Dịch thuật: Mặc người mưa Sở mây Tần (1239) ("Truyện Kiều")


MẶC NGƯỜI MƯA SỞ MÂY TẦN (1239)
          Mưa Sở: Điển xuất từ lời tựa bài Cao Đường phú 高唐赋 của Tống Ngọc 宋玉. Lời tựa viết rằng:
          “Trước kia, Sở Tương Vương 楚襄王 cùng Tống Ngọc 宋玉 đến chơi ở đài Vân Mộng 云梦, từ trên cao nhìn ra xa, thấy cảnh tượng ở Cao Đường 高唐 hiện ra một làn khí mây kì lạ, mới đầu nhìn như đỉnh của một ngọn núi cao, sau đó nhanh chóng biến đổi hình trạng, trong phút chốc biến hóa vô cùng. Vương sau khi nhìn thấy mới hỏi Tống Ngọc: “Đó là mây khí gì?” Tống Ngọc đáp rằng: “Đó chính là triêu vân”. Vương lại hỏi: “Sao gọi là triêu vân?” Tống Ngọc đáp: “Trước đây tiên vương từng đến săn bắn ở Cao Đường, ngày nọ vì mệt mỏi nên ban ngày ngủ ở nơi này, nằm mộng thấy một cô gái xinh đẹp đến nói: “Thiếp là thần nữ ở Vu Sơn, làm khách ở Cao Đường, nghe nói ngài đến chơi ở Cao Đường, thiếp nguyện đến trải chăn gối cho ngài.” Thế là tiên vương ngủ cùng cô gái. Lúc từ biệt nàng nói với tiên vương rằng: “Thiếp ở phía nam Vu Sơn, nơi hiểm yếu trên núi cao, sáng sớm làm mây, chiều tối làm mưa, sớm sớm chiều chiều ở dưới Cao Đường’”. Sáng sớm hôm sau, tiên vương thức dậy nhìn, quả nhiên giống như những gì cô gái đã nói. Thế là dựng một ngôi miếu cho nàng, gọi là “Triêu vân” 朝云.
     Vương hỏi: “Khi triêu vân mới xuất hiện có hình trạng như thế nào?” Tống Ngọc đáp: “Khi mới xuất hiện, um tùm như cây tùng xanh tốt vươn lên, qua một lúc sau, xinh đẹp yêu kiều như mĩ nữ giương tay áo che lấy mặt trời, như đang ngóng tình nhân. Bỗng chốc biến đổi hình dạng, nhanh như xe tứ mã, cao như ngọn cờ, mát như cơn gió, lạnh như cơn mưa. Lúc gió dừng mưa tạnh, không biết là đi đâu”. Vương hỏi: “Như nay quả nhân có thể đến chơi một chuyến được chăng?’ Tống Ngọc đáp: “Được”. Vương lại hỏi: “Nơi đó như thế nào?” Tống Ngọc đáp rằng: “Nơi đó cao lớn sáng rõ, có thể nhìn thấy được rất xa; rộng rãi mênh mông, vạn vật dường như từ nơi đó sinh ra.Trên tiếp với trời, dưới xuống đến vực, trân kì quái dị, hùng vĩ tươi đẹp, khó mà nói hết”. Vương bảo rằng: “Khanh thử làm bài phú cho quả nhân xem thử”. Tống Ngọc đáp: “Vâng”.”
          Từ lời tựa bài Cao Đường phú có thành ngữ “Vu sơn vân vũ” 巫山云雨, thành ngữ này vốn chỉ việc làm mây làm mưa của thần nữ Vu sơn trong truyền thuyết thần thoại nước Sở, về sau người ta dùng “mây mưa” để chỉ việc nam nữ hợp hoan.

          Mây Tần:
          Theo chú giải và dẫn điển câu “Mặc người mưa Sở mây Tần” của Hương Ngạn Đào Tử Đàm Duy Tạo trong “Kim Vân Kiều đính giải” chương 15, nói rằng:
          Vua Mục Công nước Tần ngủ một giấc lâu 5 ngày mởi tỉnh, mơ gặp một cô rất trắng đẹp, mặc lối Vương Phi đến đón vua cùng cưỡi mây bây lên trời chầu Thượng Đế, lúc ra về bảo vua: “Thiếp là Bảo Phu Nhân, vua nên lập đền thờ thiếp, thiếp sẽ giúp vua làm nên nghiệp Bá”

Mặc người mưa Sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì
(“Truyện Kiều” 1239 – 1240)
Mưa Sở mây Tần: Mưa Sở là mưa nước Sở, ở núi Vu Giáp, chỉ việc trai gái ăn nằm. Từ mây Tần không có điển, như mưa Sở, nhưng tác giả ghép Tần vào để diễn ý mây mưa, bởi vì trong văn xưa Tần hay đối với Sở.
 (Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)

                                                               Huỳnh Chương Hưng
                                                               Quy Nhơn 08/7/2020
Previous Post Next Post