Dịch thuật: Tần Thuỷ Hoàng sáng lập chế độ (kì 4 - hết)

 

TẦN THUỶ HOÀNG SÁNG LẬP CHẾ ĐỘ

(kì 4- hết)

          Năm 213 trước công nguyên, để mừng thắng lợi đánh bại Hung Nô, Tần Thuỷ Hoàng tổ chức đại yến tiệc chiêu đãi quần thần. Trong buổi tiệc, các đại thần nâng li, nhiều lần hướng đến Tần Thuỷ Hoàng bày tỏ chúc mừng. Rượu qua được 3 tuần, Bộc dạ 仆射 (1) trẻ tuổi (cố vấn của hoàng đế, trưởng quan của bác sĩ) Chu Thanh Thần 周青臣, đầu tiên ca ngợi Tần Thuỷ Hoàng rằng:

          - Trước đây, nước Tần chúng ta mới chỉ hơn ngàn dặm, nhưng nhờ vào bệ hạ thánh hiền anh minh, mới thống nhất hải nội. Sau đó, bệ hạ lại phế bỏ phân phong, thực hành chế độ quận huyện, tiêu trừ chiến loạn, khiến kiềm thủ được an lạc. Từ xưa tới giờ, chưa có người nào có uy đức như bệ hạ.

          Tần Thuỷ Hoàng nghe qua vô cùng vui  thích, một mặt gật đầu cười, một mặt khen Chu Thanh Thần là trung thần của triều đình. Nhưng, Bác sĩ Thuần Vu Việt 淳于越 - người chủ trương tiếp thục thực hành chế độ phân phong nghe mấy lời của Chu Thanh Thần cảm thấy chói tai, nhịn không được bèn đứng dậy nói rằng:

          - Tâu bệ hạ, vương vị của hai đời Thương Chu truyền hơn 1000 năm, theo thần thấy, là do bởi thực hành phân phong, có được kết quả các chư hầu phụ tá. Nay, bệ hạ có đất đai hải nội, mà con em không có được tấc đất phong địa, lỡ thần thuộc nổi dậy soán đoạt hoàng vị, thì ai sẽ cứu? Trị lí quốc gia không học theo cổ đại mà có thể thành công thì không thể. Chu Thanh Thần trước mặt ton hót bệ hạ, mục đích là để tăng thêm lỗi lầm cho bệ hạ. Đó chẳng phải việc của trung thần nên làm.

          Tần Thuỷ Hoàng nghe mấy lời của Thuần Vu Việt, cảm thấy chẳng hay, nụ cười trên mặt phút chốc biến mất. Lúc bấy giờ, Lí Tư đã được thăng làm Thừa tướng đứng lên kích động nói rằng:

          - Thời nay và thời xưa khác nhau, chế độ thực hành cũng không thể như nhau. Nay bệ hạ khai sáng đại nghiệp, kiến lập công nghiệp vạn thế, sao có thể lại bắt chước cách làm của trước đây? Huống nay thiên hạ thái bình, pháp lệnh thống nhất, theo lí kiềm thủ phải kinh thương, làm ruộng, nho sinh (người đọc sách) cũng phải học tập và tuân thủ chế độ pháp lệnh. Nhưng, có một số nho sinh không học theo đời nay mà chỉ chuyên học theo đời trước, rêu rao hoặc chúng khắp nơi, công kích chế độ thực hành. Tình hình đó cần phải cấm chỉ. Nếu không, bọn chúng sẽ kết bè kết đảng, tạo thành đại hoạ cho quốc gia!

          Nghe qua mấy lời của Lí Tư, Tần Thuỷ Hoàng lại hứng khởi trở lại, uống liên tiếp ba chén rượu. Sau khi tiệc tan, Lí Tư cảm thấy lời của mình chưa nói hết, đêm đó viết một bản tấu chương đề xuất mấy kiến nghị làm thế nào để ngăn cấm nho sinh không học theo nay mà chỉ biết học theo xưa: trừ những thư tịch liên quan đến lịch sử triều Tần, y dược, bói toán, trồng cây... các loại thư tịch khác liên quan đến lịch sử, thi thư, chư tử bách gia, nhất luật đưa đến phủ quan thiêu huỷ. Từ nay về sau, phàm là mấy người tụ tập cùng bàn luận thi thư, sẽ xử tử hình; phàm là dùng sách cổ để phản đối chính sự đương thời, toàn tộc sẽ bị xử tử hình; biết sự tình mà không cáo phát sẽ cùng tội. Lệnh ban xuồng nội 30 ngày mà vẫn chưa đem sách giao nộp để thiêu huỷ thì sẽ xử “kình hình” 黥刑 (thích chữ lên mặt), đồng thời phạt đi đến trường thành làm khổ sai 4 năm.

          Tần Thuỷ Hoàng tiếp nhận kiến nghị của Lí Tư, lập tức ban chiếu thư. Đó chính là sự kiện “phần thư” 焚书 (đốt sách) nổi tiếng trong lịch sử. Sau sự kiện phần thư, nhiều nho sinh bày tỏ sự bất mãn đối với cách làm thô bạo này của Tần Thuỷ Hoàng, luôn chỉ trích và công kích Tần Thuỷ Hoàng, điều đó dẫn đến sự kiện “khanh nho” 坑儒 (chôn sống nho sinh).

          Đương thời, Tần Thuỷ Hoàng đang tìm thuốc gọi là trường sinh bất lão, kết quả tốn rất nhiều tiền tài mà vẫn không có. Về sau, Tần Thuỷ Hoàng lại tin lời hoang đường của hai người là Hầu sinh 侯生 và Lư sinh 卢生chuyên làm những việc mê tín, bảo họ lại đi tìm tiên dược trường sinh bất lão. Hai người này tự biết không thể nào tìm được tiên dược, sau khi nói những lời để Tần Thuỷ Hoàng nghe thông đã bỏ trốn mất.

          Tần Thuỷ Hoàng bị gạt cả giận, hạ lệnh truy tìm hai người. Trong quá trình truy tìm, phát hiện tại Hàm Dương nhiều nho sinh công kích sau lưng, thế là Tần Thuỷ Hoàng hạ lệnh bắt hết những nho sinh này, trải qua nghiêm hình tra khảo, các nho sinh bị bức nhận tội, đồng thời họ cáo phát lẫn nhau. Tần Thuỷ Hoàng vẫn chưa hoàn toàn làm rõ chân tướng, bèn hạ lệnh đem 460 nho sinh bị bắt chôn sống toàn bộ, từ đó mà diễn ra bi kịch “khanh nho).

          Phần thư khanh nho là biện pháp cực đoan mà Tần Thuỷ Hoàng áp dụng vào văn hoá. Mục đích của ông tuy là để ngăn chận tư tưởng phục cổ, tăng cường tập quyền trung ương thống nhất quốc gia, nhưng dùng thủ đoạn thiêu, giết này, rốt cuộc đã có tác dụng tàn hại văn hoá. Nhiều thư tịch trân quý trước đời Tần, cuối cùng vì đó mà thất truyền.    (hết)

Chú của người dịch

- Chữ âm DẠ bính âm

          Khang Hi tự điển康熙字典 ghi rằng:

          Hựu “Quảng vận” DƯƠNG TẠ thiết. “Tập vận” “Vận hội” “Chính vận” DI TẠ thiết, tịnh âm DẠ. Bộc dạ, Tần quan danh.

          廣韻羊謝切. “集韻” “韻會” “正韻夤謝切, 並音夜. 僕夜, 秦官名.

          (Và “Quảng vận” phiên thiết là DƯƠNG TẠ. “Tập vận” “Vận hội” “Chính vận” phiên thiết là DI TẠ, đều có âm DẠ. “Bộc dạ” là tên chức quan đời Tần.)

          Trong Hán quan nghi 漢官儀chú rằng:

Bộc, chủ dã. Cổ giả trọng võ sự, mỗi quan tất hữu chủ dạ đốc khoá chi, cố danh.

          , 主也. 古者重武事, 每官必有主射督課之, 故名.

          (Bộc là chủ. Thời cổ trọng bên võ, mỗi chức quan đều có chủ dạ để giám sát đôn đốc, cho nên có tên như thế.)

          Sư Cổ 師古 nói rằng:

          bổn như tự độc, kim âm dạ, cái quan trung ngữ chuyển vi thử âm dã.

          射本如字讀, 今音, 蓋關中語轉為此音也.

          ( vốn đọc theo chữ của nó, nay có âm là “dạ”, ấy là do vùng quan trung âm chuyển đổi đọc như thế.)

          Chu Tử 朱子 nói rằng:

“Lễ”: Bộc nhân sư phù tả, Dạ nhân sư phù hữu.

, 僕人師扶左, 射人師扶右.

(Trong “Lễ kí” có nói: Bộc nhân sư dìu bên phải, Dạ nhân sư dìu bên trái.)

Trong Chu quan 周官có ghi:

Thái bộc chi chức

大僕之職

(Chức quan Thái bộc)

Tên gọi Bộc dạ khởi nguồn từ đây.

          Hán Hiến Đế 漢獻帝 bắt đầu phân ra đặt Tả, Hữu bộc dạ 左右僕射. Thời Đường đổi gọi là Tả Hữu khuông chính 左右匡政, sau lại đổi gọi Tả hữu tướng 左右相. 

(“Khang Hi tự điển”, Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, 2003, trang 233)

                                                            Huỳnh Chương Hưng

                                                             Quy Nhơn 03/102020

Nguyên tác Trung văn

TẦN THUỶ HOÀNG SÁNG CHẾ

秦始皇创制

Trong quyển

VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN

Biên soạn: Vũ Nhân 羽人

Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã (không rõ năm xuất bản)

Previous Post Next Post