Dịch thuật: Có người đàn việt lên chơi cửa già (2064) ("Truyện Kiều")

 

CÓ NGƯỜI ĐÀN VIỆT LÊN CHƠI CỬA GIÀ (2064)

          Đàn việt: từ nhà Phật.

          Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn:

Đàn na 檀那 – Dâna (scr) dịch nghĩa: Thí, Bố thí, cúng dường.

          Đàn thí 檀施 – Dâna (scr): Đàn là tiếng Phạn, Thí là tiếng Hán việt, hai tiếng đều một nghĩa. Ấy là việc bố thí, lòng lành cung cấp cho người thiếu thốn.

          Đàn tín 檀信: Người thí chủ tín ngưỡng, người đàn việt tín thí.

          Đàn việt 檀越 – Dânapati (scr): Đàn việt là tiếng âm theo Phạn, dịch nghĩa: Thí chủ. Ấy là những vị chủ nhơn có hằng tâm hằng sản, thường hay cúng dường cho chư Tăng, cung phụng cho nhà chùa.

          (Tập 1, nxb Tp/ Hồ chí Minh, 1992)

          Theo tư liệu mạng, “đàn việt” 檀越 cũng xưng là “đàn việt chủ” 檀越主, “đán na chủ” 旦那主, “đàn na chủ” 檀那主 ý nghĩa là thí chủ, tức những thiện tín bố thí y thực cho tự viện, tăng lữ, hoặc quyên hiến hương hoả tiền của để tổ chức tế điển hoặc pháp hội.

          Khi từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc, nguyên chỉ có một chữ “đàn”, có nghĩa là thí chủ, “việt” là sau khi Phật pháp truyền vào Trung Quốc, để thuận tiện cho người Trung Quốc lí giải văn nghĩa đã thêm vào.

Theohttp://www.4qx.net/FoXue_ChaXun.php?foxue_key=%E6%AA%80%E8%B6%8A, “đàn việt” 檀越 là nói thí chủ. “Việt” có nghĩa là công đức bố thí, bản thân vượt biển bần cùng. Trong Kí quy truyện 寄归传 nói rằng: Tiếng Phạn “đà na bát để” 陀那钵底  dịch là thí chủ. “Đà na” 陀那 là thí, “bát để” 钵底 là chủ. Nói “đàn việt” không phải là chính dịch. Lược bỏ chữ “na” , lấy âm chữ “đà” chuyển gọi là “đàn” , thêm vào chữ “việt” . Ý là từ việc thực hành bố thí tự vượt qua bần cùng. Giải thích tuy hay nhưng không khớp với chính bản.

          Cửa già: “Già” tức “già lam” 伽藍, tức chùa Phật,  mà “già lam” là từ nói tắt từ “tăng già lam” 僧伽藍 cũng nói là “tăng già lam ma” 僧伽藍摩.

          Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn: Tăng già lam, cũng kêu: Tăng già lam ma, kêu tắt: Già lam, Tàu dịch Chúng viên. Cảnh vườn, rừng nơi ấy các vị sư hiệp hội và ăn ở mà tu học. Ngày nay Tăng già lam hay già lam dùng để gọi ngôi chùa Phật.

(Tập 3, nxb Tp/ Hồ chí Minh, 1992)

Gió quang mây tạnh thảnh thơi

Có người đàn việt lên chơi cửa già

(“Truyện Kiều” 2063 – 2064)

Đàn việt: Người có công đức với nhà chùa, nói rộng ra, người hay đi lễ chùa.

Cửa già: Chữ Phạn già – lam chỉ cái chùa, cửa già cũng như cửa chùa.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

Đàn việt:

          Phật gia thiết đàn trường bố thí, độ việt bần cùng.

          佛家設壇場布施渡越貧窮

          (Nhà Phật đặt đàn chay bố thí, để cứu vớt kẻ bần cùng)

Già lam:

          Già lam thiền môn dã Lý trác Ngô vi Diêu châu Thú mỗi nhập Già lam phán sự.

          伽藍禪門也李卓君 (*) 為姚州守每入伽藍判事

          (Già lam là cửa nhà chùa. Ông Lý trác Ngô làm quan Phủ châu Diêu, thường vào cửa Già lam xử đoán)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

(*)- Phần chữ Hán, chữ “ngô” in nhầm chữ “quân” .

Xét: Bản “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 2063 là:

Gió quang mây TĨNH, thảnh thơi

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 17/11/2020

Previous Post Next Post