Dịch thuật: Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san (1520) ("Truyện Kiều")

 

RỪNG PHONG THU ĐÃ NHUỐM MÀU QUAN SAN (1520)

Quan san 關山 / 关山: cũng đọc là “quan sơn” chỉ quan ải và núi. Từ “quan san” thường dùng để ví đường xa hoặc lộ trình gian nan hiểm trở. Trong Đằng Vương các tự 滕王阁序 của Vương Bột 王勃 thời Đường có câu:

          Quan san nan việt, thuỳ bi thất lộ chi nhân? Bình thuỷ tương phùng, tận thị tha hương chi khách.

          关山难越, 谁悲失路之人? 萍水相逢, 尽是他乡之客

          (Ải lớn, núi cao khó mà qua được, ai thương cho kẻ lỡ đường? Bèo nước gặp nhau, hết thảy đều là khách tha hương)

Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

(“Truyện Kiều” 1519 – 1520)

Gác kinh viện sách đôi nơi

Trong gang tấc lại gấp mười quan san

(“Truyện Kiều” 1937 – 1938)

Vâng ra ngoài nhậm Lâm Tri

Quan sơn nghìn dặm, thê nhi một đoàn

(“Truyện Kiều” 2873 – 2874)

Quan san (sơn): Cửa ải và núi non, chỉ đường xa khi phải chia tay.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Xét: Theo ý riêng, “màu quan san” ở câu 1520 ý nói là màu chia li xa cách. Còn “quan san” ở câu 1938 và 1874 chỉ sự xa xôi cách trở.

Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 1519 là:

Người lên ngựa kẻ chia BÂU

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng

                                                                  Quy Nhơn 19/10/2020

 

Previous Post Next Post