LAI LỊCH THÀNH TOÁN BÀN

Truyền
thuyết kể rằng, Lưu Bá Ôn 刘伯triều Minh sau khi tại
Bắc Kinh 北京 tu sửa đô thành “lí cửu ngoại thất” 里九外七 (1), nhìn thấy ba mặt của Bắc Kinh là núi vây bọc, duy chỉ
phía nam là một vùng bằng phẳng trống trải, giống như một cánh cổng lớn mở rộng;
lại thấy vùng Thiên Tân ở vào cuối, nơi chín nhánh sông hợp lại, là một nơi
xung yếu, nơi muối và lương thực tụ tán, đúng là có thể bảo vệ kinh môn, bèn
quyết định xây một toà thành nơi đó.
Lưu Bá
Ôn dẫn một nhóm người đi kiểm tra thực địa Thiên Tân nhiều ngày, đối với vị trí
địa lí nơi nầy, ông rất hài lòng. Nhưng nói đến việc xây thành, hãy còn có hai
điều khó cho ông. Thứ nhất là trước mắt quốc khố trống rỗng, lấy đâu ra tiền;
thứ hai là vị trí tường thành là ở phía nam cửa của ba nhánh sông, hay là ở phía
bắc? trong nhất thời chưa quyết.
Đêm nọ
đã sang trống canh ba, Lưu Bá Ôn tâm sự ngổn ngang, trằn trọc không ngủ được,
bèn khoác áo ra ngoài một mình dạo bước. Lúc bấy giờ đêm khuya thanh vắng,
không có thanh âm gì, chỉ có trăng sáng trên không, ngân hà lấp lánh. Lưu Bá Ôn
bước đến phía nam cửa của ba nhánh sông, đột nhiên nhìn thấy cách phía trước
không xa có một người khổng lồ đội trời đạp đất, ngồi quay lưng về phía ông.
Người này ngồi trên đất mà hai chân cũng đến 2,3 trượng, đầu đội kim khôi, thân
mặc kim giáp. Hoá ra là “Kim Giáp Thần” 金甲神. Lưu Bá Ôn nhìn thấy thất kinh, muốn quay người lui
đi, nhưng lại nghĩ: Vị thần này nửa đêm đến ngồi ở đây nhất định có dụng ý, ta
phải tìm hiểu cho rõ. Thế là, Lưu Bá Ôn nhẹ bước, đi một vòng quanh Kim Giáp Thần,
nhìn thật kĩ. Chỉ thấy tay trái Kim Giáp Thần nâng một cái trống bằng vàng, tay
phải giơ cao bàn toán, ngồi ung dung nơi đó, không nói tiếng nào. Đương lúc Lưu
Bá Ôn kinh ngạc, Kim Giáp Thần bỗng hoá thành một làn khói nhẹ bay đi, phút
chốc không thấy bóng dáng đâu.
Ngày
hôm sau, Lưu Bá Ôn lập tức sai người đến đào nơi mà Kim Giáp Thần đã ngồi. Đang
đào, bỗng chiếc xẻng đụng phải một vật gì rất cứng phát ra tiếng. Lưu Bá Ôn bảo
mọi người cẩn thận, đừng để tổn hại đến vật. Một lát sau, bốn góc đông tây nam
bắc mỗi góc đào một viên gạch bằng vàng vuông khoảng 2 xích. Như vậy việc xây
thành đã có tiền, Lưu Bá Ôn cả mừng, hạ lệnh cho xây một lầu trống 3 tầng nơi
mà Kim Giáp Thần đã ngồi. Lầu trống trổ 4 cửa, đặt tên là “Củng bắc” 拱北, “Định nam” 定南, “Trấn đông” 镇东, “An Tây” 安西. Tiếp đó, lấy lầu
trống làm trung tâm, bốn phía chung quanh dựa theo hình dạng bàn toán mà Kim
Giáp Thần giơ lên, xây tường hình chữ nhật, chiều đông tây của thành dài 504
trượng, chiều nam bắc dài 324 trượng, chu vi là 9 dặm 18 bộ, vừa khớp như một
chiếc bàn toán khổng lồ. Lấy lầu trống làm trung tâm, trổ 4 con phố, hai đầu
con phố là 1 lầu trống và 1 cổng thành. Đó chính là thành Thiên Tân sau này.
Chú của người
dịch
1- Lí cửu ngoại
thất 里九外七: cũng nói là “nội cửu ngoại thất” 内九外七, chỉ tường ở nội thành có 9 cửa và tường ở ngoại thành có 7 cửa.
Nội
thành 9 cửa là: Chính Dương Môn 正阳门 (Tiền môn 前门), Sùng Văn Môn 崇文门, Tuyên Vũ Môn 宣武门, Phụ Thành Môn 阜成门, Tây Trực Môn 西直门, Đức Thắng Môn 德胜门, An Định Môn 安定门, Đông Trực Môn 东直门, Triều Dương Môn 朝阳门.
Ngoại
thành 7 cửa là: Vĩnh Định Môn 永定门, Tả An Môn 左安门, Hữu An Môn 右安门, Quảng Cừ
Môn 广渠门, Quảng An môn 广安门, Đông Tiện Môn 东便门, Tây Tiện Môn 西便门.
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn
12/9/2020
Nguyên tác Trung văn
TOÁN BÀN THÀNH ĐÍCH DO LAI
算盘城的由来
Trong quyển
THANH THIẾU NIÊN TỐI HỈ HOAN ĐÍCH
THẦN THOẠI CỐ SỰ
青少年最喜欢的
神话故事
Tác giả: Ngô Cảnh Minh 吴景明
Diên Biên nhân dân xuất bản xã,
2002
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật