Dịch thuật: Tập tục ném đũa trong hôn lễ

 

TẬP TỤC NÉM ĐŨA TRONG HÔN LỄ 

          Ở huyện Can tỉnh Thiểm Tây 陕西 Trung Quốc, khi cô dâu xuất giá rời khỏi nhà cha mẹ của mình, phải vừa khóc vừa ném đôi đũa xuống đất rồi mới theo đội ngũ nghinh thân lên đường. Sau khi đến nhà cha mẹ chồng, cô dâu cũng cần phải nhặt đôi đũa đã đặt sẵn dưới đất lên. Tập tục vừa ném đũa vừa nhặt đũa này có ba tầng ý nghĩa:

1- Biểu thị cô dâu từ nhà cha mẹ của mình ra đi, từ nay sẽ không ăn cơm ở đó nữa.

2- Biểu thị cô dâu từ đây được gả cho nhà cha mẹ chồng, nhà cha mẹ chồng sẽ thêm một đôi đũa mới.

3- Biểu thị từ đây về sau, cô dâu sẽ gánh lấy trách nhiệm nấu nướng tại nhà cha mẹ chồng.

Trong hôn lễ vùng Dương Châu 扬州, cũng có tập tục ném đũa, gọi là “kì lân tống tử” 麒麟送子, bởi vì chữ “khoái” là đũa  và chữ “khoái” là mau đồng âm, cho nên hôn lễ cử hành xong, sau khi đưa cô dâu vào động phòng, tân khách sẽ lấy một đôi đũa màu đỏ, chọc thủng giấy ở cửa sổ phòng cô dâu, đem đôi đũa ném vào bên trong, chúc phúc cô dâu chú rể “khoái khoái sinh hạ quý tử” 快快生下贵子 (mau mau sinh quý tử). Sau đó cầm đôi đũa và cái bát bước vào trong phòng hát to “khoái tử khoái tử, khoái khoái sinh tử” 筷子筷子, 快快生子. Náo động phòng xong, đem đôi đũa giao cho chú rể, đem cái bát giao cho cô dâu, ngụ ý hai người sớm vui vầy hợp hoan.

 

                                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                                       Quy Nhơn 30/12/2020

 

Nguồn

http://blog.sina.com.cn/s/blog_703dd38b0102wyln.html

 

Previous Post Next Post