Dịch thuật: Đô ấp và thương nghiệp đời Chu

 

ĐÔ ẤP VÀ THƯƠNG NGHIỆP ĐỜI CHU 

          Chỗ mà nhân dân tụ cư gọi là “ấp” . Ấp có thể phân làm hai loại lớn, loại có thành bao bọc và loại không có thành bao bọc. Ấp có thành bao bọc lại có thể phân làm ba loại:

- Một là vương đô 王都 và quốc đô 国都 (mãi cho đến thời Đông Chu, chữ “quốc” vẫn là chỉ quốc đô mà nói).

- Hai là kì nội 畿内 và thủ ấp 首邑 của tiểu phong quân của liệt quốc.

- Ba là thành ấp bình thường.

          Tây đô Hạo kinh 镐京 của Chu thất từ khi dời sang phía đông đã trở thành gò hoang mọc đầy lúa hoà lúa thử, quy mô của nó không thấy ghi chép. Thành Đông đô Lạc Dương 洛阳 (nay là Lạc Dương 洛阳) theo truyền thuyết là 9 dặm vuông (1620 trượng), diện tích là 81 dặm vuông, ước khoảng 21.7% thành Bắc Bình 北平 hiện tại (diện tích thành Bắc Bình là 194 dặm vuông theo cách đo hiện nay, thời Chu 1 dặm tương đương 0.7215 dặm hiện nay, 1 dặm vuông tương đương 0.52056 dặm vuông hiện nay). Ngoại quách của thành theo truyền thuyết là 27 dặm vuông (4860 trượng). Diện tích mà nó bao bọc gần gấp đôi thành Bắc Bình hiện tại. Đô thành của liệt quốc, tính luôn ngoại quách, thì 900 trượng vuông (5 dặm) là bình thường, diện tích ước khoảng 1/15 thành Bắc Bình hiện tại. Mãi đến thế kỉ thứ 3 trước công nguyên, thành 1000 trượng vuông vẫn là không nhỏ. Nhưng nước Ngô nổi lên cuối thời Xuân Thu, đô thành mà nó tạo ra đặc biệt lớn. Theo ghi chép của người đời sau, đại thành có hình dạng như vân tay, chu vi ước khoảng 34 dặm theo cách đo hiện nay, chu vi ngoại quách của nó khoảng 50 dặm theo cách đo hiện nay (chu vi thành Bắc Bình hiện nay khoảng 54 dặm). Thành của thủ ấp của khanh đại phu theo lệ nhỏ hơn quốc đô, có thành nhỏ khoảng từ 500 trượng xuống đến 100 trượng vuông, nó gần giống với “bảo trại” 堡寨. Cơ chỉ của những thành nhỏ này dường như đến đời Đường, Tống vẫn tồn tại. Phong Diễn 封演 người thời Đường ghi đương thời:

         Thang Âm huyện bắc hữu cổ thành, chu vi khả tam bách bộ, kì trung bình thực. Thử đông, Đốn Khâu, Lâm Hoàng chư huyện đa hữu cổ tiểu thành, chu nhất lí hoặc nhất nhị bách bộ, kì trung giai thực.

          汤阴县北有古城, 周围可三百步, 其中平实. 此东, 顿丘, 临黄诸县多有古小城, 周一里或一二百步, 其中皆实.

          (Phía bắc huyện Thang Âm có thành cổ, chu vi khoảng 300 bộ, bên trong bằng phẳng chắc chắn. Phía đông, các huyện Đốn Khâu, Lâm Hoàng đa số có nhiều thành cổ nhỏ, chu vi 1 dặm hoặc một hai trăm bộ, bên trong đều chắc chắn)

          Và Trần Sư Đạo 陈师道 thời Tống ghi rằng:

          Tề chi Long Sơn trấn hữu Bình Lục cố thành cao ngũ trượng, tứ phương ngũ lí, phụ thành hữu Tẩu Mã đài nhi cao bán chi, khoát ngũ chi nhất, thượng hạ như chi.

          齐之龙山镇有平陆故城高五丈, 四方五里, 附城有走马台而高半之, 阔五之一, 上下如之.

          (Trấn Long Sơn đất Tề có thành cổ Bình Lục cao 5 trượng, bốn phía 5 dặm, thành phụ có Tẩu Mã đài cao bằng một nửa, rộng 1/5, trên dưới như cổ thành)

          Những ghi chép của hai người này rất giống với di tích của người đời Chu.

          Nhân khẩu của vương thành và đô thành của liệt quốc không như nhau. Nhưng chúng ta biết phong ấp của đại phu thời Xuân Thu trên dưới 1000 hộ đã được xem là rất lớn. Đem so nhân khẩu của quốc đô bình thường nhiều hơn 10 lần cũng không quá 10.000 hộ. Từ câu chuyện nội xà và ngoại xà đấu nhau tại  Nam môn trung 南门中 của Trịnh đô vào năm 686 trước công nguyên (1), chúng ta có thể biết quốc đô đương thời quyết không phải là nơi trù mật đông đúc. Đô thành nước Vệ năm 660 trước công nguyên tương đối nhỏ sau khi bị người Địch công phá, di dân của nó chỉ có nam nữ 730 người, cộng thêm nhân khẩu của hai ấp Cung và Đằng , tổng cộng chỉ có 5000 người.

          Chúng ta thử xem sự phân bố trên bản đồ về đô thành liệt quốc rất dễ phát hiện chúng đều có một đặc điểm chung: chúng đều gần sông; theo sự hiểu biết hiện nay, thì dường như không ngoại lệ. Một bộ phận cố nhiên nhân vì để tiện lợi cho giao thông, một bộ phận cũng nhân vì thổ nhưỡng bên sông tương đối màu mỡ, lương thực cung cấp tương đối vững chắc. Tác dụng của thành ở chỗ bảo vệ, bảo vệ sinh mệnh của quý nhân cùng tài phú và thần chủ tổ tiên. Người cư trú chủ yếu ở quốc đô là vệ sĩ, “bách công” 百工 của gia tộc quốc quân và của mình; là khanh đại phu trong triều và vệ sĩ của họ. Triều đình của đại đa số quốc gia, giống như vương thất, quan lại chủ yếu bên trong có Tư mã 司马 nắm giữ quân chính, Tư khấu 司寇 nắm giữ tư pháp và cảnh sát, Tư đồ 司徒 nắm giữ phú thuế dao dịch và Tư không 司空 quản công vụ (như xây dựng tường thành, đường xá, tông miếu). ....

                                                                          (còn tiếp)

Chú của người dịch

1- Trong Tả truyện – Trang Công thập tứ niên 左传 - 庄公十四年 có chép:

          Sơ, nội xà dữ ngoại xà đấu vu Trịnh Nam môn trung, nội xà tử. Lục niên nhi Lệ Công nhập. Công văn chi, vấn vu Thân Nhu viết: “Do hữu yêu hồ?” Đối viết: “Nhân chi sở kị, kì khí diễm dĩ thủ chi, yêu do nhân hưng dã. Nhân vô hấn yên, yêu bất tự tác. Nhân khí thường tắc yêu hưng, cố hữu yêu”.

          , 内蛇与外蛇斗于郑南门中, 内蛇死. 六年而厉公入. 公闻之, 问于申繻曰: “犹有妖乎?” 对曰: “人之所忌, 其气焰以取之, 妖由因兴也. 人无衅焉, 妖不自作. 人气常则妖兴, 故有妖

          (Lúc trước, dưới Nam môn 南门của quốc đô, một con rắn bên trong và một con rắn bên ngoài đấu nhau. Con rắn bên trong bị cắn chết. Qua sáu năm sau Trịnh Lệ Công 郑厉公 về lại nước. Lỗ Trang Công 鲁庄公 nghe nói sự kiện đó, bèn hỏi Thân Nhu 申繻 rằng: “Lệ Công về nước lẽ nào có liên quan tới yêu xà?” Thân Nhu đáp rằng: “Những điều kị của con người , là do khí của họ quá gắt gây ra. Yêu nghiệt là do con người nên mới nổi dậy. Người mà không có gây hấn thì yêu nghiệt không thể tự nổi dậy. Người mà không giữ đạo thường, thì yêu nghiệt nổi dậy, cho nên mới có yêu nghiệt”.)

http://blog.sina.com.cn/s/blog_40df931a0101j9ov.html

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                Quy Nhơn 17/01/2021

Nguyên tác

ĐÔ ẤP DỮ THƯƠNG NGHIỆP

都邑与商业

Trong quyển

 TRUNG QUỐC SỬ CƯƠNG

中国史纲

Tác giả: Trương Ấm Lân 张荫麟

Bắc Kinh: Hoá học công nghiệp xuất bản xã, 2017

Previous Post Next Post