Dịch thuật: Mà trong nham hiểm giết người không dao (1816) ("Truyện Kiều")

 

MÀ TRONG NHAM HIỂM GIẾT NGƯỜI KHÔNG DAO (1816)

          Trong Cựu Đường thư – Lí Nghĩa Phủ truyện 旧唐书 - 李义府传 có chép:

          Lí Nghĩa Phủ mạo trạng ôn cung, dữ nhân ngữ tất hi di vi tiếu, nhi biển kị âm tặc. Kí xứ yếu quyền, dục nhân phụ kỉ, vi ngỗ ý giả, triếp gia khuynh hãm. Cố thời nhân ngôn Nghĩa Phủ “tiếu trung hữu đao”.

          李义府貌状温恭, 与人语必嬉怡微笑, 而褊忌阴贼, 既处要权, 欲人附己, 微忤意者, 辄加倾陷. 故时人言义府笑中有刀

          (Lí Nghĩa Phủ dáng vẻ ôn hoà cung kính, nói chuyện với người khác thường vui cười, nhưng tâm địa hẹp hòi đố kị, gian hiểm  mưu mô. Lại có quyền thế, muốn người khác theo mình, người nào có ý ngang bướng liền hãm hại. Cho nên người đương thời gọi Nghĩa Phủ là “tiếu trung hữu đao” (trong nụ cười có con dao) 

          (“Thành ngữ đại từ điển” Thương vụ ấn thư quán Quốc tế hữu hạn công ti, 2004)

          Thành ngữ “tiếu trung hữu đao” 笑中有刀 hoặc  “tiếu lí tàng đao” 笑里藏刀hình dung một người ngoài mặt thì lương thiện, nhưng trong lòng thì nham hiểm hung ác.

Bề ngoài thơn thớt nói cười

Mà trong nham hiểm giết người không dao

(“Truyện Kiều” 1815 – 1816)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Đường thư: Lý lâm Phủ tiếu trung hữu đao.

          唐書: 李林甫笑中有刀

          (Sách Đường: Ông Lý lâm Phủ tiếng cười mà có dao)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Trong Tư trị Thông giám – Đường Huyền Tông Thiên Bảo nguyên niên 资治通鉴 - 唐玄宗天宝元年 có chép:

Lí Lâm Phủ vi Tướng, vưu kị văn học chi sĩ, hoặc dương (nguyên tác in nhầm là “âm” – ND) dữ chi thiện, đạm dĩ cam ngôn nhi âm hãm chi, vị Lí Lâm Phủ “khẩu hữu mật, phúc hữu kiếm".

          李林甫为相, 尤忌文学之士, 或阳与之善, 啖以甘言而阴陷之. 谓李林甫口有蜜, 腹有剑

          (Lí Lâm Phủ làm Tể tướng, lại đố kị với kẻ sĩ văn học, bề ngoài thì có vẻ thân thiện, nói những lời ngon ngọt, nhưng bên trong ngầm hãm hại, người đương thời gọi ông là “miệng có mật mà bụng có dao”)

          (“Thành ngữ đại từ điển” Thương vụ ấn thư quán Quốc tế hữu hạn công ti, 2004)

          Từ chuyện của Lí Lâm Phủ trong Tư trị thông giám, có thành ngữ “khẩu mật phúc kiếm” 口蜜腹剑, cũng dùng để ví một người miệng nói những lời ngon ngọt, nhưng trong lòng nham hiểm hung ác.

Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, hai câu này là:

Bề ngoài THỚT thớt nói cười

Mà trong nham hiểm CHẾT người không dao

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                 Huỳnh Chương Hưng

                                                                 Quy Nhơn 05/10/2020



Previous Post Next Post