Dịch thuật: Tục phơi sách, phơi áo nhân ngày Thất tịch


TỤC PHƠI SÁCH, PHƠI ÁO NHÂN NGÀY THẤT TỊCH

 

          Thời cổ, vào ngày “Thất tịch” có tập tục phơi sách, phơi áo, theo truyền  thuyết là để tránh côn trùng sâu mọt. Người ta chọn ngày Thất tịch phơi sách phơi áo là bởi theo truyền thuyết hôm mùng 7 tháng 7 âm lịch, Thiên môn động 天门洞 mở ra, ánh nắng mặt trời rất mạnh, là ngày Long Vương Gia “phơi vảy”. Người ta đa phần vào ngày này phơi sách phơi áo, phơi chăn gối ... để tránh côn  trùng sâu mọt, những người đi học cũng phơi sách vở thư tịch. Sau đời Hán, sự giao lưu văn hoá các vùng miền đã khiến tục này được dung hợp truyền bá, các lễ tiết truyền thống chủ yếu đã được phổ cập toàn quốc. Thôi Thực 崔实 thời Đông Hán trong quyển Tứ dân nguyệt lệnh 四民月令 có nói:

Thất nguyệt thất nhật, bộc kinh thư cập y thường, bất đố.

七月七日, 曝经书及衣裳, 不蠹

(Ngày mùng 7 tháng 7, phơi kinh sách cùng quần áo, để không bị sâu mọt)

          Nhìn từ sử liệu hiện có, thời đại mà tục phơi sách được quan phương coi trọng là đời Tống. Tuy “Lịch đại chi thư tịch, mạc ách vu Tần, mạc phú vu Tuỳ Đường” 历代之书籍, 莫厄于秦, 莫富于隋唐 (Thư tịch của các đời, không có đời nào bị cái nạn ‘phần thư khanh nho” như đời Tần, không có đời nào coi trọng việc chỉnh lí biên soạn điển tịch văn hoá như đời Tuỳ, Đường), nhưng tục phơi sách của quan phương đời Tuỳ Đường lại ít thấy trong sử liệu. Hội phơi sách đời Tống khiến người ta chú ý. Về tình hình có liên quan đến hội phơi sách đời Tống, trong bút kí của người thời Tống có ghi, Thái Thao 蔡绦 đời Tống trong Thiết Vi Sơn tùng đàm 铁围山丛谈 quyển 1 có nói:

          Bí thư sảnh tuế bộc thư tắc hữu hội, hiệu viết Bộc thư hội, thị tùng giai tập, dĩ tước vi vị tự.

          秘书省岁曝书则有会,号曰曝书会,侍从皆集,以爵为位叙

          (Bí thư sảnh hằng năm phơi sách có hội, gọi là “Bộc thư hội”, thị tùng đều tụ tập, theo tước mà xếp vị thứ)

          Ngoài ra, theo Hồng Mại 洪迈 thời Nam Tống trong Dung Trai tuỳ bút 容斋随笔, Trần Kí 陈骥 thời Nam Tống trong Nam Tống quán các lục 南宋馆阁录 và trong Nam Tống quán các tục lục南宋馆阁续录 cũng thời Nam Tống nhưng không rõ tác giả có ghi chép, những năm Thiệu Hưng 绍兴 thời Tống Cao Tông 宋高宗, những năm Thuần Hi 淳熙 thời Tống Hiếu Tông 宋孝宗 cùng với những năm hiệu Khánh Nguyên 庆元 thời Tống Ninh Tông 宋宁宗 đều có hoạt động văn hoá như “Sái thư hội” 晒书会 (Hội phơi sách). Hội phơi sách đời Tống nhìn chung do Bí thư sảnh chưởng quản Đồ thư các 图书阁  chủ trì, do phủ Lâm An 临安 tổ chức cụ thể. Thời gian 3 ngày là mùng 5, mùng 6, mùng 7 của tháng 7.

          Nhìn từ sự thực sử liệu tương quan thời Nam Tống nhiều hơn thời Bắc Tống, dường như Nam Tống càng coi trọng tục phơi sách hơn Bắc Tống, trong đó nguyên nhân chủ yếu là đô thành Hàng Châu 杭州của Nam Tống ở phía đông nam, khí hậu ẩm ướt, việc phơi sách nơi đó trước giờ là một hoạt động mang tính tập quán, quan phương cũng vậy. Đời Tống đã như thế, đời Nguyên cũng có tục phơi sách như vậy. Đời Minh, quan phương quản lí tàng thư lỏng lẻo dẫn đến việc “Các thần từ thần, câu vô nhấn vấn cập, tiệm dĩ tán dật” 阁臣词臣, 俱无人问及, 渐以散佚 (Nội các Đại học sĩ, Văn học thị tùng đều không có ai quan tâm, dần dần đi đến chỗ thất tán).  Hoạt động phơi sách quan phương cũng không được tiếp tục. Hoạt động phơi sách đời Thanh cũng không có quy phạm, quy mô to lớn như đời Tống.

 

Phụ lục của người dịch

Sái thư tiết 晒书节: Một trong những tiết nhật dân gian Trung Quốc. Học giả Chu Di Tôn 朱彝尊 thời Khang Hi 康熙 rất uyên bác. Vào ngày mùng 6 tháng 6, ông nằm phơi bụng dưới nắng, gọi đó là “sái thư” 晒书 (phơi sách). Hành động đó bị Khang Hi vi phục xuất tuần nhìn thấy, sau trải qua diện thí và bàn luận, ông được phong là Hàn lâm viện kiểm thảo, phụ trách biên soạn Minh sử 明史. Sau này, người đọc sách vào ngày này đều phơi sách, phơi bức chữ, tranh vẽ, trở thành “Sái thư tiết” 晒书节.


                                                                                  Huỳnh Chương Hưng

                                                                                  Quy nhơn 27/8/2020

 

Nguồn

Previous Post Next Post