệp. Ngoài ra phải thắp hương, khấu đầu, đồng thời nhúm một ít tro trong bếp rắc trên mặt đất phía trước Táo Quân, miệng lầm rầm khấn: “Thướng thiên ngôn hảo sự. Hồi cung giáng bình an”. Sau khi tiễn Táo, chớ có quên vào ngày mồng 4 tháng Giêng (có thuyết cho là lúc Trừ tịch) nghinh đón chúng Thần trở về lại, gọi là “tiếp Táo” 接灶 hoặc “tiếp Thần” 接神. Nghi thức tiếp Táo Thần rất đơn giản, chỉ cần nơi trang thờ dán một hình Táo Quân mới.

Chú của người dịch

1- Loan môn 鸾门: Tức Thánh đường圣堂, cũng gọi là Hội Đạo môn 会道门, Thánh môn 圣门, Nho môn 儒门, một lưu phái tôn giáo rất thịnh trong tín ngưỡng dân gian Đài Loan.

2- Tam ân chủ 三恩主: Trong Đài Loan chi tự miếu dữ thần minh 台湾之寺庙与神明 của Cừu Đức Tai 仇德哉 có nói:

          Người Đài Loan hợp chung Quan Thánh Đế Quân 关圣帝君, Phu Hựu Đế Quân 孚佑帝君 (Lữ Động Tân 吕洞宾), Tư Mệnh Chân Quân 司命真君 (Táo Quân 灶君) để phụng thờ, xưng là Tâm ân chủ三恩主, hoặc Quan Lữ Trương tam ân chủ 关吕张三恩主, Quan Lữ Trương tam Thánh 关吕张三圣, Tam tướng ân chủ 三相恩主, Tam tôn ân chủ 三尊恩主.

3- Đặng gia 邓家: tức những ngư dân lấy thuyền làm nhà sinh sống khu vực ở Hương Cảng, Áo Môn, Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                                          Quy Nhơn 04/02/2021

                                                                Ngày 23 tháng Chạp năm Canh Tí

Nguồn

https://baike.baidu.com/item/%E7%81%B6%E7%A5%9E/2059325?fromtitle=%E7%81%B6%E7%8E%8B%E7%88%B7&fromid=1550793

Previous Post Next Post