Dịch thuật: Quốc đô đầu tiên của Hoa Hạ ở đâu

 

QUỐC ĐÔ ĐẦU TIÊN CỦA HOA HẠ Ở ĐÂU 

          Dân tộc Trung Hoa có lịch sử lâu đời, từ nhân loại tảo kì đến xã hội thị tộc nguyên thuỷ, trên mảnh đất này đã có bóng dáng của tổ tiên người Trung Quốc. Theo sức sản xuất được nâng cao, xã hội không ngừng tiến bộ, sau tam đại Nghiêu , Thuấn , Vũ , con của Vũ là Khải phế bỏ truyền thống thiện nhượng quyền thống trị, đoạt quyền thành lập quốc gia phụ tử nối nhau – Hạ . “Hạ” cũng trở thành chính quyền quốc gia đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, sự hiểu biết của chúng ta ngày nay đối với đời Hạ, tương đối thiếu thốn nghèo nàn, chỉ có một số ít ghi chép rời rạc trong văn hiến. Do bởi sự phát hiện Thương đô Ân Khư 殷墟, đối với tình hình văn minh của triều Thương, chúng ta đã có sự hiểu biết tương đối rõ, còn đời Hạ trước đó vẫn là một khoảng trống, cơ hồ như bị người ta quên đi vương triều từng thống trị Hoa Hạ lâu đến mấy thế kỉ. Nếu có thể tìm được di chỉ  quốc đô của triều Hạ, đối với đời Hạ chúng ta sẽ không mơ hồ như thế, nhưng được xem là quốc đô đầu tiên của Hoa Hạ rốt cuộc là ở đâu, cả một thời gian dài đó là vấn đề khó khăn của các Sử học gia.

          Có người cho là tại huyện Hạ của thành phố Vận Thành 运城 tỉnh Sơn Đông 山东, theo họ, nhân bởi vương triều Hạ đầu tiên của xã hội nô lệ Trung Quốc kiến đô tại đó nên có tên, hiệu xưng là “Hoa Hạ đệ nhất đô” 华夏第一都. Trong lịch sử lâu dài, đó là một trong những nơi phát tích của dân tộc Trung Hoa. Tương truyền là nơi bà Luy Tổ 嫘祖 nuôi tằm, Đại Vũ 大禹kiến đô, vốn có tên “Vũ đô” 禹都. Nhưng đến nay tại huyện Hạ vẫn chưa tìm thấy được di chỉ văn hoá có sức thuyết phục.

          Có người cho rằng phải là Vũ Châu 禹州 phía tây Hứa Xương 许昌 ngày nay. Thành phố Vũ Châu là một trong những nơi phát tích của dân tộc Trung Hoa, Đại Vũ nhân trị thuỷ có công từng được thụ phong là “Hạ Bá” 夏伯 ở nơi đây. Sau khi con ông Vũ là Khải kế vị, đại yến thiên hạ chư hầu tại Quân Đài 钧台, kiến lập quốc gia theo chế độ nô lệ đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc – triều Hạ, cũng được xưng là “Hoa Hạ đệ nhất đô”. Hạ đô tại Vũ Châu chăng? Trước mắt vẫn  chưa rõ.

          Mùa hạ năm 1959, Sở nghiên cứu khảo cổ của Viện khoa học Trung Quốc đã tổ chức một đội khảo cổ, thăm dò khảo sát điền dã Hạ đô. Bắt đầu từ Dự Tây 豫西 khu vực trung tâm hoạt động của người Hạ trong truyền thuyết, sau khi vén được mấy lớp sương mù, đội khảo cổ đã đưa tầm mắt định tại thôn Nhị Lí Đầu二里头 huyện Yển Sư 偃师, tỉnh Hà Nam 河南, tập trung tiến hành khai quật khảo cổ nơi đó. Lấy đó làm tiêu chí, giới khảo cổ học Trung Quốc bắt đầu tiến vào tìm hiểu một cách có mục đích, có kế hoạch thời kì Hạ văn hoá.

          Sự tồn tại của vương triều Hạ theo chế độ nô lệ tảo kì là điều không phải bàn cãi, nhưng do bởi thiếu tư liệu văn hiến và tư liệu khảo cổ, diện mạo của văn hoá đời Hạ trước sau không sao xác nhận. Cuối những năm 60 của thế kỉ 20, những người làm công tác khảo cổ đã phát hiện một số di chỉ văn hoá cổ tại thôn Nhị Lí Đầu二里头, huyện Yển Sư偃师, tỉnh Hà Nam 河南, khai quật được đồ gốm rất đặc thù, giữa văn hoá Long Sơn 龙山 với đời Thương, tạo ra sự hứng thú cho giới học thuật. Thôn Nhị Lí Đầu tại bờ nam sông Lạc cách huyện Yển Sư 9000m về phía tây nam. Di chỉ văn hoá cổ bao gồm 5 thôn: Nhị Lí Đầu 二里头, Ngật Đương Đầu 圪当头, Tứ Giác Lâu 四角楼, Trại Hậu 寨后 và Tân Trang 辛庄, diện tích 375 vạn m2. Sau khi phát hiện vào năm 1957, năm 1959 bắt đầu tiến hành công tác khai quật và nghiên cứu, trước sau đã khai quật một diện tích lên đến 1 vạn m2, đặc trưng của di vật văn hoá là giữa vãn kì văn hoá Long Sơn với tảo kì văn hoá đời Thương, thuộc phát hiện trọng yếu lần đầu, đặt tên là “Nhị Lí Đầu văn hoá” 二里头文化. Tầng dưới cùng của di chi nơi này được xác nhận là Hạ văn hoá, xuất thổ có dao đồng, là thanh đồng khí sớm nhất được phát hiện ở Trung Quốc. Tầng trên là văn hoá đời Thương, phát hiện có nền móng cung điện lớn, diện tích đạt 1 vạn m2. Trong di chỉ xuất thổ một số lượng lớn đồng khí và ngọc khí có công nghệ tinh xảo, phải là di chỉ đô ấp của thời kì Hạ Thương, chiếm địa vị cực kì trọng yếu của khảo cổ học, có ý nghĩa rất lớn đối với việc nghiên cứu lịch sử văn hoá Hạ Thương.

    Trải qua mấy chục năm nghiên cứu, có thể xác nhận di chỉ Nhị Lí Đầu là toà vương thành tảo kì. Nhưng toà đô thành này là thuộc về đời Thương hay đời Hạ thì vẫn chưa rõ ràng. Năm 2003, nhân viên khảo cổ tại “Nhị Lí Đầu di chỉ”  di chỉ đô thành tảo kì Trung Quốc mà đã phát hiện lại tìm thấy hai toà kiến ttrúc cung điện cỡ lớn. Trong đó, một toà có hình chữ nhật khuyết một góc, chiều đông tây dài khoảng 110m, chiều nam bắc rộng khoảng 100m, phía đông bắc bẻ ngoặt một góc. Phạm vi của cả sân đều là được xây trên một đài nện bằng đất cao hơn mặt đất nửa mét. Bốn phía chung quanh sân là hành lang, trừ hành lang phía tây, bên ngoài có tường, bên trong ngoài có hành lang ra, giữa 3 mặt kia đều là tường, trong ngoài đều có hành lang, nói rõ 3 mặt: phía bắc, phía đông, phía nam của sân khả năng còn có sân tương cận. Dạng thức của toà cung điện này, đời sau có lẽ nhiều kiến trúc dùng theo. Sự phát hiện quần thể kiến trúc mới lại thu hút sự chú ý của nhiều người, bất luận là từ quy mô hay dạng thức của nó đều là kiến trúc hoàng cung đại viện.

          Điểm đặc thù và ý nghĩa của hai toà kiến trúc này không chỉ hoàn toàn ở chỗ xác định chúng là vương cung mà quan trọng hơn là phát hiện vị trí của chúng. Khảo sát đầu tiên biết được xã hội mà Nhị Lí Đầu ở đó, rất có khả năng là ở vào thời kì phân giới của hai đời Hạ Thương, bên trên là di lưu của Thương văn hoá, bên dưới là di lưu của Hạ văn hoá, mà hai toà cung điện này sơ bộ nhận định là ở vào tầng Hạ văn hoá, thế thì há không thể nói, chúng ta có thể xác định đó là đô thành của đời Hạ sao? Một vị chuyên gia khảo cổ phấn khích nói rằng “Điều đó mang ý nghĩa là người ta dường như có thể từ trong đó sờ được mạch đập của vương triều đầu tiên ở Trung Quốc”.

          Nhưng sự thực, di chỉ Nhị Lí Đầu có phải là Hạ đô thì chưa hề có được công nhận, đầu tiên việc tranh luận về thời kì của bản thân di chỉ này vẫn còn tiếp tục, có người nói thuộc về vãn kì văn hoá đời Hạ, có người nói thuộc tảo kì văn hoá đời Thương, còn cách nói phổ biến nhất là “giới vu Hạ Thương chi gian” 界于夏商之间 (ranh giới giữa đời Hạ và đời Thương). Có Sử học gia nói rằng, “Bản thân di chỉ Nhị Lí Đầu vẫn tồn tại nhiều bí ẩn chưa được giải đáp, xem Nhị Lí Đầu là đô thành, nhiều vấn đề như: bố cục nội hàm và quá trình diễn biến của nó, diện mạo văn hoá cùng sinh hoạt xã hội và kết cấu xã hội của nó, tộc thuộc quốc biệt cùng mối quan hệ giữa con người và mảnh đất ấy, trước mắt vẫn chỉ là sự nắm bắt một sợi chỉ còn thô.”

                                                       Huỳnh Chương Hưng

                                                       Quy Nhơn 19/9/2020

Nguyên tác Trung văn

HOA HẠ ĐỆ NHẤT ĐÔ ĐÁO ĐỂ TẠI NA LÍ

华夏第一都到底在哪里

Trong quyển

TRUNG QUỐC VỊ GIẢI CHI MÊ

中国未解之谜

Tác giả: Hải Tử 海子

Trung Quốc Hoa Kiều xuất bản xã, 2013

Previous Post Next Post