Dịch thuật: Những tập tục từ mùng 1 đến rằm tháng Giêng (tiếp theo)

 

NHỮNG TẬP TỤC TỪ MÙNG 1 ĐẾN RẰM THÁNG GIÊNG

(tiếp theo)

Mùng 6 tháng Giêng

          Ngày mùng 6 tháng Giêng, thương điếm tửu lâu mới chính thức khai trương buôn bán, lại còn đốt pháo không thua gì lúc Trừ tịch. Truyền thuyết cho rằng, vào ngày này, được hoan nghinh nhất là các em trai tròn 12 tuổi, bởi 12 là gấp đôi của 6, gọi là “lục lục đại thuận” 六六大顺. Hôm đó, mỗi nhà mỗi hộ đều đem rác mà đã tích tụ trong những ngày tết đổ đi, gọi là “tống cùng quỷ” 送穷鬼.

Mùng 7 tháng Giêng

          Ngày mùng 7 tháng Giêng là ngày “nhân” , tức sinh nhật của con người . Theo ghi chép trong Chiêm thư 占书, bắt đầu từ mùng 1, trời sáng tạo ra thứ tự của vạn vật là “Mùng 1 gà, mùng 2 chó, mùng 3 heo, mùng 4 dê, mùng 5 trâu, mùng 6 ngựa, mùng 7 con người, mùng 8 lúa”, cho nên mùng 7 là “nhân nhật” 人日. Vào ngày này, thị dân Hương Cảng thích ăn “cập đệ chúc” 及第粥 (cháo thi đậu, gọi là “cập đệ” 及第 là hi vọng thi đậu Trạng nguyên. “Nhân nhật” nên tôn kính mỗi cá nhân, ngay cả phủ quan cũng không thể xử tội phạm vào ngày này, gia trưởng cũng không thể “giáo huấn” con cái vào ngày này.

Mùng 8 tháng Giêng

          Ngày mùng 8 là “cốc nhật” 谷日, theo truyền thuyết là sinh nhật của lúa, cũng gọi là “Thuận tinh tiết” 顺星节, theo lời kể là ngày các vì sao xuống trần, tinh đẩu trên bầu trời hiện ra đủ, nếu như thiên khí hôm đó trong sáng, đó là dự báo một năm đạo cốc phong thu, nếu âm u là sẽ mất mùa.

Mùng 9 tháng Giêng

Ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch, theo tập tục dân gian là ngày sinh của Ngọc Hoàng Đại Đế, cần phải cử hành hoạt động tế Thiên long trọng. Tín chúng cần phải chủ tự Ngọc Hoàng Đại Đế, chúc thọ Thiên Công, đồng thời cầu mong một năm mới mưa thuận gió hoà, bình an mạnh khoẻ.

Mùng 10 tháng Giêng

          Ngày mùng 10 tháng Giêng là sinh nhật “thạch đầu” 石头 (đá), vào ngày này phàm những công cụ bằng đá dùng để mài, nghiền đều không được sử dụng, thậm chí còn phải tế tự đá. Tại vùng Vận Thành 郓城 Sơn Đông 山东 có cách nói “đài thạch đầu thần” 抬石头神 (khiêng Thần đá). Đêm mùng 9, người ta đem một chậu sành đặt cho nó kết dính trên một tảng đá bằng phẳng trơn láng, sáng sớm mùng 10 lấy dây thừng buộc vào rồi do 10 thanh niên thay nhau khiêng đi, nếu tảng đá không rơi xuông đất thì dự báo năm đó được mùa.

Ngày 11 tháng Giêng

          Ngày 11 tháng Giêng là “Tử tế nhật” 子婿日, là ngày mà nhạc phụ mở tiệc mời chàng rể. Ngày mùng 9 khánh chúc “Thiên công sinh nhật” 天公生日, những thức ăn còn lại, trừ ăn vào ngày mùng 10, số còn dư lại rất nhiều, cho nên nhà gái không để lãng phí, liền dùng những món ngon dư đó chiêu đãi chàng rể và con gái, dân ca gọi là “Thập nhất thỉnh Tử tế” 十一请子婿.

Ngày 12 đến ngày rằm tháng Giêng

          Qua ngày 11 tháng Giêng, người ta bắt đầu chuẩn bị khánh chúc Nguyên tiêu giai tiết. Bắt đầu từ ngày 12 tháng Giêng chọn mua lồng đèn, dựng rạp. Đồng dao có câu:

          Thập nhất nhượng tra tra, thập nhị đáp đăng bằng, thập tam nhân khai đăng, thập tứ đăng chính minh, thập ngũ hành nguyệt bán, thập lục nhân hoàn đăng.

          十一嚷喳喳, 十二搭灯棚, 十三人开灯, 十四灯正明, 十五行月半, 十六人完灯

          (Ngày 11 gọi nhau ầm ĩ, ngày 12 dựng rạp đèn, ngày 13 bắt đầu mở hội hoa đăng, ngày 14 đèn các nơi rực sáng, ngày 15 đi chơi đêm rằm, ngày 16 là “hoàn đăng”)

          Rằm tháng Giêng chính là Nguyên Tiêu tiết 元宵节, là đêm trăng tròn đầu tiên của năm, cũng là đêm mà đại địa hồi xuân.

          Rằm tháng Giêng Nguyên Tiêu tiết元宵节, cũng là Thánh đản của Thượng Nguyên Thiên Quan Đại Đế ở Đạo giáo, là lúc Thiên quan 天官 tứ phúc, cũng gọi là Thượng Nguyên tiết 上元节.

          Phong tục Nguyên Tiêu thắp đèn bắt đầu từ triều Hán, vào ngày này không thể thiếu ăn Nguyên tiêu, chè ỷ. Đêm ngày 16 tháng Giêng là ngày tết của trẻ em, trẻ em xách lồng đèn của mình, va mạnh và lồng đèn của đối phương, sau đó cười vang, xem thử lồng đèn của đối phương có bị bốc cháy không, tục đó gọi là “bính đăng” 碰灯. Nhằm ý là, lồng đèn của năm nay, không được giữ lại đến năm sau, cần phải dùng cách “bính đăng” để tiêu huỷ... (hết)

Chú của người dịch

1- Hoàn đằng 完灯: Sau khi con gái lấy chồng sinh con, nhà ngoại liền chuyển tặng lễ vật cho cháu một chiếc đèn lồng và 10 cây đèn nến. Từ ngày 11 đến rằm tháng Giêng, cháu sẽ chơi rước đèn. Lồng đèn mà tặng cho trẻ con phải nhỏ hơn lồng đèn đã tặng cho con gái trước đó để trẻ con dễ mang theo bên người, nhìn chung còn phải tặng bánh, biểu thị lời cầu chúc đối với  trẻ. Cứ như vây đến khi trẻ được 12 tuổi, nhà ngoại sẽ “tống đăng” 送灯 (tặng lồng đèn) cho trẻ lần cuối cùng, tức “hoàn đăng” 完灯, cũng là lần tặng long trọng nhất. Từ đó sẽ ngừng việc tặng lồng đèn và bánh như theo lệ hằng năm trước đó, điều này đánh dấu trẻ từ đồng niên bước vào giai đoạn thiếu niên. Tống đăng, ngoạn đăng đến đây là chấm dứt, cho nên gọi là “hoàn đăng”.

https://baike.baidu.com/item/%E5%AE%8C%E7%81%AF

                                                                      Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 11/02/2021

                                                           (Ngày 30 tháng Chạp năm Canh Tí)

Nguồn

http://www.jxhzw.org/fsrl/1029.html

 

Previous Post Next Post