Dịch thuật: Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn (918) ("Truyện Kiều")


NGHE CHIM NHƯ NHẮC TẤM LÒNG THẦN HÔN (918)
Thần hôn: tức “hôn định thần tỉnh” 昏定晨省 . Xuất xứ từ Lễ kí – Khúc lễ thượng 禮記 - 曲禮上:
“Phàm vi nhân tử chi lễ, đông ôn nhi hạ sảnh, hôn định nhi thần tỉnh”
凡為人子之禮, 冬溫而夏凊, 昏定而晨省
(Lễ tiết phận làm con, mùa đông phải làm cho cha mẹ ấm áp, mùa hạ phải làm cho cha mẹ mát mẻ, buổi tối thay cha mẹ trải chăn mền, buổi sáng sớm phải hỏi thăm cha mẹ)
(“Lễ kí dịch giải” 禮記譯解: Vương Văn Cẩm 王文錦dịch giải)
Thần là sáng sớm. Hôn là buổi tối.
Định là sắp xếp đâu vào cho được yên ổn. Tỉnh là vấn an, hỏi thăm.

Rừng thu từng biếc chen hồng
Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn
(“Truyện Kiều” 917 – 918)
Cách năm mây bạc xa xa
Lâm Tri cũng phải tính mà thần hôn
(“Truyện Kiều” 1599 - 1600)
Thần hôn chăm chút lễ thường
Dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa
(“Truyện Kiều” 2823 - 2824)
Thần hôn: Sớm mai chiều hôm. Do câu “Hôn định thần tỉnh” hay “Thần hôn định tỉnh” là buổi hôm buổi mai săn sóc cha mẹ.
(Đào Duy Anh: “Từ điển Truyện Kiều”, nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 1989)
Trong “Kim Vân Kiều” (Đoạn trường tân thanh) do Bùi Khánh Diễn chú thích, ghi rằng:
          Thần hôn: buổi mau và buổi tối.
(Sài Gòn: nxb Sống Mới, 1960)

Xét: Trong “Tư liệu Truyện Kiều  - Bản Duy Minh Thị 1872” do GS Nguyễn Tài Cẩn phiên Nôm, hai câu 917 là:
Rừng thu từng biếc ÚA hồng
                                                     (Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002)

                                                              Huỳnh Chương Hưng
                                                              Quy Nhơn 10/6/2020
Previous Post Next Post