Dịch thuật: Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi (1630) ("Truyện Kiều")


BIẾT ĐÂU ẤM LẠNH, BIẾT ĐÂU NGỌT BÙI (1630)
Ấm lạnh: Xuất xứ từ thành ngữ “đông ôn hạ sảnh” 冬温夏凊 mùa đông phải làm cho cha mẹ ấm áp, mùa hạ phải làm cho cha mẹ mát mẻ . Trong Lễ kí – Khúc lễ thượng 禮記 - 曲禮上 có câu:
“Phàm vi nhân tử chi lễ, đông ôn nhi hạ sảnh, hôn định nhi thần tỉnh”
凡為人子之禮, 冬溫而夏凊, 昏定而晨省
(Lễ tiết phận làm con, mùa đông phải làm cho cha mẹ ấm áp, mùa hạ phải làm cho cha mẹ mát mẻ, buổi tối thay cha mẹ trải chăn mền, buổi sáng sớm phải hỏi thăm cha mẹ)
(“Lễ kí dịch giải” 禮記譯解: Vương Văn Cẩm 王文錦dịch giải)
Ôn là ấm. Sảnh là mát.
“Ấm lạnh”, cũng nói “quạt nồng ấp lạnh”, ý nói phụng dưỡng cha mẹ.
          Ngọt bùi: Dịch từ chữ Hán “cam chỉ” 甘旨, ngoài nghĩa chỉ món ngon nói chung ra còn mang ý nghĩa như sau:
- Dùng như danh từ: chỉ những món ngon để phụng dưỡng cha mẹ. như:
          Bạch Cư Dị 白居易 đời Đường trong Tấu trần tình trạng 奏陈情状 có viết:
          Thần mẫu đa bệnh, thần gia tố bần; cam chỉ hoặc khuy, vô dĩ vi dưỡng; dược nhĩ hoặc khuyết, khống trí kì ưu.
          臣母多病, 臣家素贫, 甘旨或亏, 无以为养; 药饵或阙, 空致其忧
          (Mẹ thần nhiều bệnh, nhà thần vốn nghèo, món ngon món ngọt thiếu thốn, không đủ để phụng dưỡng cha mẹ; thuốc men khiếm khuyết, ngặt khiến lo âu)
          - Dùng như động từ: phụng dưỡng cha mẹ, như:
          Trần Nhữ Nguyên 陈汝元 đời Minh trong Kim Liên kí – Trú cẩm 金莲记 - 昼锦 có viết:
Cửu vi cam chi, lịch tận tân toan
久违甘旨,历尽辛酸
(Đã lâu không phụng dưỡng cha mẹ, nếm trải hết những chua cay)
         
Bóng dâu đã xế ngang đầu
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi
(“Truyện Kiều” 1629 – 1630)
Ấm lạnh: Dịch chữ đông ôn hạ sảnh của Kinh Lễ, nghĩa là người con có hiếu mùa đông lo cho cha mẹ ấm, mùa hạ lo cho cha mẹ mát.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Lễ: Phàm vi nhân tử giả, đông ôn hạ sảnh, thần hôn cam chỉ, thử Kiều tư thân tang du lão cảnh dã.
          : 凡為人子者冬溫而夏凊晨昏甘旨此翹思親桑榆老景也
          (Kinh Lễ: Đạo làm con người ta, mùa đông đắp ấm, mùa hè quạt mát, sớm tối phụng dưỡng đồ ngon ngọt, đây là Kiều nhớ cha mẹ cảnh già như bóng dâu đã ngả mà không được phụng dưỡng)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: “Ấm lạnh” và “ngọt bùi” ở câu 1630, theo ý riêng được dùng như động từ, mang ý nghĩa phụng dưỡng, cả câu ý nói Thuý Kiều không được hầu hạ phụng dưỡng cha mẹ.
Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 1633 là:
Bóng TANG đã xế ngang đầu
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng
                                                                  Quy Nhơn 12/9/2020
Previous Post Next Post