Dịch thuật: Tần Thuỷ Hoàng sáng lập chế độ (kì 1)

  

TẦN THUỶ HOÀNG SÁNG LẬP CHẾ ĐỘ

(kì 1) 

          Năm 221 trước công nguyên, Tần Vương Doanh Chính 秦王嬴政công diệt đối thủ cuối cùng của mình là nước Tề, trở thành kẻ thống trị tối cao của Trung Quốc.

          Khi Doanh Chính tức vị chỉ mới 13 tuổi, đại quyền lọt vào tay Thừa tướng Lã Bất Vi 吕不韦. Năm 238 trước công nguyên, Doanh Chính 22 tuổi, chính thức làm quốc vương, Lã Bất Vi sợ mình mất đi địa vị, bèn xúi giục hoạn quan Lao Ải 嫪毐 (thái giám) phát động phản loạn. Nhưng Doanh Chính sớm đã chuẩn bị từ trước, xử tử Lao Ải, Lã Bất Vi cũng bị miễn chức.

          Từ đó, Doanh Chính dựa vào điều kiện có lợi của nước Tần, trước tiên diệt nước Hàn, nước yếu nhất trong 6 nước ở phía đông. Tiếp đó, trước sau lại công diệt các nước Triệu, Yên, Sở, Nguỵ, Tề, kết thúc cục diện chư hầu phân liệt cát cứ mấy trăm năm từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, kiến lập một quốc gia phong kiến đa dân tộc thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Đó chính là vương triều Tần.

          Trong tiếng tung hô ca công tụng đức, Tần Vương nghênh ngang đắc ý, chuẩn bị tiếp tục nỗ lực tạo đại sự nghiệp mà trước đó chưa từng có. Để có thể hiệu lệnh tứ phương, ông quyết định thay đổi danh hiệu, nên nói với các đại thần rằng:

          - Quả nhân 寡人 (từ tự xưng của vị quân chủ cổ đại) dựa vào sự bảo hộ của tổ tiên, tiêu diệt 6 nước, bình định thiên hạ. Nay nếu vẫn xưng Vương như trước đây, thì làm sao có thể hiển thị sự thành công để truyền cho đời sau? Chúng ta bàn thử, quả nhân phải đổi danh hiệu gì mới phải?

          Nguyên là từ đời Chu về trước, kẻ thống trị tối cao đều tự xưng là Vương , đó là cách xưng hô tôn quý nhất vị quân chủ nhân gian. Đến thời Xuân Thu, do bởi vương thất nhà Chu ngày càng suy bại, các chư hầu quốc lần lượt xưng Vương , cách xưng hô Vương bắt đầu  phổ biến, mất đi địa vị độc tôn. Một số quốc quân có thế lực lớn mạnh không thoả mãn xưng Vương, lại đem xưng hiệu “Đế” vốn chuyên chỉ thiên thần hoặc thánh hiền thời viễn cổ, dùng cho mình. Như tổ tiên của Doanh Chính là Tần Chiêu Vương 秦昭王, từng tự xưng là “Tây Đế” 西帝. Nay Doanh Chính muốn đem địa vị và sự tôn nghiêm của quốc quân nâng lên một trình độ mới mà trước giờ không có, cho nên mệnh cho các đại thần bàn nghị thay đổi danh hiệu.

          Mệnh lệnh vừa ban xuống, các đại thần lập tức triệu tập nhân sĩ các phương diện bàn nghị cả một đêm. Sáng sớm hôm sau, đại thần Lí Tư 李斯chuyên quản hình ngục thay mặt các đại thần bẩm tấu với Tần Vương:

          - Thời thượng cổ có Ngũ đế 五帝, nhưng địa vực mà Ngũ đế cai quản chẳng qua lớn chỉ mấy ngàn dặm. Nay bệ hạ bình định thiên hạ, công nghiệp đó Ngũ đế sao có thể sánh lại? Chúng thần hợp nghị, đều cho rằng thời cổ có Thiên hoàng 天皇, Địa hoàng 地皇, Thái hoàng 泰皇, trong ba vị đó thì Thái hoàng là tôn quý nhất, vì thế xin đổi danh hiệu Vương là Thái hoàng. Từ nay về sau, bệ hạ tự xưng là “trẫm” , văn cáo ban bố ra xưng là “chiếu” hoặc “chế” . Xin bệ hạ định đoạt sau đó thi hành.

          Tần Vương sau khi nghe qua, trầm ngâm một lúc, đối với xưng hiệu Thái hoàng vẫn chưa hài lòng. Nghĩ rằng, công nghiệp của mình hơn xa Tam hoàng Ngũ đế, nay lại dùng danh hiệu của họ, làm sao có thể hiển thị được địa vị và sự tôn nghiêm cao hơn họ? Nhưng rồi suy nghĩ lại, lấy “hoàng” và “đế” trong “Tam hoàng Ngũ đế” hợp lại, xưng là “hoàng đế”, chẳng phải là tốt sao? Thế là nói với các đại thần:

          - Bỏ “thái” lấy “hoàng”, dùng vị hiệu của cổ đế, xưng là “hoàng đế” là được. Còn những việc khác cứ theo lời nghị bàn của các khanh.

          Các đại thần nghe qua đều phục xuống đất cung kính nói là Tần Vương thánh minh, theo lí phải tôn xưng là “Hoàng Đế”. Từ đó, trong lịch sử Trung Quốc có hoàng đế. Còn như “trẫm”, nguyên trước đó là đại danh từ của “ngã”  (tôi), và “ngã đích” 我的 (của tôi), giới quý tộc nói chung đều có thể lấy đó để tự xưng; nhưng bắt đầu từ lúc Tần Vương Doanh Chính làm hoàng đế, từ này trở thành đại danh từ chuyên dụng của hoàng đế.

          Từ thời Tây Chu trở đi, sau khi kẻ thống trị tối cao là thiên tử hoặc chư hầu qua đời, người kế vị và các đại thần căn cứ vào hành vi lúc sinh tiền của người mất mà đặt xưng hiệu đặc biệt cho họ. Xưng hiệu đặc biệt này chính là “thuỵ hiệu” 谥号, mà quy định có liên quan gọi là “thuỵ pháp” 谥法. Thuỵ hiệu có thiện có ác; thiện có “chiêu” , “kính” , “hoàn” , “liệt” .... như “hoàn” của Tề Hoàn Công 齐桓公, ý nghĩa là công nghiệp to lớn; ác có “hôn” , “lệ” ... như “lệ” của Chu Lệ Vương 周厉王, ý nghĩa là bạo ngược vô đạo. Còn như người mới lên ngôi đã mất, hoặc chí hướng chưa được thể hiện, thì có các thuỵ hiệu như “điệu” , “ai” , “mẫn” biểu thị “bình” , như Tấn Điệu Công 晋悼公...

          Chẳng bao lâu sau khi Tần Thuỷ Hoàng xưng đế, đã ra một chiếu thư nói rằng, từ khi có thuỵ pháp, con có thể nghị luận phụ thân đã mất, thần tử có thể nghị luận quốc quân đã mất, như vậy tổn hại đến sự uy nghiêm của quân phụ, cần phải phế bỏ lễ pháp này. Xưng hiệu hoàng đế là ta sử dụng đầu tiên, nhân đó ta là Thuỷ Hoàng Đế. Về sau con cháu ta cứ theo thứ tự mà xưng là Nhị Thế Hoàng Đế, Tam Thế Hoàng Đế, cho đến Thiên Thế, Vạn Thế Hoàng Đế, truyền đến vô cùng.

          Đồng thời với đó, Doanh Chính còn bảo đại thần giám chế ngọc tỉ truyền quốc, dùng khối bảo ngọc “Hoà thị bích” 和氏璧 trân quý, điêu khắc mà thành. Ngọc tỉ này vuông 4 thốn, bên trên có chạm 5 con rồng, khắc 8 chữ lớn “Thụ mệnh vu thiên, kí thọ vĩnh xương” 受命于天, 既寿永昌, ý nghĩa là ông ta là hoàng đế tiếp nhận thiên mệnh, vĩnh viễn xương thịnh.

          Từ đó, Tần Vương Doanh Chính được xưng là Tần Thuỷ Hoàng Đế 秦始皇帝. Chế độ thuỵ pháp cũng bị phế bỏ, mãi đến khi triều Tần diệt vong, triều Hán kiến lập,  mới khôi phục lại.... (còn tiếp)

                                                             Huỳnh Chương Hưng

                                                             Quy Nhơn 29/9/2020

Nguyên tác Trung văn

TẦN THUỶ HOÀNG SÁNG CHẾ

秦始皇创制

Trong quyển

VĂN HOÁ NGŨ THIÊN NIÊN

Biên soạn: Vũ Nhân 羽人

Thiếu niên nhi đồng xuất bản xã (không rõ năm xuất bản)

Previous Post Next Post