Dịch thuật: Trời đông vừa rạng ngàn dâu (2033) ("Truyện Kiều")

 

TRỜI ĐÔNG VỪA RẠNG NGÀN DÂU (2033)

          Ngàn dâu: Ở đây chỉ ánh mặt trời buổi sớm. Trong các điển tịch xưa, 扶桑 (phù tang) cũng được viết là榑桑 là tên cây trong thần thoại. Theo truyền thuyết, mặt trời mọc ra từ dưới cây phù tang, rồi dần đi lên nên “phù tang” được dùng để chỉ nơi mặt trời mọc, cũng có lúc “phù tang” chỉ thay cho mặt trời. Ở tác phẩm Luận hành 论衡của Vương Sung 王充 thời Đông Hán có câu:

Phù tang, thần mộc, nhật sở xuất dã.

榑桑, 神木, 日所出也

(Phù tang là thần mộc, nơi mặt trời mọc ra)

Nhật sơ xuất đông phương Thang Cốc, sở đăng phù tang

日初出东方汤谷, 所登榑桑

(Mặt trời mới đầu mọc ra ở Thang Cốc phương đông, sau lên ở cây phù tang)

          Chữ đồng âm, cho nên  榑桑 (phù tang) cũng chính là 扶桑.

          Trong Sơn hải kinh – Hải ngoại đông kinh 山海经 - 海外东经 có câu:

          Hạ hữu Thang Cốc. Thang Cốc thượng hữu phù tang, thập nhật sở dục, tại Hắc Xỉ bắc.

          下有汤谷. 汤谷上有扶桑, 十日所浴, 在黑齿北

          (Phía dưới có Thang Cốc. Trên Thang Cốc có cây phù tang, nơi mười mặt trời tắm ở đó, chính là phía bắc nước Hắc Xỉ)

          Và Lục Cơ 陆机 thời Tây Tấn trong bài Nhật xuất đông nam ngung 日出东南隅 viết rằng:

Phù tang thăng triêu huy

Chiếu thử cao đài đoan

扶桑升朝晖

照此高台端

(Nơi cây phù tang, ánh mặt trời buổi sớm đã lên

Chiếu đến nơi đài cao này)

https://ijs.ifeng.com/5757762/news.shtml

Trời đông vừa rạng ngàn dâu

Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà?

(“Truyện Kiều” 2033 – 2034)

Ngàn dâu: Ngàn đây là bờ, bãi do chữ Hán là ngạn, bãi dâu. Td. Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh, 1522; Trời đông vừa rạng ngàn dâu, 2033.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Hoài nam tử: Nhật xuất ư Dương Cốc, phật ư phù tang.

          淮南子: 日出於暘谷拂於扶桑

          (Sách Hoài nam tử: Mặt trời mọc ở trên Dương cốc, bóng lặn ở ngàn dâu)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Trong Hán văn, chữ “tang” có nghĩa là cây dâu.  Theo ý riêng, từ “phù tang” 扶桑 chỉ nơi mặt trời mọc có chữ “tang” là cây dâu, có lẽ Nguyễn Du liên tưởng đến nên viết là “ngàn dâu”. Nhưng “ngàn dâu” ở câu 1522 và câu 2033 khác nhau, “ngàn dâu” ở câu 1522 không liên quan gì đến phương đông hoặc mặt trời, còn “ngàn dâu” ở câu 2033 chỉ ánh sáng mặt trời. Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 1522 là:

Trông người đã khuất mấy ngàn CÂY xanh

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 14/11/2020

Previous Post Next Post