Dịch thuật: Nguồn gốc lịch sử của thiền trà

 

NGUỒN GỐC LỊCH SỬ CỦA THIỀN TRÀ 

          Thiền trà 禅茶 chỉ loại trà do tăng nhân của tự viện trồng, hái, sao chế và dùng. Chủ yếu dùng trong việc cúng Phật, đãi khách, tự uống, biếu tặng kết duyên. Thiền là một loại cảnh giới. Coi trọng “thiền trà nhất vị” 禅茶一味, “thiền” là tâm ngộ, “trà” là loại thực vật cát tường của vật chất, “nhất vị” 一味  chính là sự tương thông giữa tâm với trà, tâm với tâm. Tinh thần văn hoá thiền trà của Trung Quốc đại khái là “chánh , thanh , hoà , nhã” . Văn hoá thiền trà trong “thiền trà nhất vị” là hiện tượng đặc biệt trong lịch sử văn hoá truyền thống Trung Quốc, cũng là sự cống hiến to lớn của Trung Quốc đối với văn minh thế giới. Trà và thiền vốn là hai loại văn hoá, trong lịch sử phát triển lâu dài của mỗi loại đã phát sinh sự tiếp xúc và dần tương hỗ thâm nhập, ảnh hưởng qua lại, cuối cùng dung hợp thành một hình thức văn hoá mới, đó là văn hoá thiền trà.

          Năm 52 trước công nguyên thời Tây Hán, Ngô Lí Chân 吴理真 tại núi Mông Đính 蒙顶 ở Tứ Xuyên 四川 trồng 7 cây trà mở đầu cho việc trồng trà trên thế giới, nhân đó Ngô Lí Chân được kính xưng là “Trà tổ” 茶祖. Năm 4 trước công nguyên, sau khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, Ngô Lí Chân tại núi Mông Đính, xuống tóc tu hành, vừa Phật vừa trà, là người đầu tiên sáng lập “Phật trà nhất gia” 佛茶一家, được tôn xưng là Cam Lộ Thiền Sư 甘露禅师. Phong Diễn 封演 đời Đường trong Phong thị kiến văn lục 封氏见闻录 có ghi chép tình cảnh thiền tập trà:

Học thiền vụ vu bất mị, hựu bất tịch thực, giai hứa  kì ẩm trà. Nhân tự hoài hiệp, đáo xứ chử ẩm, tùng thử chuyển tương phỏng hiệu toại thành phong tục.

学禅务于不寐, 又不夕食, 皆许其饮茶. 人自怀挟, 到处煮饮, 从此转相仿效遂成风俗

(Học thiền cốt ở chỗ không bị ngủ say, lại không ăn vào lúc xế chiều, nhưng có thể uống trà. Người ta tự mang trà theo bên người, đến nơi nào cũng đều có thể nấu lên uống, từ đó mọi người bắt chước theo trở thành phong tục).

          Đời Đường, Lục Vũ 陆羽 được người đời tôn xưng là Trà thánh 茶圣, xuất thân tự viện, lúc 3 tuổi được thiền sư thu nhận nuôi dưỡng, từ nhỏ đã luyện trở thành một tay hái trà, nấu trà với kĩ thuật cao siêu. Ông đã soạn quyển Trà kinh 茶经  thuật lại lịch sử của trà, cách trồng, cách gia công cùng trà cụ và tập tục phẩm trà.

          Thiền tăng thuộc hệ thống Nam thiền tông đời Đường cũng chú trọng việc uống trà. Cuối thời Đường đầu thời Ngũ Đại, thiền sư Triệu Châu 赵州 ở Hà Băc 河北 đã dùng cơ phong 机锋 (1) “Ngật trà khứ” 吃茶去 (uống trà đi) để tiếp dẫn đệ tử. Theo Cảnh Đức truyền đăng lục 景德传灯录 quyển 16 có chép, Triệu Châu hỏi một vị tăng mới đến: “Từng đến đây chưa?” Vị tăng đáp rằng: “Từng đến”. Triệu Châu bảo: “Ngật trà khứ”. Lại hỏi một vị tằng khác, vị tăng đáp: “Chưa từng tới”. Triệu Châu bảo: “Ngật trà khứ”. Đây là công án “Triệu Châu ngật trà khứ” 赵州吃茶去  nổi tiếng trong lịch sử thiền tông.

          Đời Tống, thiền sư nổi tiếng Viên Ngộ Khắc Cần 圆悟克勤 tại Giáp sơn 夹山 Hà Nam 河南 viết bộ sách đầu tiên về thiền tông Bích nham lục 碧岩录, đồng thời ngộ ra đạo lí thiền trà nhất vị, từng viết qua 4 chữ “Trà thiền nhất vị” 茶禅一味, đem tặng đệ tử Vinh Tây 荣西 người Nhật Bản đang theo học. Đến nay bút tích của thiền sư Viên Ngộ vẫn được lưu giữ tại chùa Nại Lương Đại Đức 奈良大德 ở Nhật Bản, trà đạo Nhật Bản nhân đó cũng có cách nói “trà thiền nhất vị”.

          Trong các thiền tự thời Đường Tống thiết lập “trà liêu” 茶寮 để cho tăng nhân uống trà; tại các liêu xá, để chuyên việc pha trà đã lập một chức vị chuyên môn, xưng là “Trà đầu” 茶头. Quy tắc tùng lâm yêu cầu mỗi ngày dâng trà trước Phật tiền, Tổ tiền, linh tiền; tân trụ trì Tấn Sơn 晋山 cũng có nghi thức điểm trà 点茶, điểm thang 点汤; thậm chí còn dùng trà mở tiệc, mĩ danh là “Trà thang hội” 茶汤会.

          Đình viện của các thiền tự Nhật Bản cũng có “trà đình” 茶亭, “trà liêu” 茶寮. “Trà đình” kiến trúc nhã trí, cảnh vật thanh u, là sự phát triển “trà đường” 茶堂 “trà liêu” 茶寮 của thiền tự Trung Quốc tại Nhật Bản. Có thể nói phong tục phẩm trà Trung Quốc khởi đầu ở tự viện, thịnh hành ở tự viện. Sau thời Đường Tống, phong tục phẩm trà càng thịnh, sau đó phổ cập đến văn nhân, sĩ đại phu, quý tộc hoàng cung, cho tới đại chúng xã hội rộng rãi.

Chú của người dịch

1- Cơ phong 机锋: Danh từ thiền tông của Phật giáo, chỉ những lời nói nhanh nhạy sắc bén, cũng chỉ sự sắc sảo trong lời nói.

                                                                          Huỳnh Chương Hưng

                                                                          Quy Nhơn 01/02/2021

Nguồn

https://baike.baidu.com/item/%E7%A6%85%E8%8C%B6

Previous Post Next Post