Dịch thuật: "Nhụ tử ngưu" trong câu "Phủ thủ cam vi nhụ tử ngưu" xuất xứ từ đâu

 

“NHỤ TỬ NGƯU” TRONG CÂU “PHỦ THỦ CAM VI NHỤ TỬ NGƯU”

XUẤT XỨ TỪ ĐÂU

Hoành mi lãnh đối thiên phu chỉ (1)

Phủ thủ cam vi nhụ tử ngưu

横眉冷对千夫指

俯首甘为孺子牛

(Trợn mắt coi khinh ngàn kẻ địch

Cúi đầu, con trẻ cưỡi làm trâu)

          Đây là hai câu trong bài Tự trào 自嘲 của Lỗ Tấn, biểu đạt khí tiết cao thượng của Lỗ Tấn đối với tình cảm quan tâm yêu thương thanh niên. “Nhụ tử ngưu” 孺子牛hoàn toàn không phải do Lỗ Tấn tự nghĩ ra, trong lịch sử quả thực có điển cố này.

          Trong Tả truyện – Ai Công lục niên 左传 - 哀公六年 có chép một câu chuyện như sau:

          Có một lần Tề Cảnh Công 齐景公 và người con thứ là Đồ vui chơi với nhau. Tề Cảnh Công miệng ngậm sợi dây để cho Đồ dắt đi. Không ngờ, đứa bé té ngã, làm gãy răng của Tề Cảnh Công. Tề Cảnh Công trước khi mất để lại di mệnh lập Đồ làm quốc quân. Sau khi Cảnh Công qua đời, Trần Hi Tử 陈僖子 muốn lập công tử Dương Sinh 阳生. Đại thần của Tề Cảnh Công là Bảo Mục 鲍牧 nói với Trần Hi Tử rằng:

          - Ông quên việc quốc quân làm “nhụ tử ngưu” bị gãy răng sao? mà lại làm trái ý quốc quân!

          Thế là đời sau mượn dùng “nhụ tử ngưu” 孺子牛 để biểu thị cha mẹ yêu con quá mức.

          Chúng ta biết, Lỗ Tấn là một người tinh thông cổ văn. Bài thơ này càng biểu đạt sự quan tâm yêu thương đối với thanh niên. Còn như sự diễn biến về nghĩa của từ trở thành toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, có thể là sự phát huy của đời sau, như “cách mạng đích lão hoàng ngưu” 革命的老黄牛. Nhưng, sự khẳng định hai câu này của Lỗ Tấn cũng hàm nghĩa “cúc cung tận tuỵ, đến chết mới thôi”, như ông từng nói qua:

Ngã ngật đích thị thảo, tễ xuất lai đích thị nãi.

我吃的是草, 挤出来的是奶

(Thứ tôi ăn là cỏ, mà vắt ra lại là sữa) 

Chú của người dịch

1- Thiên phu chỉ 千夫指: nguyên chỉ những lời chửi mắng của nhiều người, gốc từ Hán thư – Vương Gia truyện 汉书 - 王嘉传:

Thiên nhân sở chỉ, vô bệnh nhi tử

千人所指, 无病而死

(Nhiều người chửi mắng, không có  bệnh mà chết)

          Ở đây Lỗ Tấn mượn ý này để chỉ những lời chửi mắng của kẻ địch.

Nhụ tử ngưu 孺子牛: mượn điển Tề Cảnh Công thời Xuân Thu, ở đây ví là trâu của đại chúng nhân dân.

          Như vậy hàm nghĩa của hai câu đó là:

Đối với quân địch quyết không chịu khuất phục

Đối với nhân dân nguyện cam tâm phục vụ

          http://www.exam58.com/gkscmj/1640.html

                                                               Huỳnh Chương Hưng

                                                              Quy Nhơn 17/12/2020 

Nguyên tác Trung văn

Trong quyển

THÚ VỊ VĂN HOÁ TRI THỨC ĐẠI TOÀN

趣味文化知识大全

Thanh Thạch 青石 biên soạn

Trung Quốc Hoa kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post