Dịch thuật: Ngọ Môn đình trượng

 

NGỌ MÔN ĐÌNH TRƯỢNG 

          Ngọ Môn 午门 là chính môn ngoại triều của hoàng gia, cũng là nơi trọng yếu  hành sử hoàng quyền. Gặp lúc chinh chiến khải hoàn, tại đây sẽ cử hành điển lễ “hiến phu”, còn có một loại hình phạt trọng yếu nữa đó là “đình trượng” 廷杖 (đánh gậy) cũng cử hành tại Ngọ Môn.

          Đình trượng, là hình phạt đặc biệt của đời Minh, cũng chính là hoàng đế sai người dùng côn trượng đánh vào mông của bề tôi. Vào đời Minh, phàm bề tôi vi nghịch ý đồ của hoàng đế, dám chạm vào “nghịch lân” 逆鳞 (1), hoàng đế lập tức lệnh cho “Cẩm y vệ” 锦衣卫 (Ngự lâm quân 御林军) xốc người đó áp giải đến Ngọ Môn mà đánh, rất nhiều người bị đánh chết dưới cây trượng. 

          Địa điểm hành hình là phía đông Ngự lộ trước Ngọ Môn. Dưới chân Ngọ Môn có 2 gian phòng nhỏ, thuộc nơi Cẩm y vệ chấp pháp, sương phòng đông tây nơi đây cùng dưới Cấm môn cũng đều đứng đầy Cấm quân Hiệu uý. Đình trượng được chấp hành trong hoàn cảnh nghiêm mật này.

          Phàm là người bị tuyên cáo xử đình trượng, đều phải dùng dây thừng cột chặt hay tay, trên thân mặc tù phục, bị áp giải đến Ngọ Môn. Lúc này, cả trăm viên Hiệu uý, tay cầm côn trượng, đứng tại chỗ hành hình. Tư lễ giám tuyên đọc giá thiếp, sau đó ngồi bên thềm phía tây Ngọ Môn. Cẩm y vệ ngồi bên phải để giám đốc việc hành hình. Lúc đánh trượng, dùng vải bọc tù phạm lại, do 4 người khiêng đến. Khi tả hữu hô lớn “các côn” 搁棍 thì một người cầm côn bước đến, dùng côn để trên mông tù phạm. Lại hô “đả” , người này giơ côn lên cao đánh xuống 3 trượng. Nếu như hô “trước thực đả” 著实打 hoặc “dụng tâm đả” 用心打, thì tù phạm không còn đường sống. Sau khi đánh 5 trượng thì sẽ thay người, cách hô vẫn như cũ, mỗi lần hô, những người bên cạnh đều phụ hoạ, cho nên tiếng reo như sấm dậy, người nghe lạnh cả sống lưng. Sau khi đánh xong, lại đem vải đến bọc lại rồi quăng xuống đất. Lần quăng đó, đa phần khiến tù phạm bị chết.

          Loại đình trượng này bắt đầu từ đời Thành Hoá 成化 triều Minh, do thái giám của Đông xưởng 东厂, Tây xưởng 西厂 chủ trì. Đông xưởng, Tây xưởng nắm toàn quyền sinh sát , thái giám “khẩu hàm thiên thụ” 口衔天授 (miệng ngậm mệnh trời giao cho), tuỳ tiện nói ra đó chính là pháp luật. Họ không chỉ chủ trì chấp hành đình trượng, mà thậm chí còn giả chiếu chỉ, bảo đánh ai là đánh người đó.

          Số lần đình trượng tại hai triều Chính Đức 正德 và Gia Tĩnh 嘉靖 tương đối nhiều. Thời Gia Tĩnh xưng là thịnh thế, nhưng hoàng đế Chu Hậu Thông 朱厚熜 cực lực phản đối bề tôi tiến gián, thường cho đánh những người đưa ý kiến lên ông. Ông vốn là vị hoàng đế ngoại phiên thân vương lên kế vị, lại chẳng truy phong sinh phụ của mình là hoàng đế, việc đó gây nên một làn sóng mạnh mẽ, một số quan viên cho rằng đã đi ngược lại lễ pháp của hoàng gia, họ tập trung tại Tả Thuận Môn 左顺门kêu khóc can gián. Nước mắt của các bề tôi lại khiến hoàng đế đại nộ, hoàng đế hạ lệnh đình trượng Phong Hi 丰熙 cùng các quan từ Ngũ phẩm trở xuống 134 người, người chết tại chỗ như Vương Tư 王思 có đến 17 người, máu chảy khắp trong và ngoài Ngọ Môn, tiếng khóc chấn động cả trời cao. Đó là lần đình trượng tàn khốc nhất của triều Minh. Một lần khác, Gia Tĩnh sai thái giám thay ông tế Thái miếu, Hộ bộ Cấp sự trung Trương Tuyển 张选tiến gián, nói là nên để Vũ Định Hầu Quách Huân 郭勋 tế thay. Gia Tĩnh đại nộ, hạ lệnh áp giải Trương Tuyển đến Ngọ môn đình trượng, đánh 80 gậy, Gia Tĩnh còn đến Văn Hoa điện 文华殿 nghe ngóng tình hình đình trượng, kết quả trượng gãy 3 cây, cho đến lúc đánh chết Trương Tuyển, Gia Tĩnh hãy còn chưa nguôi  giận.

          Có một lần đình trượng, người bị đánh là hoạn quan Lưu Cẩn 刘瑾. Lưu Cẩn là quyền giám nổi tiếng, người này tham ô nhận hối lộ rất nhiều, lại còn giả truyền thánh chỉ, tàn hại những ai khác với ông. Lúc ông bại thế bị tịch thu gia sản, chỉ riêng khoản vàng đã đạt đến 1200 lượng. Khi Cẩm y vệ bắt ông, ông lại vu người  bắt ông là đồng đảng. Một vị phò mã bước ra lớn tiếng nói rằng: “Ta là quốc thích, trước giờ chưa từng qua lại với ngươi, nay ta phụng chỉ bắt ngươi!” Lưu Cẩn bị áp giải đến Ngọ Môn, Cẩm y vệ nắm giữ chỉ huy quân sự là Lưu Huy 刘珲 tiến lên quỳ tâu: “Thỉnh chỉ đánh bao nhiêu?” nhưng không nghe tiếng của hoàng đế, lúc bấy giờ trực quan hiệu đồng thanh hô rằng: “Có chỉ đánh 40 gậy, 5 gậy là thay người đánh”. Vừa nói xong, có một viên quan lớn tiếng nói rằng: “Đánh 40 gậy, bày côn ra, đánh!” các quan hiệu cũng đồng thanh phụ hoạ.

          Lần đình trượng đó, lại không có mệnh lệnh của hoàng đế, cũng không có mặt hoàng đế tại hiện trường. Chỉ vì Lưu cẩn làm việc ác quá nhiều, đến nỗi quần thần lợi dụng đình trượng đánh ông ta một trận ra hồn, xem như là “dĩ kì nhân chi đạo, hoàn trị kì nhân chi thân” 以其人之道还治其人之身 (dùng biện pháp  của họ để trị lại họ).

Chú của người dịch

1- Nghịch lân 逆鳞: vảy ngược. Tương truyền dưới cổ rồng có một miếng vảy trắng to bằng bàn tay, tục gọi là “nghịch lân”, người nào đụng đến sẽ bị rồng làm hại. Vị quân chủ cũng có “nghịch lân”, người nào dám đụng đến coi như đã chọc giận vị quân chủ.

                                                                   Huỳnh Chương Hưng

                                                                    Quy Nhơn 24/9/2020

Nguyên tác

NGỌ MÔN ĐÌNH TRƯỢNG

午门廷杖

Tác giả: Vương Tử Lâm 王子林

Trong quyển

CUNG QUY LỄ TỤC THÁM U

宫规礼俗探幽

Chủ biên: Thôi Trắc 崔陟

Trung Quốc văn sử xuất bản xã, 2006.

 

Previous Post Next Post