Dịch thuật: Đạo gia tập đại thành - Trang Tử

 

ĐẠO GIA TẬP ĐẠI THÀNH – TRANG TỬ 

         Trang Tử 庄子 (khoảng năm 369 – năm 286 trước công nguyên), họ Trang , tên Chu , tự Tử Hưu 子休 (có thuyết cho là Tử Mộc 子沐), người nước Tống thời Chiến Quốc, tập đại thành về tư tưởng Đạo gia, đời sau gọi ông với Lão Tử là “Lão Trang” 老庄. Tác phẩm đại biểu có Trang Tử庄子, những thiên nổi tiếng có Tiêu dao du 逍遥游, Tề vật luận 齐物论 ... Trang Tử chủ trương “thiên nhân hợp nhất” và “thanh tĩnh vô vi”.

Phần tử tri thức chốn bình dân

          Trang Tử một đời ẩn tích, không cầu công danh, về cơ bản không tham gia qua bất kì sự kiện lịch sử trọng đại nào, nhiều sự tích về cuộc đời của ông không cách nào xác định được thứ tự trước sau. Trang Tử từng là một tiểu quan lại đảm nhiệm quản lí một phường thủ công chuyên dùng chất sơn bôi lên đồ vật, ngoài đó ra ông không làm qua chức quan nào khác. Ông một đời thanh bần, nhưng lại coi thường vinh hoa phú quý, quyền thế lợi danh.

          Sở Uy Vương 楚威王 nghe nói Trang Tử rất có tài hoa, từng phái người đến thăm. Lúc bấy giờ Trang Tử đang tiêu dao câu cá trên sông Bộc . Tay ông cầm cần, đầu không hề quay lại, nói rằng:

          - Tôi nghe nói nước Sở có con rùa thần, chết đã ba ngàn năm nay rồi, Sở Vương còn đem nó cất vào trong hộp, đặt trong miếu đường. Các ông nói thử, con rùa đó bằng lòng chết lưu lại bộ xương để được người ta tôn quý, hay là bằng lòng sống kéo lê cái đuôi, bò trong vũng bùn vậy?

          Trang Tử lấy lí do thà làm con rùa sống vui chơi trong vũng bùn còn hơn làm con rùa chết đặt trong miếu đường dùng để bói, cự tuyệt lời mời của Sở Uy Vương.

          Trang Tử một đời đạm bạc với danh lợi, chủ trương tu thân dưỡng tính, thanh tĩnh vô vi, thuận ứng theo tự nhiên, truy cầu tinh thần tiêu dao vô đãi.

          Lúc Trang tử sắp mất, các đệ tử chuẩn bị hậu táng cho ông. Trang Tử sau khi biết được, hóm hĩnh nói rằng:

          - Sau khi ta chết đi, trời đất là quan quách của ta, mặt trời mặt trăng là ngọc bích của ta, tinh tú là ngọc khí châu báu của ta, thiên địa vạn vật đều là vật bồi táng của ta. Đồ tuẫn táng theo ta như thế lẽ nào không phong phú sao?

          Đám đệ tử dở khóc dở cười, nói rằng:

          - Nếu thầy đã nói như thế, chúng con vẫn còn sợ loài quạ loài ưng đến ăn xác thầy.

          Trang Tử bảo rằng:

          - Bỏ ngoài đồng các con sợ loài quạ loài ưng ăn xác ta, thế thì chôn dưới đất thì không sợ loài kiến ăn xác ta sao? Các con cướp xác ta từ miệng loài quạ loài ưng mà đưa cho loài kiến, sao chẳng công bằng gì vậy?

          Và như thế, Trang Tử đã lấy thái độ lãng mạn đạt quan và tâm tình không biết sợ, thung dung đi đến cõi chết.

Sự gợi mở của việc Trang Chu mộng thấy bướm

          Trang Chu kế thừa toàn diện vũ trụ quan của Lão Tử, cũng lấy “đạo” làm căn bản của vũ trụ quan, cho rằng đạo tồn tại trong tất cả sự vật, là căn bản và chỗ dựa của sự tồn tại và biến hoá. Đồng thời, Trang Tử cũng kế thừa quan điểm biện chứng của Lão Tử.

          Trang Tử đã nêu ra một số ví dụ, như: Phàm con người đều có thiên kiến, giả như có hai người đang biện luận, anh Giáp chiếm thế thượng phong, anh Giáp quả là đúng chăng? Anh Ất chiếm thế thượng phong, anh Ất quả là đúng chăng? Có hay không sẽ có một người đúng, một người sai?  Hay là cả hai đều đúng hoặc cả hai đều sai? Sẽ do ai phán quyết? và lấy tiêu chuẩn nào? Và như: Con người ngủ ở nơi ẩm thấp, nhẹ thì bị đau lưng, nặng thì bán thân bất toại. Thế thì con chạch sống ở nơi đó cũng sẽ giống như con người chăng? Trang Tử tiếp tục truy vấn, con người ăn thịt, con hươu ăn cỏ, con rết thích ăn rắn nhỏ. Cú và quạ thích ăn chuột, bốn loại khẩu vị này bạn có thể nói loại nào tiêu chuẩn phù hợp nhất? loại nào hợp khẩu vị, loại nào không hợp khẩu vị?

          Trang Tử nhấn mạnh tính tương đối của nhận thức cho đến tính mâu thuẫn trong tư duy logique, nhưng ông phiến diện khoa trương tính tương đối của tất cả sự vật, phủ định sự khác biệt của sự vật khách quan, cho rằng bất luận lớn nhỏ, dài ngắn, sang hèn, đẹp xấu, thành huỷ ... tất cả sai biệt đều không tồn tại, đồng thời do dó mà có kết luận bất khả tri luận. Về điểm này, nổi tiếng nhất cần phải nói đến Trang Chu mộng thấy bướm được ghi chép trong Trang Tử. Có một lần, Trang Tử ngủ say, mộng thấy mình biến thành một con bướm, lúc bay đến bụi cỏ, lúc bay đến khóm hoa, rất là tự tại, căn bản quên mất mình là Trang Tử. Rồi đột nhiên tỉnh dậy, trong lúc kinh hoảng bất định mới biết mình là Trang Tử. Từ đó Trang Tử đề xuất nghi vấn: không biết có phải là Trang Tử nằm mộng biến thành bướm, hay là bướm mộng thấy mình biến thành Trang Chu? Về điểm này Trang Tử cho rằng, vật và ta là phân định không rõ, là dung hợp thành nhất thể, con người không thể xác thiết phân biệt chân thực và hư ảo, do đó đã đem biện chứng pháp dẫn đến chỗ cực đoan của chủ nghĩa tương đối.....  (còn tiếp)

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                               Quy Nhơn 06/02/2021

Nguyên tác Trung văn

ĐẠO GIA TẬP ĐẠI THÀNH GIẢ - TRANG TỬ

道家集大成者 - 庄子

Trong quyển

NHẤT BẢN THƯ ĐỘC ĐỔNG

TRUNG QUỐC TRUYỀN THUYẾT VĂN HOÁ

(quyển 1)

一本书读懂中国传说文化

Tác giả: Thạch Khai Hàng 石开航

Bắc Kinh: Trung Hoa Hoa kiều xuất bản xã, 2012, tái bản 2019

Previous Post Next Post