Dịch thuật: Hay hèn lẽ cũng nối điêu (1317) ("Truyện Kiều")


HAY HÈN LẼ CŨNG NỐI ĐIÊU (1317)
          Điêu là một loại động vật. Theo “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu:
“Điêu là một loài chuột to như con rái cá, đuôi to lông rậm dài hơn một tấc, sắc vàng và đen, sinh ở xứ rét, da nó làm áo mặc rất ấm, nên rất quý báu”.
          Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm 司马炎 sau khi kiêm tính 3 nước Nguỵ, Thục, Ngô kiến lập Tấn triều thống nhất, đã phân phong các nơi cho con em trong gia tộc làm Vương, mong muốn sẽ củng cố được sự thống trị của vương triều Tấn. Kết quả lại ngược lại, chư Vương tranh quyền đoạt lợi lẫn nhau, gây ra nội loạn nghiêm trọng. Người chú của Tấn Vũ Đế là Tư Mã Luân 司马伦có dã tâm, khi Vũ Đế tại vị phong cho ông ta là Triệu Vương 赵王. Vũ Đế qua đời, chẳng bao lâu ông đuổi vị hoàng đế kế vị, phát động chính biến, tự xưng làm đế. Phong Công Hầu cho thân thích và đồng đảng của mình, ngay cả nô bộc, tiểu tốt cũng được phong thưởng. Mỗi khi vào triều, khắp cả triều mọi người đều đội “điêu thiền” 貂蝉 (một loại mũ quan dùng đuôi con điêu và cánh con ve trang sức - ND). Người đương thời đã đặt ra câu ngạn ngữ châm biếm:
Điêu bất túc, cẩu vĩ tục
貂不足, 狗尾续
(Đuôi điêu không đủ, lấy đuôi chó nối vào)
Ý nói đuôi con điêu là trân quý, đại quan quá nhiều, đuôi điêu không đủ dùng thì  lấy đuôi chó thế vào.
          Thành ngữ “cẩu vĩ tục điêu” 狗尾续 (đuôi chó nối đuôi điêu) là từ đây mà ra, được người đời sau dùng để hình dung việc lạm phong quan tước. Cũng dùng để ví với việc đem một vật không có giá trị tiếp nối phía sau vật có giá trị, rõ ràng tốt xấu không tương xứng  (đa phần chỉ tác phẩm văn học).
            Trong Tấn thư – Triệu Vương Luân truyện 晋书 - 赵王伦传 có ghi:
          Nô tốt tư dịch, diệc gia dĩ tước vị, mỗi triều hội, điêu thiền doanh toạ, thời nhân vi chi ngạn viết: “Điêu bất túc, cẩu vĩ tục”.
            奴卒厮役, 亦加以爵位, 每朝会, 貂蝉盈座. 时人为之彦曰: 貂不足, 狗尾续
          (Nô bộc sĩ tốt cả những người làm tạp sự cũng được gia phong tước vị, mỗi khi lên triều, mũ điêu thiền đầy khắp các chỗ ngồi. Người đương thời đặt ra câu ngạn ngữ “Đuôi điêu không đủ, lấy đuôi chó nối vào”)
          (“Thành ngữ đại từ điển” Thương vụ ấn thư quán, 2004)

Hay hèn, lẽ cũng nối điêu
Nỗi quê còn một hai điều ngang ngang
(“Truyện Kiều” 1317 – 1318)
Nối điêu: Điêu là loại chồn ở Bắc cực đuôi to, lông dài, ở Trung Quốc xưa, các quan hầu cận nhà vua thường dùng đuôi con điêu để làm ngù mũ. Vào cuối đời Tấn, khi Triệu Vương Luân cướp ngôi, những người đội mũ điêu đầy triều. Cho nên có câu nói: “Đuôi điêu không đủ thì nối bằng đuôi chó”. Do đó, chữ nối điêu có nghĩa là mình tuy kém, nhưng cũng xin nối tiếp (đây là hoạ vần) bài thơ của Thúc sinh.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Hán thư: Điêu bất túc cẩu vĩ tục.
          漢書: 貂不狗尾續
          (Sách Hán: Dùng lông điêu không đủ nối đuôi chó vào)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960) 

Xét: Câu “Điêu bất túc, cẩu vĩ tục” trong “Tấn thư”.
Bản “Kim Vân Kiều” của Bùi Khánh Diễn, câu 1318 là:
Lòng quê NGHĨ một ĐÔI điều ngang ngang
Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 1317 và 1318 là:
Hay hèn NHẼ cũng nối điêu
Nỗi quê NGHĨ một hai điều ngang ngang
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                                       Huỳnh Chương Hưng
                                                                       Quy Nhơn 21/7/2020
Previous Post Next Post