Dịch thuật: Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai (1715) ("Truyện Kiều")

 

HOÀNG LƯƠNG CHỢT TỈNH HỒN MAI (1715)

          Hoàng lương: xuất phát từ câu chuyện Chẩm trung kí 枕中记 của Thẩm Kí Tế 沈既济 đời Đường.

          Năm Khai Nguyên 开元thứ 7 (năm 719) đời Đường, Lư sinh 卢生  bất đắc chí, cưỡi con thanh câu, mặc áo ngắn đến kinh thành dự thi, kết quả công danh không thành, buồn  bã ủ rũ. Ngày nọ, trên đường đi ngang qua Hàm Đan 邯郸, gặp đạo sĩ Lữ ông 吕翁 có tiên thuật (Kịch tác gia đời Minh Thang Hiển Tổ  汤显祖khi sáng tác vở Hàm Đan kí 邯郸记 đã đổi tên Lư ông thành Lữ Động Tân 吕洞宾, một trong bát tiên). Lư sinh tự than nghèo khó, vị đạo sĩ bèn lấy một chiếc gối bảo Lư sinh gối lên. Lư sinh tựa gối nằm, phút chốc chìm vào giấc mộng thấy mình lấy được người vợ xinh đẹp dịu dàng, xuất thân họ Thôi ở Thanh Hà 清河. Rồi lại đỗ Tiến sĩ, thăng làm Thiểm Châu mục, Kinh Triệu doãn, cuối cùng vinh thăng làm Hộ bộ Thượng thư kiêm Ngự sử Đại phu, Trung thư lệnh, được phong làm Yên Quốc Công 燕国公. Năm người con của Lư sinh đều cao quan hậu lộc, gã cho những nhà quyền quý. Con cháu Lư sinh đầy nhà, chung hưởng vinh hoa phú quý. Đến 80 tuổi, mắc bệnh trị mãi không khỏi, cuối cùng qua đời. Lúc dứt hơi thở, Lư sinh chợt tỉnh dậy, ngồi lên, nhìn chung quanh, mọi vật vẫn như cũ. Lữ ông vẫn ngồi bên cạnh, còn chủ quán đang nấu một nồi kê chưa chín.

          Trong Chẩm trung kí 枕中记viết rằng:

          Lư sinh khiếm thân nhi ngộ, kiến kì thân phương yển vu để xá, Lữ ông toạ kì bàng, chủ nhân chưng thử vị thục, xúc loại như cố. Sinh quyết nhiên nhi hứng, viết: “Khởi kì mộng mị dã?” Ông vị sinh viết: “Nhân sinh chi thích, diệc như thị hĩ.” Sinh vũ nhiên lương cửu, tạ viết: “Phù sủng nhục chi đạo, cùng đạt chi vận, đắc táng chi lí, tử sinh chi tình, tận tri chi hĩ. Thử tiên sinh sở dĩ thất ngô dục dã. Cảm bất thụ giáo.” Khể thủ tái bái nhi khứ.

          卢生欠伸而悟, 见其身方偃于邸舍, 吕翁坐其傍, 主人蒸黍未熟, 触类如故. 生蹶然而兴, : “岂其梦寐也?” 翁谓生曰: “人生之适, 亦如是矣.” 生怃然良久, 谢曰: “夫宠辱之道, 穷达之运, 得丧之理, 死生之情, 尽知之矣. 此先生所以室吾欲也, 敢不受教.” 稽首再拜而去.

          (Lư sinh vươn vai tỉnh dậy, nhìn thấy mình hãy còn ngủ trong quán, Lữ ông thì ngồi bên cạnh, nồi kê chủ quán nấu vẫn chưa chín, nhìn mọi vật thấy vẫn như cũ. Lư sinh vội nói rằng: “Lẽ nào đó là một giấc mộng?” Lữ ông nói với Lư sinh rằng: “Cảnh huy hoàng mà đời người trải qua, chẳng qua là như thế.” Lư sinh bùi ngùi hồi lâu, cảm tạ rằng: “Đời người ân sủng hay khuất nhục, vận mệnh cùng khốn hay thông đạt, đạo lí có được hay mất, tình lí của sống chết, tôi đều được biết cả. Đó là tiên sinh đã ngăn cản dục niệm của tôi. Tôi sao có thể không nhận sự chỉ giáo!” Nói rồi rập đầu bái tạ sau đó ra đi.)

https://baike.baidu.com/item/%E9%BB%84%E7%B2%B1%E4%B8%80%E6%A2%A6/34385

          Từ câu chuyện này, có thành ngữ “Hoàng lương nhất mộng” 黄梁一梦ví với mộng tưởng huyễn ảo không thể thực hiện. Về sau lại ví vinh hoa phú quý như giấc mộng, cảnh vật tươi đẹp chẳng qua chỉ trong khoảnh khắc.

          Có lúc dùng để chỉ giấc mộng nói chung.

          “Hoàng lương nhất mộng” cũng có thể nói “Hoàng lương mộng” 黄梁梦, “Mộng giác hoàng lương” 梦觉黄梁, “Mộng thục hoàng lương” 梦熟黄梁, “Nhất chẩm hoàng lương” 一枕黄梁, “Hàm Đan nhất mộng” 邯郸一梦.

          Hồn mai: Điển xuất từ Long Thành lục – Triệu Sư Hùng tuý điềm mai hoa hạ 龙城录 - 赵师雄醉憩梅花下 của Liễu Tông Nguyên 柳宗元đời Đường.

          Khoảng niên hiệu Khai Hoàng 开皇 triều Tuỳ, Triệu Sư Hùng 赵师雄đến chơi ở trấn Trường Ninh 长宁 huyện Bác La 博罗 Huệ Châu 惠州, có một dạo được gọi là La Phù Sơn 罗浮山, đứng đầu ở Lĩnh Nam 岭南. Hôm đó vào lúc xế chiều trời rét, Triệu Sư Hùng uống rượu đến độ ngà ngà, nửa tỉnh nửa say, dừng chân ở rừng tùng bên ngoài quán rượu. Đương lúc mơ màng, mộng thấy cùng uống rượu với một cô gái xinh đẹp trong  trang phục màu trắng, cô gái mùi hương vây quanh, ngôn ngữ  thanh lệ, bên cạnh lại có một đồng tử áo xanh đang tươi cười ca múa. Trời sắp sáng, Triệu Sư Hùng tỉnh dậy, ngồi lên nhìn quanh, thấy mình ngủ dưới gốc cây mai, trên cây chim xanh hót vang. Hoá ra cô gái trong giấc mộng chính là cây hoa mai, đồng tử áo xanh chính là thuý điểu. Trăng đã lặn, sao trên trời đã xế, cô gái không biết đi đâu. Triệu Sư Hùng cảm thấy vô cùng buồn, tiếc nuối. Người đời sau đem câu chuyện Triệu Sư Hùng uống rượu dưới gốc mai làm thành điển cố nổi tiếng.

http://blog.sina.com.cn/s/blog_4cedaddb0101g8kh.html

 Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai

Cửa nhà đâu mất, lâu đài nào đây?

(“Truyện Kiều” 1715 – 1716)

Hoàng lương: nghĩa gốc là kê vàng. Sách Chẩm trung kí đời Lương kể chuyện Lư sinh, vào quán gặp một đạo sĩ. Thấy chàng phàn nàn mình nghèo khổ, đạo sĩ trao cho chàng một cái gối bảo nằm ngủ. Lư nằm mơ thấy mình đỗ tiến sĩ, lấy vợ giàu, làm quan to, đánh được giặc làm tể tướng trong mười năm, có năm người con đều làm quan, thọ ngoài 80 tuổi mới chết.Khi tỉnh dậy, thấy chủ quán nấu nồi kê vàng chưa chín. Do đó, hoàng lương hay giấc mộng kê vàng là chỉ giấc mơ về cảnh giàu sang hay giấc mơ nói chung.

Hồn mai: cũng như Giấc mai. Giấc ngủ nhẹ nhàng. Sách Long Thành lục chép xưa có người là Triệu Sư Hùng đi chơi núi La Phù ở Quảng Đông gặp một người đàn bà đẹp dẫn vào quán rượu, uống say nằm ngủ, sáng thấy mình nằm dưới gốc mai.

(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:

          Tuỳ Khai hoàng: Triệu Sư Hùng thiên La Phù nhật mộ ư lâm giang tửu tứ bàng xá, kiến mỹ nhân tố trang xuất nghinh, ngôn ngữ thanh lệ, phân hương tập nhân, nhân dữ cộng ẩm. Sư Hùng tuý mị, đông phương kí bạch khởi thị nãi tại mai thụ.

          隋開皇: 趙師雄遷羅浮日暮於林間酒肆旁舍見美人素粧出迎語言清麗芬香襲人因與共飲師雄醉寐東方既白起視乃在梅樹

          (Năm Khai hoàng nhà Đường (nguyên chú nhầm): Ông Triệu sư Hùng đi chơi đất La phù, trời tối ở cái nhà hàng bán rượu trong rừng, thấy người con gái mặc áo ra đón nói chuyện thanh tao lịch sự, thơm tho ngào ngạt, nhân cùng uống rượu, ông Sư Hùng say ngủ, lúc mặt trời đã rạng đông, chổi dậy hoá ra ở trên gốc cây mai)

(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Ở câu 1715 này, “hoàng lương” và “hồn mai” chỉ mang nghĩa là giấc mộng, giấc ngủ nói chung.

          Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, câu 1715 là:

MƠ MÀNG chợt tỉnh hồn mai

Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 1715 là:

Hoàng lương NGHE tỉnh hồn mai

                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                  Huỳnh Chương Hưng

                                                                  Quy Nhơn 21/9/2020

Previous Post Next Post