PHỤC SỨC QUAN VIÊN TRIỀU THANH
(kì 1)
Phục sức quan viên triều Thanh là trang phục quan phương thích hợp với chức vị của quan viên trong chính phủ triều Thanh, danh xưng chính thức là “bổ phục” 補服. Trang phục phân làm mạo 帽 (mũ), ngoại y 外衣 (áo ngoài), triều châu 朝珠 (chuỗi hạt), triều ngoa 朝靴 (ủng). Chính phủ triều Thanh đối với trang phục làm việc của quan viên có những quy định rất rõ ràng, phẩm cấp khác nhau sẽ có trang phục khác nhau, không thể tự tiện thay đổi.
Mạo tử 帽子 (mũ)
Triều Thanh đã thay đổi “triều quan” 朝冠 của các triều đại trước thành “lễ mạo” 禮帽. Lễ mạo còn được gọi là “đính tử” 頂子 hoặc
“đính đới” 頂戴, “đính đới hoa linh” 頂戴花翎. Lễ mạo phân làm hai loại: loại “lương mạo” 涼帽
mát đội vào mùa hè, loại “noãn mạo” 暖帽 ấm đội vào mùa đông. Hằng năm vào tháng 3 bắt đầu đội
lương mạo, đến tháng 8 đổi đội noãn mạo. Lương mạo có hình dáng như chiếc nón,
không vành, đa phần dùng dây đằng, trúc làm thành, bên ngoài bọc lụa, phần nhiều
là màu trắng, màu xanh trong, màu vàng, bên trên gắn “đính châu” 頂珠 màu đỏ (hạt châu). Noãn mạo hình tròn, có vành, đa phần
dùng da thú, đoạn, vải bố làm thành, phần nhiều có màu đen, chóp của mạo tử có
gắn “đính châu” 頂珠 (hạt
châu). Sự khác nhau về chất liệu và màu sắc của đính châu đại biểu cho sự khác
nhau về phẩm cấp của quan viên. Triều Thanh quy định:
Nhất phẩm là hồng bảo thạch 紅寶石.
Nhị phẩm là san hô 珊瑚.
Tam phẩm là lam bảo thạch 藍寶石.
Tứ phẩm dùng thanh kim thạch 青金石.
Ngũ phẩm dùng thuỷ tinh 水晶
Lục phẩm dùng xa cừ 硨磲.
Thất phẩm là tố kim 素金.
Bát phẩm dùng âm văn lũ hoa kim hoa 陰紋鏤花金.
Cửu phẩm là dương văn lũ hoa kim 陽紋鏤花金.
Không có đính châu là không có quan phẩm.
Năm Ung Chính 雍正thứ 8 (năm 1730), định lại chế độ quan đính của quan
viên, lấy pha lê có màu sắc tương đồng thay cho bảo thạch, Dưới đính châu có một
chiếc “linh quản” 翎管dài khoảng 2 thốn, đa phần dùng ngọc, thuý, pháp lang
hoặc miếng sứ có hoa văn chế thành, gắn vào để giữ chặt linh vũ 翎羽. Linh vũ lại phân ra hai loại là “hoa linh” 花翎 và
“lam linh” 藍翎. Hoa linh là loại lông chim khổng tước 孔雀 chế
thành, có “mục vựng” 目暈, mục vựng còn được
gọi là “nhãn” 眼, ở phần cuối cùng của lông cánh, lại có “đơn nhãn”,
“song nhãn”, “tam nhãn”. Linh nhãn càng nhiều chứng tỏ công tích càng cao. Lam
linh là loại lông chim hạt 鶡 chế thành, sắc lam, lông dài nhưng không có nhãn, đẳng
cấp thấp hơn so với hoa linh.
Trong Đại Thanh hội điển 大清會典 năm Thuận Trị 順治 thứ 18 (năm 1661) đã quy định đối với hoa linh, tức Thân vương, Quận vương, Bối lặc cùng tông thất nhất luật không được đeo hoa linh, từ Bối tử trở xuống có thể đeo. Về sau quy định: Bối tử và Cố luân ngạch phụ 固倫額駙 (tức chồng của Cố luân công chúa) đeo hoa linh tam nhãn; Trấn quốc công, Phụ quốc công, Hoà thạch ngạch phụ 和碩額駙 (tức chồng của Hoà thạc công chúa) đeo hoa linh song nhãn; nội đại thần, thị vệ nhất, nhị, tam, tứ đẳng, thống lĩnh, tham lĩnh Tiền phong doanh và Hộ quân doanh (phải xuất thân từ 3 kì mãn Châu là Chánh hoàng kì, Tương hoàng kì, Chánh bạch kì) đều đeo hoa linh đơn nhãn. Lam linh nhìn chung ban cho quan viên từ lục phẩm trở xuống, quan viên thị vệ đương sai tại hoàng cung và vương phủ được đeo, cũng có thể ban thưởng quân quan cấp thấp mà lập được quân công. Hoàng đế ban thưởng hoa linh cho thần hạ đều xem xét kĩ lưỡng. Từ thời Càn Long 乾隆 đến cuối đời Thanh các đại thần được ban hoa linh tam nhãn có 7 người là: Phó Hằng 傅恆, Phúc Khang An 福康安, Hoà Lâm 和琳, Trường Linh 長齡, Hi Ân 禧恩, Lí Hồng Chương 李紅章, Từ Đồng 徐桐. Được ban hoa linh song nhãn khoảng hơn 20 người. ... (còn tiếp)
Phụ lục
Lương mạo (nguồn: Internet)
Huỳnh
Chương Hưng
Quy Nhơn 10/10/2020
Nguồn
https://baike.baidu.com/item/%E6%B8%85%E6%9C%9D%E5%AE%98%E5%91%98%E6%9C%8D%E9%A5%B0/6172476