Dịch thuật: Đào Hoằng Cảnh vì sao có hiệu là "Sơn Trung Tể Tướng"

 

ĐÀO HOẰNG CẢNH VÌ SAO CÓ HIỆU LÀ

“SƠN TRUNG TỂ TƯỚNG” 

          Đào Hoằng Cảnh 陶弘景 (456 – 536) tự Thông Minh 通明, người Mạt Lăng 秣陵 Đan Dương 丹阳 (nay là Nam Kinh 南京 Giang Tô 江苏). Từ nhỏ đã ham học. Lên 10 tuổi được Thần tiên truyện 神仙传 của Cát Hồng 葛洪, ngày đêm đọc, có chí dưỡng sinh. Tề Cao Đế Tiêu Đạo Thành 齐高帝萧道成 lên ngôi (năm 490), được phong Dự Chương Vương Thị độc 豫章王侍读. Niên hiệu Vĩnh Minh 永明đời Tề Vũ Đế 齐武帝 (năm 483), bái làm Nghi Đô Vương Thị độc 宜都王侍读. Trong thời gian này, ông bái Hưng Thế Quán chủ 兴世馆主 là Tôn Du Nhạc 孙游岳 làm thầy, theo học Thượng thanh kinh pháp, phù đồ. Năm Vĩnh Minh thứ 8 (năm 490), được ban Phụng triều thỉnh 奉朝请 (1). Năm thứ 10, ông dâng biểu từ quan, lui về ở ẩn tại Câu Khúc sơn 句曲山 (Mâu sơn 茅山) huyện Câu Dung 句容 tỉnh Giang Tô 江苏, tự hiệu là Hoa Dương Ẩn Cư 华阳隐居, đương thời ông mới 37 tuổi. Về sau Tề Minh Đế 齐明帝 lên ngôi (năm 491), đã sai sứ đón Đào Hoằng Cảnh về ở Tưởng sơn 蒋山, nhưng ông từ chối không đi. Sau khi Lương Vũ Đế Tiêu Diễn梁武帝 萧衍 thay triều Tề tự lập, Đào Hoằng Cảnh cũng thời lai vận chuyển, Tiêu Diễn nhiều lần phái người mời Đào Hoằng Cảnh xuống núi, thái tử và các vương công hiển quý hơn trăm người cũng tranh nhau làm đệ tử của ông. Danh tiếng của Đào Hoằng Cảnh ngày càng cao. Tiêu Diễn không chỉ nhiều lần gia tặng ban thưởng, mà còn kiến lập cho ông Châu Dương Quán 朱阳馆 và Thái Thanh Huyền Đàn 太清玄坛  ở Lôi sơn 雷山, “quốc gia mỗi khi có đại sự cát hung chinh thảo, không lần nào là không đến hỏi ý kiến. Trong một tháng thường có mấy lần đưa tin, người đương thời gọi ông là Sơn Trung Tể Tướng 山中宰相.” Như vậy, Đào Hoằng Cảnh tại Mâu sơn 茅山 luyện đan, tu đạo, tổng cộng 45 năm, mất vào năm thứ 2 niên hiệu Đại Đồng 大同 đời Lương Vũ Đế 梁武帝 (năm 536). Vũ Đế xuống chiếu ban tặng là Trung Tán Đại Phu 中散大夫, thuỵ là Trinh Bạch Tiên Sinh 贞白先生.

Chú của người dịch

1- Phụng triều thỉnh 奉朝请: sự đãi ngộ ưu ái dành cho nhàn tản đại quan. Những ai được ban “Phụng triều thỉnh” tức có tư cách tham gia triều hội.

          Thời cổ, chư hầu mùa xuân triều kiến thiên tử gọi là “triều” , mùa thu triều kiến thiên tử gọi là “thỉnh” . Nhân đó xưng định kì tham gia triều hội gọi là “Phụng triều thỉnh” 奉朝请. Đời Hán, đại thần đã từ chức, tướng quân và hoàng thất, ngoại thích đa phần lấy danh nghĩa “Phụng triều thỉnh” tham gia triều hội. Đời Tấn, Phụng xa, phò mã, Kị tam đô uý là Phụng triều thỉnh, thời Nam Bắc Triều thiết lập cho nhàn tản quan viên. Đầu đời Tuỳ bỏ, lập Triều thỉnh đại phu 朝请大夫, Triều thỉnh lang 朝请郎, là văn tản quan.

http://m.qihaoming.com.cn/cd/ci_124011ac.html

                                                                Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 29/11/2020

Nguồn 

ĐẠO GIÁO THƯỜNG THỨC ĐÁP VẤN

道教常识答问

Tác giả: Khanh Hi Thái 卿希泰

                   Vương Chí Trung 王志忠

                   Đường Đại Triều 唐大潮

Giang Tô cổ tịch xuất bản xã, 1996

Previous Post Next Post