Dịch thuật: Xót người tựa cửa hôm mai (1043) ("Truyện Kiều")


XÓT NGƯỜI TỰA CỬA HÔM MAI (1043)
          Tựa cửa: tức từ thành ngữ “ỷ môn ỷ lư” 倚门倚闾. Lư là cổng lớn của làng thời cổ.
          Điển xuất từ Chiến quốc sách – Tề sách lục 战国策 - 齐策六:
Vương Tôn Giả 15 tuổi, theo hầu Mẫn Vương. Lúc bấy giờ, nước Yên đánh vào quốc đô, Mẫn Vương tháo chạy, không biết chạy đi đâu. Mẹ Vương Tôn Giả nói với Vương Tôn Giả rằng: “Con sáng sớm đi chiều về, thì mẹ tựa cửa trông ngóng con; đợi đến chiều tối mà con chưa về, thì mẹ ra tựa cổng làng trông ngóng con.  Nay con theo hầu đại vương, đại vương bỏ chạy mà con không biết đại vương chạy đi đâu, sao con còn về đây làm gì?”  Thế là Vương Tôn Giả bèn vào chợ, nói rằng: “Trác Xỉ làm loạn nước Tề, giết Mẫn Vương, ai muốn cùng ta giết hắn, hãy xắn tay áo bên phải!” Người trong chợ theo có đến 400 người, cùng Vương Tôn Giả giết chết Trác Xỉ.
          (Nguồn Quốc ngữ . Chiến quốc sách 国语 . 战国策, Lí Duy Kì 李维琦điểm hiệu, Nhạc Lộc thư xã, 2006.)
          Về sau người ta dùng “ỷ môn ỷ lư” chỉ cha mẹ nhớ và mong ngóng con.

Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
(“Truyện Kiều”:  1043 - 1044)
Tựa cửa hôm mai: Lấy tích mẹ Vương Tôn Giả thời chiến quốc nói với con: “Mày đi buổi sớm, mẹ tửa cửa mong, mầy đi buổi chiều, mẹ tựa cửa ngóng”. Người tựa cửa hôm mai tức là mẹ.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Chiến quốc thời, Vương Giả mẫu ỷ môn vọng tử.
          戰國時王賈母倚門望子
          (Đời Chiến quốc: Mẹ ông Vương Giả dựa cửa trông con)
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, câu 1044 là:
Quạt nồng ĐẮP lạnh những ai đó giờ?
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 18/6/2020


Previous Post Next Post