SỚM ĐƯA TỐNG
NGỌC, TỐI TÌM TRƯỜNG KHANH (1232)
Tống Ngọc 宋玉 (khoảng
năm 298 – năm 222 trước công nguyên): còn có tên là Tử Uyên 子渊, sùng thượng Lão Trang 老庄,
người đất Yên 鄢 (nay
là Nghi Thành 宜城 Hồ bắc
湖北) thời Chiến Quốc, văn nhân nước Sở. Tống Ngọc là một
trong “tứ đại mĩ nam” cổ đại Trung Quốc, sinh sau Khuất Nguyên 屈原, là đệ tử của Khuất Nguyên, từng thờ Sở Khoảnh Tương
Vương 楚顷襄王. Tống Ngọc thích từ phú, ông là từ phú gia sau Khuất
Nguyên, nổi tiếng ngang với Đường Lặc 唐勒, Cảnh Sai 景差. Sáng tác từ phú của ông rất nhiều nhưng thất truyền,
hiện lưu truyền có Cửu biện 九辨, Phong phú 风赋, Cao Đường
phú 高唐赋, Đăng Đồ Tử hiếu sắc phú 登徒子好色赋.
Trường
Khanh 长卿 tức
Tư Mã Tương Như 司马相如 (khoảng
năm 179 – năm 118 trước công nguyên), Trường Khanh là tên tự, người Thành Đô 成都quận Thục 蜀, giỏi từ phú, tác phẩm đại biểu có Tử hư phú 子虚赋. Tư Mã Tương Như là tác gia đại biểu của Hán phú, người
đời sau gọi ông là “phú thánh” 赋圣 và “từ tông” 辞宗. Câu chuyện tình ái giữa Tư Mã Tương Như và Trác Văn
Quân 卓文君 lưu truyền rất rộng.
Sau khi
Lưu Vũ 刘武 –
thúc phụ của Hán Vũ Đế 汉武帝 qua đời, Tư Mã Tương Như rời đất Lương 梁 về Lâm Cung 临邛 Tứ
Xuyên 四川, sống một cuộc sống nghèo khó. Lâm Cung lệnh là Vương
Cát 王吉giao hảo với Tư Mã Tương Như. Phú ông Lâm Cung Trác
Vương Tôn 卓王孙 được
biết Huyện lệnh có khách quý bèn bày yến tiệc mời khách để kết giao. Tương Như
cố ý thác bệnh không đi, nhưng Vương Cát đích thân đến đón. Trong buổi tiệc,
đương lúc ngà say, Tương Như gảy khúc “Phụng
cầu hoàng” 凤求凰 bày tỏ lòng ái
mộ người con gái vừa mới goá chồng là Trác Văn Quân 卓文君 - con gái của
Trác Vương Tôn. Trác Văn Quân nghe tiếng đàn, lén nhìn thấy liền cảm mến tài
năng và phong độ của Tương Như, đêm đó Văn Quân đã trốn khỏi nhà theo Tương Như
đến Thành Đô. Trác Vương Tôn cả giận, không nhìn con gái.
Qua một
thời gian sống ở Thành Đô, Trác Văn Quân nói với Tương Như về lại Lâm Cung. Tại
Lâm Cung hai người mở một quán rượu. Trác Vương Tôn biết tin, cảm thấy xấu hổ,
cả ngày không ra khỏi cửa. Người trong nhà khuyên ông rằng: Nay Văn Quân đến với
Tương Như, Tương Như nhất thời không chịu ra làm quan, tuy gia cảnh bần hàn
nhưng là người có tài, coi như Văn Quân cả đời đã có được chỗ dựa. Hơn nữa,
Tương Như lại là khách quý của huyện Lâm Cung. Trác Vương Tôn đành cho Văn Quân
100 nô bộc, 100 vạn tiền đồng, cùng những tài vật lúc Văn Quân xuất giá. Thế là
Trác Văn Quân và Tư Mã Tương Như về lại Thành Đô sống cuộc sống giàu có.
Dập dìu lá
gió cành chim
Sớm đưa Tống
Ngọc, tối tìm Trường Khanh
(“Truyện Kiều” 1231 – 1232)
Tống Ngọc: Danh sĩ thời Chiến Quốc, học trò của Khuất Nguyên,
tác giả bài “Cao Đường phú”, tựa bài nói Tống Ngọc cùng với Sở Tương Vương đi
chơi đầm Vân Mộng. Tống Ngọc kể chuyện tiên vương nước Sở chiêm bao thấy gặp thần
nữ núi Vu Sơn.
Từ Tống
Ngọc ở đây dùng để chỉ người ăn chơi phong lưu.
Trường Khanh: Trường Khanh tự là Tư Mã Tương Như danh sĩ đời Hán,
là người đa tình, ham thú trăng hoa, đánh đàn để dụ Trác Văn Quân.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội,
Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích,
ghi rằng:
Tống Ngọc
宋玉 rất
đẹp trai, người nước Sở có làm bài thơ hiếu sắc.
Tràng
Khanh 長卿 là
tên tục Tư mã Tương như, khi chơi nước Thục lấy bà Trác văn quân. Hai chàng ấy
đều phong tình.
(Sài Gòn: nxb Sống Mới,
1960)
Xét: “Tống Ngọc” “Trường Khanh” ở câu 1232 này mượn để chỉ
hạng người ăn chơi phong lưu.
Bản “Kim Vân Kiều” của Bùi Khánh Diễn, câu 1232 là:
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm TRÀNG Khanh
Huỳnh Chương Hưng
Quy Nhơn 05/7/2020
Thư Mục:
Nghiên Cứu - Dịch Thuật